Đưa 930 tài năng ra nước ngoài đào tạo

26/08/2016 06:49 GMT+7

Hàng nghìn tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của VN sẽ có cơ hội được nhà nước hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước.

Mục tiêu này được đưa ra trong hai đề án vừa được Thủ tướng phê duyệt giao Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch tổ chức thực hiện: Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến 2030 và Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030. Đây là hai đề án đầu tiên về đào tạo, bồi dưỡng tài năng, nhân lực dành riêng cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Riêng đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030 được coi là đề án quy mô nhằm đào tạo lứa thế hệ nghệ sĩ mới tại các nước có nền nghệ thuật phát triển.
Cơ hội cho những tài năng trẻ
Đề án Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến 2030 tập trung đào tạo những chuyên ngành trong nước đang có thế mạnh, có chất lượng đào tạo tốt trong lĩnh vực mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, sáng tác văn học, âm nhạc, múa, xiếc. Đề án này dành cho đối tượng là học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trong cả nước có tài năng, năng khiếu vượt trội, với chỉ tiêu mỗi năm đào tạo khoảng 355 tài năng ở các trình độ khác nhau. Ngoài đào tạo ở trong nước, các tài năng được tuyển chọn có thể tham dự khóa thực tập ngắn hạn, các cuộc thi, hội diễn, triển lãm, trại sáng tác… tại nước ngoài.
Với đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030, lĩnh vực và ngành đào tạo được ưu tiên những ngành trong nước đào tạo chưa cao, hay chưa đào tạo được gồm âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, múa, xiếc, lý luận và sáng tác văn học. Mỗi lĩnh vực có thể chọn các chuyên ngành khác nhau như công nghệ điện ảnh truyền hình, đạo diễn điện ảnh truyền hình, đạo diễn sân khấu, quay phim, hay ngành mới là phục chế tác phẩm nghệ thuật.
Tài năng từ đâu sẽ trở về đó cống hiến
“Trong đề án cũng như quyết định phê duyệt đề án đã xác định nơi các tài năng sẽ cống hiến. Họ đi từ đâu sẽ trở về tại đó. Chẳng hạn các đơn vị nghệ thuật, các viện, cơ quan cử họ đi thì khi trở về, họ cũng về nơi đó để làm việc, cống hiến. Những sinh viên xuất sắc có thể trở về giảng dạy hoặc làm việc tại các đơn vị nghệ thuật”, đại diện Vụ Đào tạo (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) cho biết.
Đối tượng được hướng đến là học sinh, sinh viên, giảng viên, giáo viên, nghiên cứu viên, đang học tập, làm việc tại cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trong nước; các lưu học sinh đã học tập tại các cơ sở đào tạo nước ngoài, các văn nghệ sĩ đang hoạt động tại các đơn vị nghệ thuật trong nước… Các cá nhân phải có thành tích học tập, làm việc xuất sắc, hoặc đã đoạt giải thưởng trong khu vực, quốc tế. Theo đề án, tổng chỉ tiêu đào tạo là 930 người với nhiều trình độ đào tạo khác nhau tại các quốc gia như Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức, Úc, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Hai đề án dự kiến được triển khai bắt đầu từ năm 2017. Kinh phí thực hiện chủ yếu lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, ngoài ra là các nguồn xã hội hóa. Mặc dù, đề án đã được dự trù kinh phí, tuy nhiên con số này chưa được công bố.
Vừa mừng vừa lo
GS-TS-NSND Ngô Văn Thành, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia VN, đã rất buồn lòng khi thấy gia đình các học trò của ông phải tự bỏ tiền túi tham dự các cuộc thi quốc tế piano, hay violin và giành giải thưởng lớn về cho đất nước. Đạo diễn Phan Đăng Di đã tự mình “mò mẫm” con đường đến với những liên hoan phim lớn của thế giới như Cannes (Pháp), Berlin (Đức), góp tiếng nói của điện ảnh VN với thế giới. Các tài năng, nghệ sĩ hầu hết phải độc hành trên con đường của họ, bởi vậy sự ra đời của hai đề án này rõ ràng là tín hiệu đáng mừng. Nhưng mừng thì có mừng, còn lo thì vẫn lo!
“Nhìn lại các vấn đề của VN từ trước đến nay, không chỉ nằm ở chuyện tiền, mà ở cách chúng ta sử dụng tiền thế nào, có chọn đúng người giỏi hay không. Chúng ta cần có sự tuyển chọn công bằng, minh bạch”, đạo diễn Phan Đăng Di nhìn nhận. Anh cho rằng không nên loại trừ việc mời các chuyên gia quốc tế ở chính những cơ sở đào tạo tới VN để tuyển chọn. Ngoài ra, với đào tạo trong nước, theo đạo diễn Phan Đăng Di, có thể “tận dụng” chính những tài năng người Việt đang có uy tín tại nước ngoài về nước giảng dạy. Nhưng xa hơn, không chỉ dừng ở đào tạo, việc làm sao để nghệ sĩ có thể phát huy tài năng cũng rất đáng bàn. “Trong thời điểm hiện tại, chúng ta có những tài năng lóe lên thì phải hỗ trợ, có chính sách thông thoáng để giúp họ phát triển nghệ thuật. Khi họ bắt đầu sự nghiệp là thời gian khó khăn nhất. Trong điện ảnh, là phim đầu tay chẳng hạn, chúng ta cần có quỹ hỗ trợ điện ảnh để giúp họ”, đạo diễn Phan Đăng Di nói.
Trước đây, không ít nghệ sĩ được cử đi đào tạo tại nước ngoài nhưng khi trở về nước lại chưa phát huy được hết tài năng của mình. “Có rất nhiều giảng viên và nhạc công của học viện âm nhạc đã được đào tạo bài bản và đi học tại học viện âm nhạc nước ngoài về nhạc jazz nhưng trở về đều rất khó tìm được cơ hội phát triển. Có nhiều lý do về mặt bằng thưởng thức hay đời sống chưa bằng các quốc gia phát triển, nhưng lý do lớn nhất vẫn là sự tách biệt, thiếu cơ hội cọ xát học hỏi. 40 năm nay, phong cách nhạc pop của chúng ta vẫn vậy. Khán giả chưa cởi mở đón nhận những cái mới và nghệ sĩ thì đa số phải chiều lòng khán giả. Chẳng biết tại ai nhưng nếu không tạo nên được thói quen cho khán giả và môi trường cho sáng tạo của chính mình thì nghệ sĩ sẽ mãi là những thợ đàn, thợ hát”, nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ.
“Đỉnh cao không chỉ có đào tạo, không phải cứ gửi tài năng đi học là đã có đỉnh cao. Chúng ta cũng phải nhìn cách vận hành của mình. Đó phải là tham vọng chung của cả hệ thống, chứ không tách biệt ra từng lĩnh vực, không chỉ từng khía cạnh. Đó gần như là tham vọng chung của cả đất nước, lúc đó mới tạo ra sức mạnh tổng thể”, nhà làm phim Phan Đăng Di chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.