Một bản đồ ẩm thực trực tuyến sẽ giúp ích biết bao cho những người muốn tìm hiểu ẩm thực Việt Nam.
Khách du lịch trong nước và nước ngoài đều được nhờ
"Quán phở ngon Hà Nội", "bánh mì ngon TP.HCM", "cơm gà xối mỡ Sài Gòn", "cao lầu ngon Hội An"… là những câu lệnh nhiều người thường gõ trên Google khi muốn tìm hiểu về ẩm thực địa phương. Mặc dù vậy, việc tìm thông tin như thế không chắc đã đạt được hiệu quả như mong muốn.
"Trước khi đến một địa danh, tôi thường tìm kiếm thông tin kỹ trên mạng. Nhưng có lần tìm đến một quán theo thông tin kiếm được trên Google, tôi đã dính phải quán thực sự tệ. Có lẽ quán đó đã thuê viết bài quảng cáo. Ngay cả kênh chuyên review ẩm thực cũng có khi nhận tiền và nói quá lên", ông Thanh Tùng, một người mê ẩm thực, cho biết.
Chính vì thế, khi ý tưởng thực hiện một bản đồ ẩm thực trực tuyến của VCCA được đưa ra, rất nhiều người bày tỏ ủng hộ. Theo đó, người tìm kiếm sẽ biết tỉnh, thành nào có món ăn gì đặc trưng. Xa hơn, họ cũng sẽ biết có thể tìm kiếm món ăn đó ở đâu. "Đó là nội dung mà Google không sản xuất được. Nếu có một đơn vị uy tín có thể lên được danh sách các điểm đến ẩm thực, khách du lịch trong nước và nước ngoài cũng đều được nhờ", ông Thanh Tùng nói.
Theo TS Nguyễn Thu Thủy (Khoa Các khoa học liên ngành, ĐH Quốc gia Hà Nội), hiện tại chưa có địa phương nào công bố một bản đồ ẩm thực trực tuyến chính thức với các chuỗi điểm đến ẩm thực. Điều này cũng một phần do việc kiểm kê di sản văn hóa ẩm thực ở các địa phương vẫn gần như bất động.
Hà Nội mới chỉ lên danh sách được một phần nào di sản văn hóa ẩm thực của thủ đô; mặc dù vậy, việc này cũng đang dừng lại vài năm nay. Huế đang có những nghiên cứu về ẩm thực, vì thành phố này có khả năng trở thành Thành phố sáng tạo về ẩm thực. Tuy nhiên, những nghiên cứu này hiện vẫn chưa được tích hợp vào một bản đồ của Sở VH-TT hay Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Mặc dù vậy, cũng đã có những bản đồ đầu tiên về ẩm thực vùng, miền hay của một địa phương nhất định. Hải Phòng có một bản đồ vài trang giới thiệu foodtour Hải Phòng. Trong đó, có một số món kèm theo địa chỉ để du khách có thể tìm đến. Với bánh mì cay, bản đồ có danh sách các quán Bà già 57 Lê Lợi, Ông già Khánh Nạp 181 Hàng Kênh, Ngoc 4 Cột Đèn… Chợ Cố Đạo (phố Trần Nhật Duật) được giới thiệu là điểm đến với danh sách món ngon như: bánh bột lọc, bánh xèo, món cuốn, bún chả, sứa đỏ chấm bỗng, giá bể xào, nem cua bể, chè thập cẩm, nước ép hoa quả, bánh đa cua bể…
Một bản đồ ẩm thực khác rất thú vị, được xác nhận bằng việc bán rất chạy là các cuốn sách của họa sĩ Đặng Hồng Quân: Lê la quà vặt (chuyên về quà Hà Nội), Ăn quà xuyên Việt (chuyên về quà vùng Tây Bắc, miền Trung và miền Nam). Trong từng cuốn sách có những địa chỉ món ngon đã được thử thách qua thời gian. Những món ngon và địa điểm ăn ngon đó lại được giới thiệu qua hình vẽ siêu dễ thương của Hồng Quân.
Hai cuốn sách này cũng được coi là những cuốn art book đầu tiên về ẩm thực trong nước. Ông Hồng Quân cho biết: "Phải lựa chọn món tiêu biểu ra sao, thể hiện nó thế nào cho thật hấp dẫn về đồ họa. Tôi muốn vẽ hàng bánh mì ở phố Hàng Gai ra chất phố cổ Hà Nội. Làm sao để người ta nhìn thấy nhận ra ngay và cảm nhận được cả vị cay của tương ớt". Những điều ông Quân nói cũng chính là một tiêu chuẩn cho bản đồ ẩm thực trực tuyến mà VCCA cần lưu ý.
Nhu cầu giám sát chất lượng và cập nhật thường xuyên
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý, người đã viết nhiều về ẩm thực Hà Nội, cho rằng nếu dự kiến làm bản đồ ẩm thực trong thời gian quá dài, chẳng hạn 10 năm, thì sẽ phải lưu ý một số vấn đề. "Cái khó nhất là sự biến động của các loại hình ăn uống. 10 năm là một quãng thời gian dài, trong khi mọi thứ thay đổi rất nhanh. Các nền tảng để xem, nghe, đọc cũng thay đổi liên tục. Tôi thấy nên rõ ràng các tiêu chuẩn vệ sinh, dịch vụ, đòi hỏi các địa điểm có ý thức tốt hơn mới đưa vào bản đồ", ông Quý nói.
Theo ông Quý, các điểm đến có món ngon giờ đây không chỉ cần ngon mà còn cần dịch vụ, giá cả, vệ sinh an toàn thực phẩm tốt. Bản đồ trực tuyến ẩm thực nên xem xét cách làm của Tạp chí Heritage Guide là ra phiên bản 3 tháng/lần, tái bản và cập nhật liên tục. "Họ cũng có trang để cập nhật thông tin phản hồi của độc giả, có danh sách để cập nhật thêm. Chẳng hạn có thể mở các cuộc thi viết online về món ăn, quán ăn chưa có trong danh sách", ông Quý chia sẻ.
Hiện tại, trong danh sách các món ăn tiêu biểu của ẩm thực Việt Nam mà Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, có nhiều món được ghi kèm với nhiều địa phương khác nhau. Chẳng hạn, phở Hà Nội là món ăn tiêu biểu của Hà Nội; bên cạnh đó, phở bò Nam Định là món tiêu biểu cho Nam Định. Không loại trừ khả năng thời gian tới chúng ta sẽ có thêm món phở Sài Gòn gắn với TP.HCM. Vì vậy, việc có những nghiên cứu thể hiện rõ phở ở các địa phương giống và khác nhau thế nào cũng vô cùng quan trọng. Chẳng hạn, phở Hà Nội không sử dụng tương đen, nhưng phở TP.HCM thì có. Hoặc cùng là bánh cuốn, cùng tráng nồi hơi nhưng bánh cuốn Lạng Sơn lại có cách làm nước chấm từ xương ninh, khác hẳn với Hà Nội.
Điều này, theo ông Nguyễn Trương Quý, rất nên làm, vô cùng cần làm. Tuy nhiên, những thông tin mang nội dung văn hóa lịch sử và nhân học này cần được đúc rút lại sau những nghiên cứu nghiêm túc. Nó cũng cần được đặt trong tương quan với hệ thống văn hóa mà nó thuộc về. Ví dụ, các món lợn quay, vịt quay với lá mắc mật, xôi ngũ sắc, phở chua của dân tộc Tày, Nùng đã làm nên bản sắc văn hóa vùng Đông Bắc. Các gia vị hành tăm, hành tím cũng tạo nên những hương vị khá chung của ẩm thực miền Trung. Ẩm thực Huế có dấu ấn cung đình qua nhiều sản phẩm cầu kỳ, tinh tế như các loại bánh mứt. "Nếu có những thông tin như thế trong bản đồ thì quá tốt", ông Quý nói.
Bình luận (0)