Theo SSI, mặc dù các đồng tiền trên thế giới biến động mạnh, có đồng tiền mất giá đến 9% như KWR, SEK, nhưng cũng có những đồng tiền lên giá 5-6% như RUB, THB… so với USD, VND trở thành một trong những đồng tiền hiếm hoi có tỷ giá ổn định so với USD. Ngay cả khi USD/CNY vượt mức 7, VND vẫn đi ngang, thậm chí còn giảm và hiện ở mức thấp hơn cuối năm 2018 là 0,06%.
Nhiều yếu tố hỗ trợ tỷ giá ổn định trong thời gian tới, cụ thể, sau 2 đợt mua vào ngoại tệ rất lớn vào 4 tháng đầu năm và từ tháng 7 đến nay, dự trữ ngoại hối hiện đã ở mức cao nhất từ trước đến nay, SSI ước tính khoảng 70 tỉ USD. Yếu tố thứ 2 là cán cân thương mại và dòng vốn đầu tư nước ngoài đang diễn biến thuận lợi. Cán cân thương mại tháng 8 thặng dư 3,43 tỉ USD, mức thặng dư kỷ lục tính theo tháng trong nhiều năm trở lại đây, lũy kế 8 tháng 2019, cán cân thương mại thặng dư 5,1 tỉ USD. Dòng vốn FDI đăng ký và giải ngân vẫn tăng đều, đến hết tháng 8 có 11,96 tỉ USD vốn FDI giải ngân (tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái); dòng vốn đầu tư gián tiếp cũng khá tích cực với các thương vụ bán vốn cổ phần lớn của VCB, VIC, VCM… và các đợt vay vốn quốc tế của Vinmec, VPB...; cán cân tổng thể thặng dư 9,1 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2019. Ngoài ra, một số dòng vốn lớn có thể nhìn thấy sẽ về trong thời gian tới như khoản bán vốn của BIDV và mùa kiều hối cuối năm.
Bên cạnh đó, chỉ số CPI đến tháng 8 tăng 1,87% so với đầu năm và tăng 2,57% so cùng kỳ năm ngoái - khá thấp so với mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4% trong năm 2019 do Quốc hội đề ra. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước có cơ sở để hướng các chính sách điều hành sang mục tiêu giảm lãi suất.
Việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất là thông điệp hướng đến giảm mặt bằng lãi suất làm giảm chi phí vốn, không nhất thiết là nới lỏng tiền tệ . Bởi Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ trực tiếp thông qua các chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng mức 14%, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2). Các biện pháp kỹ thuật của Ngân hàng Nhà nước nếu có được sự đồng lòng của các ngân hàng thương mại lớn thì mục tiêu giảm lãi suất vẫn có thể đạt được mà chưa cần phải dùng đến biện pháp nới lỏng, bơm tiền vào nền kinh tế.
Tuy nhiên để thúc đẩy kinh tế trong giai đoạn hiện nay thì chỉ nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước sẽ không đủ. Theo đánh giá của SSI, công cụ tiền tệ đang phải xoay sở trong một không gian hẹp khi vừa phải ổn định vĩ mô, vừa hỗ trợ tăng trưởng. Trong bối cảnh thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, phát huy tối đa nội lực sẽ vừa tạo được tăng trưởng, vừa tránh được các biến động bất lợi từ bên ngoài. SSI nhấn mạnh tới 2 giải pháp hàng đầu là giải ngân đầu tư công và thực thi bảo hộ.
Bình luận (0)