'Đùa cợt' gì khi dịch bệnh đang căng thẳng?

02/04/2020 05:16 GMT+7

“Giỡn chơi” không phải lúc nào cũng được, nhất là khi cả xã hội đang căng mình chống dịch bệnh Covid-19 .

Động cơ của nhóm người giả dạng ăn xin để chụp ảnh, quay clip tại phố cổ Hội An (Quảng Nam) vẫn đang được cơ quan chức năng làm rõ, và dư luận chưa thể hiểu lý do tại sao họ lại có thể xem đó là một “trò đùa” ở vào thời điểm này.
Tôi cũng khá bất ngờ, vì ngày 31.3, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài khoảng 47 giây ghi lại cảnh 4 người trong bộ dạng rách rưới, đầu đội nón cời, vận trang phục như “cái bang” ngồi cầm tô giơ ra xin tiền người qua đường ở phố cổ Hội An.
Khi đoạn clip xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều người đã chỉ trích hành động thiếu suy nghĩ của nhóm thực hiện cảnh quay trên trong bối cảnh dịch Covid-19 đang vào giai đoạn then chốt.
Sau khi bị cộng đồng mạng lên án, tối cùng ngày (31.3), chủ tài khoản Facebook T.T.M.T (được cho là một trong những người tham gia hóa trang thành “cái bang”) đã đăng dòng trạng thái xin lỗi chính quyền, toàn thể người dân Hội An cũng như cộng đồng mạng và cho biết việc “giả trang” chỉ để... quay clip cho vui, làm kỷ niệm (!?).
Khi nhận thấy việc làm của cả nhóm là không đúng, không phù hợp nên “nhóm thành thật xin lỗi và sẽ tiêu hủy toàn bộ những hình ảnh, clip đã quay”.
Cũng như nhiều người khác, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An không nghĩ vậy. Ông nói, đoạn clip “ăn xin” ở phố cổ lan truyền trên mạng xã hội cho thấy nhóm này có sự bàn bạc, trao đổi khi thực hiện các cảnh quay. Hành vi của nhóm này là không thể chấp nhận, lợi dụng tình hình dịch bệnh đang hoành hành để “câu like”. Việc cải trang ăn xin rồi tụ họp, bày trò như vậy là vi phạm Quy định 176 và rằng “địa phương sẽ xử lý nghiêm”...
Dư luận vẫn không thể hiểu được cái gọi là “giỡn chơi”, quay để làm kỷ niệm (như lời giải thích của một người trong nhóm) hướng đến mục đích cuối cùng là gì? Nếu để thể hiện sự khó khăn (ăn xin vì dịch bệnh kéo dài, kinh doanh thất thu) cũng là quá lố. Ở thời điểm này, với sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, khó khăn phần nào đã được san sẻ.
“Giỡn chơi” không phải lúc nào cũng được, nhất là khi cả xã hội đang căng mình chống dịch. Trong trường hợp này, thứ mà họ “thiếu” không phải là tiền, mà chính là văn hóa và trách nhiệm với cộng đồng trong thời điểm nước sôi, lửa bỏng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.