Dự trữ quốc gia với xăng dầu chỉ đạt 9 ngày nhập ròng

08/09/2023 19:15 GMT+7

Con số trên được Bộ Tài chính nêu trong văn bản trả lời cử tri TP.HCM mới đây. Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, hiện chúng ta vẫn chưa có dự trữ quốc gia với dầu thô.

Theo Bộ Tài chính, ngày 18.7, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia, trong đó đưa ra nhiều mục tiêu cụ thể đối với hạ tầng dự trữ quốc gia về xăng dầu.

Cụ thể, đảm bảo hạ tầng phục vụ dự trữ quốc gia với sức chứa từ 500.000 đến 1 triệu m3 sản phẩm xăng dầu và 1 - 2 triệu tấn dầu thô, đáp ứng 15 - 20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021 - 2030; đảm bảo sức chứa từ 500.000 - 800.000m3 sản phẩm xăng dầu và 2 - 3 triệu tấn dầu thô, đáp ứng 25 - 30 ngày nhập ròng trong giai đoạn sau năm 2030.

Dự trữ quốc gia với xăng dầu chỉ đạt 9 ngày nhập ròng - Ảnh 1.

Dự trữ quốc gia với xăng dầu mới đạt 9 ngày nhập ròng

NGỌC DƯƠNG

 Theo Bộ Tài chính, đến nay, mức dự trữ quốc gia đối với sản phẩm xăng dầu mới chỉ đạt khoảng 9 ngày nhập ròng, chưa có dự trữ quốc gia đối với dầu thô. Thế nên, trong giai đoạn tới, việc tăng mức dự trữ về xăng dầu để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đáp ứng yêu cầu quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết.

“Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030, làm cơ sở để Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch dự trữ quốc gia về xăng dầu trong thời gian tới cho phù hợp”, Bộ Tài chính cho biết.

Hiện Phó thủ tướng Lê Minh Khải đã giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT và các đơn vị liên quan nghiên cứu các phương án điều chỉnh tăng tổng mức xăng dầu dự trữ quốc gia phù hợp khả năng, bố trí nguồn lực ngân sách nhà nước và đáp ứng các yêu cầu về kho, bồn bể chứa.

Theo quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt hôm 18.7.2023, tổng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt đến năm 2030 lên tới 270.000 tỉ đồng. Nguồn vốn này chủ yếu từ vốn ngoài ngân sách, vốn của các doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác. Còn nguồn lực Nhà nước sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ quốc gia.

Tại quyết định phê duyệt quy hoạch này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương là cơ quan chủ trì triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong quy hoạch. Trong đó có vấn đề xây dựng hạ tầng dự trữ quốc gia đối với sản phẩm xăng dầu và dầu thô.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.