Giá cả và các chi phí để thương lượng đưa ấn Hoàng đế chi bảo về nước là điều báo chí quan tâm trong cuộc họp bình chọn 10 sự kiện VH-TT-DL tiêu biểu 2022 (ngày 6.12 do Báo Văn hóa tổ chức).
Về điều này, ông Trần Đình Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), cho biết tất cả các điều khoản về chi phí đều thuộc diện không được tiết lộ theo thỏa thuận các bên để đưa ấn vàng hồi hương. “Chúng ta quan tâm đến di sản và chúng ta cũng phải tôn trọng khía cạnh kinh tế thị trường”, ông Thành nói.
Chiếc ấn được nhiều lần thay đổi thời điểm đấu giá |
TL nhà đấu giá |
Mặc dù vậy, ông Thành khẳng định việc đàm phán đưa chiếc ấn quý về nước là thành công của ngành văn hóa. Trong suốt quá trình đàm phán để có được quyền mua chiếc ấn, đã có sự tham gia của nhiều đơn vị, bộ ngành trong nước, cũng như các đối tác nước ngoài ở tầm cấp quốc gia. Cụ thể, đại diện chính quyền Pháp cũng tham gia vào cuộc đàm phán cùng các tổ chức của Việt Nam và có ý kiến với chủ sở hữu hiện tại của ấn Hoàng đế chi bảo.
Tính từ năm 1945 đến nay, đây là lần đầu có hoạt động mang tính quốc tế về hồi hương tài sản văn hóa. Việc này khẳng định giá trị và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế trong lĩnh vực di sản văn hóa.
Ông Thành nhấn mạnh: "Thành công này là tiền đề để chúng ta có tiếng nói mạnh trên trường quốc tế trong việc hồi hương cổ vật sau này. Điều này rất quan trọng khi chúng ta còn thất lạc nhiều di sản. Vụ việc cũng khẳng định định hướng sửa đổi luật Di sản văn hóa theo hướng tăng quy định về hồi hương cổ vật".
Việc đàm phán thành công để hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo, ấn vàng đẹp nhất của nhà Nguyễn, được đề cử để bình chọn 10 sự kiện VH-TT-DL tiêu biểu của năm 2022. Hiện tại việc đàm phán vẫn còn tiếp tục xong mốc quan trọng nhất đã đạt được là chúng ta giành được quyền ưu tiên mua, mang chiếc ấn trở về Việt Nam.
Đàm phán thành công để đưa ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo' về Việt Nam |
Báo Văn hóa cũng đưa ra 15 sự kiện để bình chọn 10 sự kiện VH-TT-DL tiêu biểu 2022.
Các sự kiện văn hóa gồm: triển khai thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; Quốc hội thông qua luật Điện ảnh (sửa đổi) năm 2022; đàm phán thành công việc hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo; Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI; hoạt động VH-TT-DL kỷ niệm Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào; di sản tư liệu "Bia ma nhai Ngũ Hành Sơn" và "Hệ thống văn bản làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689 - 1943)" được ghi vào Danh mục di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Quốc hội thông qua luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) năm 2022.
Các sự kiện thể thao gồm: tổ chức và thi đấu thành công tại SEA Games 31; lần đầu tiên đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tham dự World Cup 2023; Đại hội thể dục thể thao các cấp tiến tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX; Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam thi đấu vượt chỉ tiêu tại ASEAN Para Games 2022.
Các sự kiện du lịch gồm: Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15.3.2022; du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ, đạt 110 triệu lượt khách năm 2022; quảng bá, xúc tiến du lịch qua Lễ hội Du lịch - Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc.
Bình luận (0)