Dự thảo luật thuế 'đẩy' Kiểm toán Nhà nước ra ngoài ?

16/11/2018 07:19 GMT+7

Ngày 15.11, thảo luận tại hội trường về dự án luật Quản lý thuế (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để tranh luận về việc có hay không dự thảo luật đã đẩy Kiểm toán Nhà nước ra ngoài?

“Quýt làm cam chịu”?
Tranh luận nổ ra xung quanh quy định tại điều 21 - “Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước (KTNN)” có khoản quy định: “Nếu kiến nghị của cơ quan KTNN mà có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế thực hiện việc kiểm tra, thanh tra thuế”. Sau đó, một số điều khoản khác quy định, nếu sau khi thanh tra, “quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế có sự khác biệt với kiến nghị của cơ quan KTNN, kết luận của cơ quan thanh tra nhà nước thì thực hiện theo quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế, đồng thời cơ quan quản lý thuế báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.
Điều khoản này khiến đa số các đại biểu (ĐB) phát biểu phản đối vì cho rằng quy định như vậy là trái với Hiến pháp, luật KTNN và một số pháp luật khác.
ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nói ông “thực sự ngạc nhiên” trước việc Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho rằng KTNN đã bị luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này “đẩy ra ngoài”. Theo ĐB, quy định như dự thảo “là chưa thận trọng, chưa toàn diện” cả về cơ sở pháp lý và thực tiễn. Trong bối cảnh tình trạng chuyển giá của khối FDI diễn ra ngày càng trầm trọng, tình trạng thuế khoán vẫn chưa được siết chặt để chống thất thu, cùng với những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý thuế vẫn chưa khắc phục được... ĐB cho rằng ngành thuế hãy làm tốt và làm tốt hơn nữa công tác này, thay vì hạn chế, thu hẹp quyền của các chủ thể như KTNN, vì họ sẽ cùng với ngành thuế quản lý tốt hơn để chống thất thu ngân sách.
Nhiều ĐB khác cũng cho rằng quy định như vậy là chưa phù hợp với Hiến pháp, vì KTNN là một thiết chế độc lập được hiến định, chỉ hoạt động theo pháp luật, kết luận kiểm toán có tính chất bắt buộc thực hiện, cơ quan thuế không thể phủ nhận kết quả này.
Lý giải về quy định này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết nhiều trường hợp “quýt làm, cam chịu”, tức là KTNN ra kết luận về nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp (DN), nhưng cơ quan thuế lại là nơi ra thông báo, khiến nhiều trường hợp người nộp thuế thấy chưa thỏa đáng đã kiện cơ quan thuế. “Chúng tôi đề nghị ở đây, ai kết luận thì người đó phải giải trình trước tòa”, Bộ trưởng Tài chính nói và cho biết: “Chúng tôi tiếp tục rà soát, tiếp thu, làm sao đảm bảo đúng quy định Hiến pháp, pháp luật...”.
Tranh luận với Bộ trưởng Tài chính, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho rằng trong 3 năm ông làm Tổng kiểm toán, chưa có trường hợp nào từ kết luận của kiểm toán liên lụy đến cơ quan thuế. Bên cạnh đó, ông Phớc cũng “khẳng định việc cơ quan thuế để sót, để lọt nguồn thu là hết sức lớn”, ví dụ KTNN đối chiếu các DN ngoài quốc doanh 2 năm vừa rồi thất thu thuế 94% so với số đối chiếu. Tổng kiểm toán cũng dẫn hàng loạt con số khác, như kiểm toán hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2017, ngành thuế hoàn thuế sai 1.496 tỉ đồng; kiểm toán việc ưu đãi đầu tư tại khu chế xuất ở TP.HCM kiến nghị truy thu 1.749,5 tỉ đồng... và cho rằng khi “đụng” DN nào DN ấy cũng “giãy giụa”. Chẳng hạn, Unilever vừa rồi kiện lên Thủ tướng và Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nhưng cuối cùng vẫn phải chấp nhận nộp thuế 584 tỉ đồng...
Chống chuyển giá còn rất nhiều việc phải làm
Ngoài cuộc tranh luận chiếm gần hết sự chú ý của phiên thảo luận, một số ĐB cũng tiếp tục kiến nghị chống thất thu, chuyển giá. ĐB Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) cho rằng, chuyển giá đã và đang diễn ra nhiều năm nay, gây tổn hại không nhỏ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, ngăn chặn chuyển giá vẫn là một vấn đề nan giải đối với cơ quan quản lý.
Thống kê những năm qua cho thấy, cả nước có khoảng 50% DN FDI kê khai lỗ; trong đó, nhiều DN thua lỗ liên tục trong nhiều năm. ĐB lấy ví dụ, TP.HCM có tới gần 60% trong tổng số 3.500 DN FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm. Tương tự ở tỉnh Lâm Đồng, với 104/111 DN FDI báo cáo lỗ liên tục. Tỉnh Bình Dương cũng có đến 50% DN FDI báo cáo lỗ từ năm 2006 - 2011. Mặc dù thua lỗ triền miên xong các DN FDI vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, điển hình về biểu hiện đáng ngờ là Công ty CocaCola VN, Công ty Pepsico VN, Công ty TNHH một thành viên KeangNam - Vina…
ĐB Ngân cũng dẫn báo cáo tổng kết 10 năm thi hành luật Quản lý thuế cho thấy: Trong các năm 2015, 2016 cơ quan thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra được 965 DN có hoạt động giao dịch liên kết, đã thực hiện truy thu, truy hoàn và phạt 6.295,23 tỉ đồng, giảm lỗ được 7.491,39 tỉ đồng, giảm khấu trừ được 286,11 tỉ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế là 4.743,59 tỉ đồng; nhưng cho rằng “kết quả trên chỉ phản ánh một góc của bức tranh về tình trạng trốn thuế của DN”. “Tôi cho rằng, có tình trạng này là do hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở VN hiện nay vẫn thiếu đồng bộ và còn nhiều lỗ hổng mà dự thảo lần này vẫn chưa xử lý được”, ĐB nói và đề nghị những quy định về quản lý thuế đối với DN có hoạt động giao dịch liên kết được kết cấu thành một chương trong luật, không giao Chính phủ quy định như dự thảo để có cơ sở pháp lý rõ ràng hơn.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận chuyển giá có rất nhiều hình thức khác nhau. “Đầu tư nước ngoài hàng năm kêu gọi 18 - 20 tỉ USD, giải ngân 15 - 17 tỉ USD, nhưng ai xác thực 15 - 17 tỉ đó là giá trị thực tế tài sản người ta đầu tư vào VN? Đấy chính là chuyển giá trong khâu đầu tư”, ông Dũng nói và cho rằng có rất nhiều vấn đề và nhiều công đoạn chúng ta phải làm, phải phối hợp cho tốt.
Quốc hội thông qua luật Bảo vệ bí mật nhà nước
Chiều 15.11, với 444/447 (91,55% tổng số ĐB) tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua luật Bảo vệ bí mật nhà nước, có hiệu lực thi hành từ 1.7.2020.
Luật nêu rõ, thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải là thông tin quan trọng, chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc; thuộc 15 lĩnh vực khác nhau. Theo đó, trong lĩnh vực chính trị bao gồm: chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đối nội, đối ngoại; thông tin về hoạt động của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước; chiến lược, đề án về dân tộc, tôn giáo và công tác dân tộc, tôn giáo liên quan đến bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; thông tin có tác động tiêu cực đến tình hình chính trị, KT-XH...
Một điểm đáng chú ý là thông tin bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước cũng thuộc diện mật trong lĩnh vực y tế...
Lê Hiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.