Ngày 9.2, UBND tỉnh Bình Định cho biết đã giao cho Sở NN-PTNT củng cố, mở rộng mô hình khai thác, bảo quản và tiêu thụ cá ngừ đại dương theo chuỗi để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Tàu cá của ngư dân Nguyễn Quê vận chuyển cá ngừ đại dương lên bờ bán cho BIDIFISCO
|
Thực hiện mô hình này, từ tháng 8.2014 đến nay, Công ty Kato Hitoshi General Office (Nhật Bản) và Công ty CP thủy sản Bình Định (BIDIFISCO) đã xuất khẩu 2 chuyến cá ngừ đại dương sang Nhật Bản để bán đấu giá. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Masakazu Shoga, chuyên gia thủy sản của Công ty Kato Hitoshi General Office, thì tỷ lệ cá ngừ đại dương do ngư dân Bình Định tham gia mô hình đánh bắt đủ tiêu chuẩn xuất sang thị trường Nhật Bản rất thấp, những con đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cũng có chất lượng chưa cao.
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, nguyên nhân cá ngừ đại dương có chất lượng thấp là do một số thuyền viên trên các tàu cá tham gia mô hình không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật khai thác, xử lý và bảo quản cá. Mô hình khai thác, thu mua và xuất khẩu cá ngừ đại dương theo chuỗi sử dụng thiết bị và công nghệ của Nhật Bản khác nhiều so với cách làm truyền thống nên cần có thời gian để ngư dân học và áp dụng. Trong 2 chủ tàu tham gia mô hình, chỉ có ngư dân Nguyễn Quê nhiệt tình thực hiện, còn ngư dân La Tình (cùng ở xã Tam Quan Bắc, H.Hoài Nhơn) chưa mặn mà với việc tiếp nhận và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tế, lượng cá ngừ khai thác nhiều nhưng chất lượng sản phẩm thấp.
Các chuyên gia thủy sản của Công ty Kato Hitoshi General Office và BIDIFISCO lựa chọn cá ngừ đại dương để xuất sang Nhật - Ảnh: Hoàng Trọng
|
Trong năm 2015, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định phối hợp với chính quyền các địa phương xây dựng thêm một số mô hình khai thác, bảo quản và tiêu thụ cá ngừ đại dương theo chuỗi tại H.Hoài Nhơn và TP.Quy Nhơn. Hiện Hội Hữu nghị Nhật- Việt tại Sakai (Nhật Bản) và UBND tỉnh Bình Định đã bàn bạc, thống nhất các nội dung quan trọng của dự án “Xác định, phổ biến phương pháp và thiết bị đánh bắt nhằm hiện đại hóa nghề đánh bắt cá ngừ ở VN” gửi Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) xem xét để hỗ trợ tỉnh Bình Định thực hiện. Thông qua Hội hữu nghị Nhật- Việt tại Sakai, JICA cũng đã đồng ý hỗ trợ cho tỉnh Bình Định 25 bộ thiết bị và công nghệ câu cá ngừ đại dương theo kiểu Nhật Bản trị giá 16 tỉ đồng.
“Ngư dân phải tuyệt đối tuân thủ quy trình thì sản phẩm cá ngừ của Bình Định mới có thể gắn kết lâu dài với thị trường Nhật Bản. Chất lượng cá ngừ tùy thuộc lớn vào phương cách bảo quản, trong khi tàu cá của ngư dân còn quá thô sơ nên chưa thể làm tốt khâu này. Chúng tôi đã đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ cho ngư dân Bình Định về kỹ thuật, đồng thời chuyển giao công nghệ đóng tàu theo mô hình Nhật để từng bước hoàn thiện chuỗi đánh bắt, bảo quản, xuất khẩu cá ngừ sang Nhật”, ông Phạm Ngọc Tuấn, Vụ phó Vụ Khai thác thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), cho biết.
Bình luận (0)