'Dù thời đại nào thì trường đại học vẫn phải ra hình hài trường đại học'

01/08/2023 20:52 GMT+7

Theo đại diện nhóm chuyên gia của Bộ GD-ĐT, dự kiến tiêu chí diện tích đất của trường đại học (ĐH) tối thiểu 25 m2/sinh viên là để trường ĐH ra trường ĐH và có tính khả thi.

Hôm nay 1.8, tại ĐH Thái Nguyên, Bộ GD-ĐT tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo thông tư quy định chuẩn cơ sở giáo dục ĐH. Tại tọa đàm, đại diện nhóm chuyên gia tư vấn cho Bộ GD-ĐT xây dựng dự thảo, GS Vũ Văn Yêm (ĐH Bách khoa Hà Nội) đã chia sẻ quan điểm của mình về tiêu chí diện tích đất của trường ĐH.

Phải làm sao để để trường đại học ra trường đại học - Ảnh 1.

GS Vũ Văn Yêm (ĐH Bách khoa Hà Nội), đại diện tổ tư vấn giúp Bộ GD-ĐT xây dựng dự thảo chuẩn cơ sở giáo dục ĐH

VĂN MẠNH

Theo dự thảo thông tư quy định chuẩn cơ sở giáo dục ĐH, một trong các tiêu chí của chuẩn là diện tích đất trên một người học chính quy. Cụ thể, diện tích đất trên một người học chính quy, quy chuẩn theo trình độ đào tạo, lĩnh vực đào tạo và vị trí khuôn viên từ năm 2030 không nhỏ hơn 25 m2 tính theo mỗi địa phương mà cơ sở đào tạo có trụ sở, phân hiệu.

Theo GS Vũ Văn Yêm, cơ sở giáo dục ĐH phải có môi trường, hạ tầng khuôn viên, cơ sở vật chất, hệ thống thông tin và học liệu đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng dạy và học. Để làm nên yếu tố môi trường, hạ tầng khuôn viên xứng đáng với một trường ĐH, trường ĐH cần phải được xây dựng trên một diện tích đủ lớn.

Hiện nay, tiêu chuẩn xây dựng được ban hành từ năm 1985 vẫn còn hiệu lực. Ngoài ra, tháng 5.2021, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư số 01/2021/TT-BXD về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng. Tuy nhiên, các văn bản này mới chỉ đưa ra yêu cầu chung chung về các yêu cầu trong xây dựng các công trình. Với dự thảo chuẩn cơ sở giáo dục ĐH, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT dự kiến đặt ra yêu cầu cụ thể về diện tích tối thiểu mà khuôn viên của một trường ĐH cần phải đạt.

GS Yêm cũng cho biết, trong quá trình góp ý xây dựng dự thảo, về tiêu chí này có 2 luồng quan điểm. Luồng thứ nhất cho rằng, giờ là thời đại chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động đào tạo có thể triển khai trên không gian ảo thì không cần quy định cứng về diện tích đất cho trường ĐH nữa.

Nhưng có một luồng ý kiến khác cho rằng dù thời đại nào đi chăng nữa thì trường ĐH vẫn phải ra hình hài của một trường ĐH; diện tích đủ lớn để không chỉ có mặt bằng triển khai các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, mà còn để cho sinh viên có không gian trải nghiệm trong môi trường ĐH. Đó không chỉ là nơi học tập mà còn là nơi làm việc chung với bạn bè, là nơi các em trải nghiệm các hoạt động giao lưu, văn hóa, thể thao…

"Cá nhân tôi ủng hộ quan điểm thứ 2. Trong giới quản lý giáo dục ĐH, rất nhiều người đã từng đến làm việc, tham quan ở các trường ĐH nước ngoài nhiều lần, đều được thấy khuôn viên của họ rất thoáng, rộng hàng trăm héc ta. Còn chúng ta thì các trường ĐH nhìn chung rất bé, rất ít trường ĐH có khuôn viên đạt được tính chất môi trường sư phạm. Chúng tôi không kỳ vọng các trường ĐH của chúng ta rộng hàng trăm héc ta, mà chỉ dám đề xuất 25 m2/sinh viên, vì còn tính đến yếu tố khả thi", GS Yêm chia sẻ.

GS Yêm cũng cho biết tiêu chuẩn này không cào bằng mà có hệ số theo từng lĩnh vực đào tạo. Trong đó, các lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng có hệ số cao nhất là 1,5; nghệ thuật, thú y, sức khỏe hệ số 1,2; thấp nhất là các lĩnh vực đào tạo thuộc khối khoa học xã hội, kinh doanh, quản lý, dịch vụ… với hệ số là 0,8.

GS Yêm nói: "Với các trường ĐH công lập, Nhà nước, cụ thể là các địa phương, bộ, ngành (có ĐH công) cần phải có trách nhiệm đầu tư để đạt được chuẩn này".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.