Đũa có nguồn gốc từ đâu và người nước nào sử dụng đầu tiên?

17/02/2023 14:18 GMT+7

Trên thế giới có ba vùng văn hóa ẩm thực: ăn bằng những ngón tay, ăn bằng dao và nĩa, ăn bằng đũa. Có bao giờ ai đặt câu hỏi, rằng đũa xuất phát từ đâu và nước nào sử dụng đầu tiên?

Đũa là một loại dụng cụ ăn uống có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ đại, tiếng Hán cổ gọi là trợ/trứ (箸), hiện nay gọi là khoái tử (筷子). Đũa phổ biến ở Đông Á, Đông Nam Á và các nước có nhóm người quen dùng đũa nhập cư từ châu Á.

Đũa có nguồn gốc từ đâu và người nước nào sử dụng đầu tiên - Ảnh 1.

Tương truyền Khương Tử Nha được thần linh truyền cảm hứng để phát minh ra đũa tre (trái), còn Vương hậu Đát Kỷ (Đắc Kỷ) thì chế tạo đũa gỗ nói chung

baike.baidu.com

Đũa được sử dụng ít nhất khoảng 3.000 năm nay. Ở Trung Quốc có nhiều truyền thuyết dân gian về đũa, một người kể rằng Khương Tử Nha được thần linh truyền cảm hứng để phát minh ra tơ và đũa tre, còn người khác cho rằng Vương hậu Đát Kỷ (Đắc Kỷ) đã chế tạo đũa gỗ để lấy lòng hoàng đế, giúp vua thuận tiện trong việc thưởng thức ẩm thực.

Bằng chứng cổ nhất về đũa ở Trung Quốc là 6 chiếc đũa đồng, dài 26 cm, rộng 1,1 đến 1,3 cm, được khai quật từ Di tích Ân Khư ("Tàn tích của nhà Ân") ở phía bắc tỉnh Hà Nam, gần thành phố An Dương ngày nay. Chúng có niên đại khoảng năm 1200 TCN, trong triều đại nhà Thương, được cho là dùng để nấu ăn.

Đũa có nguồn gốc từ đâu và người nước nào sử dụng đầu tiên - Ảnh 2.

Đũa có nguồn gốc từ đâu và người nước nào sử dụng đầu tiên - Ảnh 3.

Đũa là một loại dụng cụ ăn uống có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ đại, tiếng Hán cổ gọi là trợ hoặc trứ (箸), hiện nay gọi là khoái tử (筷子)

TƯ LIỆU

Tài liệu sớm nhất về đũa xuất hiện trong quyển Hàn Phi tử (thế kỷ thứ 3), phần Dụ chí cho biết đũa cổ được gọi là trứ (櫡). Đũa cổ xưa nhất ở Trung Quốc phần lớn làm từ gỗ và tre, còn gọi là trợ thực (箸實). Về sau, chất liệu làm đũa còn là kim loại (vàng, bạc, đồng) hoặc ngà voi, xương, sứ, nhựa và những vật liệu khác.

Đũa có nhiều tên gọi, thời Tiền Tần được gọi là hiệp (挟) và giáp (荚). Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, vào thời nhà Thương và nhà Chu đũa được gọi là trợ (箸), thời cổ đại gọi là mộc trợ (木箸), tức đũa gỗ. Đến triều đại nhà Minh gọi là khoái (筷).

Trong Thục viên tạp ký của Lục Dung đời nhà Minh có đoạn: "Bắt đầu từ vùng Ngô Trung, thuyền nào cũng kiêng tránh lật úp, nên gọi đũa là khoái tử (快子)". Do chữ trợ/trú (箸) phát âm giống chữ trú (住), nghĩa là ở lại và chữ chú (蛀) là mọt khoét thủng… nên ngư dân mê tín, kiêng kỵ, tránh gọi đũa là trợ/trú (箸), mà gọi là khoái tử (筷子) để cầu mong đi thuyền bình an. Ký tự khoái (筷) ghép từ hai chữ: khoái (快) nghĩa là nhanh chóng và trúc (竹) là tre, trúc. Từ đó dẫn tới nghĩa "đũa tre gắp thức ăn nóng lên một cách nhanh chóng".

Đũa có nguồn gốc từ đâu và người nước nào sử dụng đầu tiên - Ảnh 4.

Tài liệu sớm nhất về đũa xuất hiện từ thế kỷ thứ 3 trong quyển Hàn Phi tử - sách in lại bên trái, bên phải là chân dung tác giả Hàn Phi

readmoo.com, newton.com.tw

Có tài liệu cho rằng từ đũa trong tiếng Việt xuất phát từ âm Hán thượng cổ của chữ trợ/trứ (箸), song chúng tôi không nghĩ vậy, vì trong hệ thống chữ Nôm, tuy có mượn nguyên xi 3 chữ đỗ (杜), trợ/trứ (箸) và khoái (筷) trong Hán ngữ để tạo ra chữ đũa, song bên cạnh đó còn có chữ đũa (𥮊) thuần Việt. Chữ 箸 (hashi) trong tiếng Nhật và 저 (箸, jeo) trong tiếng Hàn đều mượn từ chữ trợ/trứ (箸) song cách phát âm cho thấy cũng đâu có nguồn gốc từ âm Hán thượng cổ (nghĩa là giống âm đũa).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.