Ngày 9.4, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự án luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an soạn thảo.
Chủ trì hội thảo, ông Hà Phước Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết, luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội thông qua năm 2011 và có hiệu lực từ ngày 1.1.2012, đến nay đã hơn 12 năm. Trong quá trình hội nhập, phát triển của đất nước, luật cần được sửa đổi, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với giai đoạn hiện nay, gần nhất là vụ 2 em bé bị bắt cóc tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) được dư luận quan tâm.
Kết hợp phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ
Tại hội thảo, ông Phạm Xuân Thụy, giảng viên Trường đại học An ninh nhân dân nhận xét, dự thảo luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) thể hiện điểm mới, cho thấy sự phù hợp tình hình thực tiễn, có sự đồng bộ với văn bản pháp luật trong nước và văn bản pháp lý quốc tế.
"Tuy nhiên, để dự thảo luật hoàn thiện hơn, theo tôi cần xây dựng định nghĩa mua bán người trên cơ sở tách bạch 3 nhóm hành vi rõ ràng, làm tương tự như khoản 1 điều 150 bộ luật Hình sự. Tiếp theo, nếu ở khoản 1 đã có định nghĩa chuẩn về mua bán người và đầy đủ các hành vi liên quan, không cần thiết có thêm khoản 2, khoản 3 kể tên các hành vi nghiêm cấm mua bán người để tránh trùng lặp, dài dòng. Tại điểm d khoản 2 điều 6 dự thảo luật, nên sửa thành "thực hiện yêu cầu hợp pháp của cơ quan, người có thẩm quyền liên quan đến vụ việc mua bán người" để bảo vệ lợi ích chính đáng của nạn nhân", ông Thụy góp ý.
Cho ý kiến về dự thảo luật, luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn luật sư TP.HCM nhận định luật Phòng, chống mua bán người rất cần thiết phải sớm được ban hành, theo dự thảo thì luật có hiệu lực từ 1.7.2025 là quá xa.
Theo luật sư Hòa, Liên Hiệp Quốc xác định mua bán người là một trong 4 loại tội phạm quan trọng, nguy hiểm. Tại Việt Nam, hiện có 3 văn bản pháp luật làm cơ sở phòng chống hành vi mua bán người là luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, Nghị định 09 năm 2013 của Chính phủ và Thông tư liên tịch ngày 10.2.2014 giữa 4 bộ: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Ngoại giao.
"Năm 2015, bộ luật Hình sự mới ra đời, khái niệm mua bán người ở điều 150 và 151 đã khác đi rất nhiều so với nội dung của luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, vì vậy cần phải xác định lại điểm này. Hành vi mua bán người và tội phạm mua bán người là xuyên quốc gia, hiện nay đã phát triển rất nhiều và không chỉ ở phụ nữ và trẻ em mà còn cả nam giới để bóc lột sức lao động. Tiếp đó, tôi đề nghị bổ sung thêm khoản 7 tại điều 3 là lợi dụng hoạt động nhận con nuôi để phạm tội, biến tướng nhận con nuôi, mua bán bào thai, đẻ thuê... nhằm tương thích với luật pháp trong nước và quốc tế", luật sư Hòa đưa ý kiến.
Tại điều 7 quy định về thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người, bà Hòa cho rằng cần kết hợp phòng ngừa xã hội của người dân với phòng ngừa nghiệp vụ của cơ quan chức năng. Tại dự thảo luật chưa thể hiện được sự phối hợp này.
"Vào dịp tết, bên cạnh lời chúc tết thì công an còn khuyến nghị người dân các hành vi lừa đảo, đây là việc làm quan trọng, giúp tăng nhận thức phòng ngừa xã hội. Tương tự với tội phạm mua bán người, cơ quan chức năng tăng cường công tác phòng ngừa nghiệp vụ, giúp người dân nhận thức nguyên nhân phát sinh, thủ đoạn, dấu hiệu của các tổ chức mua bán người. Ví dụ trường hợp 2 em bé mất tích tại phố đi bộ Nguyễn Huệ được kịp thời tìm thấy, sự mất tích đó có thể coi là dấu hiệu mua bán người", bà Hòa nói.
Xác định rõ khái niệm 'nạn nhân' và quyền lợi đi kèm
Đóng góp ý kiến cho dự thảo, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM đề nghị, khoản 1 điều 2 cần bổ sung mục đích của hành vi mua bán người là "nô lệ tình dục"; điều 3 nên rà soát, gộp nội dung tại khoản 1, 2, 3 vì khoản 1 đã quy định rõ các hành vi mua bán người; khoản 2 điều 17 cần quy định cụ thể người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ quy định tại khoản 1 phải chấp hành quy định của pháp luật về phòng ngừa mua bán người, quy định tại dự thảo còn mang tính chung chung, chưa cụ thể.
"Bên cạnh đó, cần xác định đúng khái niệm nạn nhân của tội phạm mua bán người, nếu phụ nữ Việt Nam bị bán ra nước ngoài và có con, thì đứa bé có nên coi là nạn nhân không, nếu có thì được hỗ trợ về giấy tờ pháp lý, hòa nhập như thế nào... Tôi đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Bộ Công an trong hỗ trợ pháp lý cho nạn nhân mua bán người hoặc người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân. Về trường hợp tự nguyện mua bán nội tạng lấy tiền, không vì mục đích nhân đạo, thì người này có nên xác định là nạn nhân mua bán người để hưởng chính sách hỗ trợ không, điều này cần xác định rõ ràng trong dự thảo", thượng tá Hà đề xuất.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Nhật Quang, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP.HCM (thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) cho hay từ khi thực hiện luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 đến nay, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã tiếp nhận 25 nạn nhân bị mua bán, tiến hành các thủ tục xác minh, tư vấn tâm lý, cung cấp đầy đủ thông tin các gói dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân.
Góp ý cho dự thảo luật, tại khoản 2 điều 40 có nội dung "nạn nhân được hỗ trợ để ổn định tâm lý trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Trường hợp nạn nhân không lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân thì được hỗ trợ để ổn định tâm lý trong thời gian 90 ngày", theo ông Quang, đây là nội dung mới được bổ sung, nhưng cần làm rõ "trường hợp nạn nhân không lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội" thì ai là người thực hiện việc tư vấn tâm lý, địa điểm tiếp nhận nạn nhân ở đâu, kinh phí để thực hiện trường hợp này xử lý thế nào.
Tại khoản 1 điều 45, ông Quang đề nghị bổ sung thêm nội dung cơ quan tiếp nhận nạn nhân ban đầu nên hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại theo quy định, hỗ trợ phiên dịch, y tế, tư vấn tâm lý cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân đến khi chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền.
"Nạn nhân bị mua bán do nhiều nguyên nhân khác nhau khi trở về thường có những biểu hiện không ổn định về tâm lý, lo sợ, hoảng loạn, trầm cảm hoặc stress nặng. Do vậy, cần được tư vấn để ổn định tâm lý sau khi được tiếp nhận, đảm bảo việc cung cấp lời khai cho các cơ quan chức năng như công an, bộ đội biên phòng được thuận lợi và chính xác", ông Quang nêu ý kiến.
Bình luận (0)