Sau thất bại là thành công
Anh Hoàng cho biết bản thân rất đam mê ngành nông nghiệp, thích được trồng rau, nuôi tôm, cá, ốc, thưởng thức các món ăn đồng quê. Vậy nên trong thời gian làm việc về cơ khí, anh thường tự hỏi: "Tại sao ở quê có rất nhiều ao, hồ, vườn tược, đất trống… mà bản thân không tận dụng để phát triển ngành nông nghiệp, rồi sau đó nhân rộng mô hình cho người dân cùng phát triển, làm giàu?". Thế là anh ấp ủ một số ý tưởng rồi quyết định về quê khởi nghiệp.

Anh Lê Tấn Hoàng khởi nghiệp với ốc bươu đen, tạo ra thu nhập cao hằng năm
ẢNH: THANH NAM
Ban đầu, anh trồng dưa, mở trang trại gà, bò, nuôi cút, dế… nhưng đều thất bại. "Thất bại thì có buồn, nhưng tôi vẫn tin bản thân mình, đồng thời quyết tâm tìm hiểu nuôi thêm con gì đó để khởi nghiệp", anh Hoàng nhớ lại.
"Và "con gì đó" chính là ốc bươu đen. Lý do là tôi nhớ lại năm 2018, một lần đi công tác đã được thưởng thức món ốc bươu đen rất ngon, bổ dưỡng. Bỗng dưng tôi muốn nuôi thử nghiệm và phát triển ngành ẩm thực về ốc. Tôi bắt tay nghiên cứu về mô hình và tiến hành nuôi ốc bươu", anh Hoàng kể tiếp.

Những sản phẩm từ ốc của anh Hoàng, như ốc nhồi ống nứa, thu hút nhiều khách hàng, giúp tạo doanh thu cao
ẢNH: THANH NAM
Thời gian làm cơ khí, anh tiết kiệm được khoảng 30 triệu đồng, rồi dùng số tiền này để từng bước đầu tư vào ao, hồ, con giống, nguồn thức ăn, máy bơm nước, máy thái thức ăn. Nhằm tiết kiệm nguồn vốn, anh tận dụng đất vườn, đất ruộng trống có sẵn của gia đình.
Để tránh thất bại như những lần trước, anh đi khắp các tỉnh, thành trên cả nước, từ miền Tây cho đến miền Bắc để học hỏi các mô hình hay. Anh cũng tận dụng mạng xã hội để tìm hiểu kỹ thuật nuôi ốc bươu đen trên YouTube, Facebook… Từ những chuyến đi này, anh bắt đầu tạo dựng mối quan hệ để tìm đầu ra cho sản phẩm.
"Thời gian đầu khởi nghiệp với ốc bươu đen, cũng va vấp không ít khó khăn vì chưa có kinh nghiệm cũng như vốn ít. Nhưng sai ở đâu thì sửa ở đó. Và quan trọng là không bỏ cuộc, nên tôi học được kỹ thuật nuôi ốc bươu đen sao cho chuẩn. Ngoài ra, tôi nhận được sự động viên, ủng hộ, giúp đỡ của lãnh đạo huyện, tỉnh cũng như các thành viên trong Câu lạc bộ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo H.Bình Sơn nên có cơ hội tham gia nhiều hội thảo nhằm nâng cao kỹ thuật. Nhờ đó, dần dần có những thành công bước đầu", anh Hoàng chia sẻ.
Hy vọng sản phẩm hiện diện trên toàn quốc
Hiện nay, anh Hoàng là Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản Hoàng Lê (ở xã Bình Khương). Ngoài việc chuyên nuôi và cung cấp ra thị trường ốc bươu đen giống (ốc giống), ốc thương phẩm (ốc sống), cơ sở của anh còn sản xuất ốc nhồi ống nứa đóng gói dạng thực phẩm đông lạnh, ốc lác được gác trên giàn bếp còn sống nguyên con, muối ớt dùng để chấm hải sản… Xưởng của anh trung bình mỗi ngày sản xuất 30 - 50 kg ốc bươu đen thương phẩm cho các quán ăn và 10 kg ốc bươu đen làm ốc nhồi ống nứa…

Những sản phẩm khởi nghiệp của anh Hoàng có mặt ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước
ẢNH: THANH NAM
Anh đã đưa con ốc ở quê tiến vào nhiều quán ăn lớn, nhà hàng sang trọng. Khách hàng của anh không chỉ ở trong huyện, tỉnh, mà còn mở rộng thị trường, "phủ sóng" tại nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước như: Khánh Hòa, Đắk Lắk, TP.HCM, Quảng Nam, Nghệ An.
Theo anh, một trong những lý do khiến những món ăn dân dã từ ốc mà anh đã và đang khởi nghiệp tạo được ấn tượng với khách là nhờ giá phù hợp túi tiền người mua. Chẳng hạn ốc nhồi ống nứa 85.000 đồng/khay, ốc gác bếp giá 210.000 đồng/kg, muối ớt giá 50.000 đồng/chai, ốc bươu thương phẩm là 85.000 đồng/kg…
"May mắn là được khách hàng ủng hộ, cũng như đóng góp những ý kiến thiết thực nên sản phẩm nhận nhiều đánh giá tích cực. Khách hàng khen sản phẩm ngon, sạch sẽ, có chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn hợp khẩu vị và dễ dàng chế biến. Cũng nhờ vậy mà việc kinh doanh thuận lợi, được nhiều quán ăn, nhà hàng tin dùng, giúp tạo ra doanh thu cao", anh Hoàng chia sẻ đồng thời cho hay: "Lợi nhuận mỗi tháng từ 15 - 25 triệu đồng, tức mỗi năm lợi nhuận khoảng gần 300 triệu đồng".
Nói về dự định trong thời gian tới, anh Hoàng cho biết sẽ mở rộng khu nhà chế biến, đầu tư thêm máy móc dây chuyền sản xuất, liên kết với các trang trại nuôi ốc trong tỉnh để mở rộng quy mô sản xuất ốc nhồi. Bên cạnh đó là nghiên cứu để đưa ra thị trường thêm nhiều sản phẩm về ốc bươu đen thơm ngon, đa dạng. Đồng thời tìm kiếm những khách hàng, đối tác mới nhằm phát triển chuỗi cung ứng trên toàn quốc.
"Tôi mong một ngày không xa, những sản phẩm mà tôi tạo ra sẽ có mặt, hiện diện ở mọi tỉnh, thành trên toàn quốc. Ngoài ra, hiện chỉ có sản phẩm ốc nhồi ống nứa được chứng nhận sản phẩm OCOP. Nên thời gian tới hy vọng sẽ có nhiều sản phẩm OCOP hơn", anh Hoàng chia sẻ.
Ngôi nhà chung của những người trẻ
có niềm đam mê khởi nghiệp
Câu chuyện thành công của Lê Tấn Hoàng đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho người trẻ ở H.Bình Sơn nói riêng và tỉnh Quảng Ngãi nói chung. Hiện nay anh là thành viên của Câu lạc bộ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo H.Bình Sơn, nơi hỗ trợ, kết nối những người trẻ có cùng chí hướng, chia sẻ kinh nghiệm trong khởi nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Theo chị Nguyễn Thị Hồng Sen, Phó bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam H.Bình Sơn: "Thanh niên ở địa phương có nhiều ý tưởng khởi nghiệp nhưng không ít trường hợp gặp khó khăn về vốn, kiến thức khởi nghiệp. Do vậy, vào tháng 8.2023, Huyện đoàn đã thành lập câu lạc bộ này với mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động hiệu quả. Đến nay, câu lạc bộ có hơn 25 thành viên, mỗi người có mô hình khởi nghiệp ở các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau nhưng chung niềm đam mê khởi nghiệp, có quyết tâm, kiên trì để thực hiện mục tiêu của bản thân. Hằng tháng, các thành viên sẽ sinh hoạt với nhau, chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp, kinh nghiệm bán hàng…".
Bình luận (0)