Đưa cư dân bản địa quay lại phố cổ Hội An

18/05/2023 07:15 GMT+7

Khoảng 70% ngôi nhà đang làm chức năng kinh doanh, buôn bán đã khiến phố cổ Hội An (TP.Hội An) đang dần mất đi phần "hồn". Trước thực trạng này, chính quyền TP.Hội An đang lên kế hoạch xây dựng đề án để đưa cư dân bản địa quay lại phố cổ.

XÂY DỰNG ĐỀ ÁN "PHỤC HỒI HỒN PHỐ"

UBND TP.Hội An (Quảng Nam) đang chuẩn bị xây dựng đề án "phục hồi hồn phố", nhằm đưa cư dân bản địa quay lại phố cổ Hội An. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền cho các chủ nhân ở nơi khác tới mua nhà ở phố cổ hiểu rằng họ đang sở hữu di sản quý giá để không biến ngôi nhà này thành nơi buôn bán đơn thuần. Nếu thuận lợi về cơ chế và nguồn lực, Hội An cũng sẽ triển khai mua lại các nhà cổ kết hợp với hệ thống nhà cổ Nhà nước sở hữu hiện tại, để sắp xếp cho cư dân bản địa thuê sinh sống nhằm bảo tồn hồn cốt phố thị.

Đưa cư dân bản địa quay lại phố cổ Hội An - Ảnh 1.

Khoảng 30% ngôi nhà trong khu phố cổ Hội An thuộc quyền sở hữu của người từ địa phương khác

Tại buổi họp cuối tuần qua để thông tin về chủ trương tăng cường kiểm soát vé tham quan phố cổ Hội An, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP.Hội An, cho hay hiện nay lượng người bản địa Hội An sinh sống trong khu phố cổ đang ngày một giảm dần đi. "Việc này đang là nỗi lo của thành phố trong vấn đề gìn giữ "hồn phố". Trong phố cổ hiện có 30% chủ sở hữu là người TP.HCM và Hà Nội. Những người này mua nhà để cho thuê. Bên cạnh đó, 40% là người gốc Hội An nhưng ra nơi khác ở, còn nhà trong phố cổ thì cho thuê lại; thực chất chỉ còn khoảng 30% người gốc Hội An còn ở trong đó. Việc này chúng ta rõ nhất là khi trải qua đại dịch Covid-19 vào năm 2020 và 2021, khi vào phố cổ thì chỉ thấy lác đác những nhà người dân ở, còn lại đóng cửa hết. Hiện nay, có hơn 3.000 cư dân sinh sống trong khu phố cổ. Với khoảng 70% ngôi nhà trong khu vực này hiện cho thuê để thực hiện các hoạt động buôn bán, phố cổ Hội An dần mất đi phần "hồn". Hội An sẽ trả lại chức năng hoạt động cho phố cổ như đầu thế kỷ 20", ông Sơn khẳng định.

Trong suốt hơn 30 năm qua, Hội An không khuyến khích người dân vào phố cổ để kinh doanh. Thực trạng kinh doanh khá xô bồ trong phố cổ hiện nay không phải là mong muốn của địa phương. Đã có một thời gian, Hội An làm rất chặt về việc cho phép một số lĩnh vực kinh doanh trong khu phố cổ, nhưng theo quy định thì thẩm quyền của địa phương cũng không thể giới hạn việc này được. "Thành phố sẽ xây dựng một đề án "phục hồi hồn phố" cho khu phố cổ. Đề án này sẽ có nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp là làm thế nào để khuyến khích người dân bản địa quay trở lại khu phố cổ để ở. Để người dân yên tâm sinh sống trong khu phố cổ thì chúng ta phải có chính sách giảm thuế, tiền thuê nhà, tiền thuê đất. Tuy nhiên, những chính sách này thì chỉ có tỉnh mới quyết định được. Trong tương lai khi có tiền, thành phố sẽ xin phép tỉnh Quảng Nam cho mua lại các nhà cổ, rồi bố trí cho người dân gốc Hội An thuê lại để ở, nhưng việc này cũng rất khó thực hiện vì hiện nay giá nhà cổ quá đắt. Mỗi căn hiện có giá bán từ 30 - 40 tỉ đồng", ông Sơn chia sẻ.

Đưa cư dân bản địa quay lại phố cổ Hội An - Ảnh 2.

Một ngôi nhà cổ ở đường Trần Phú trong phố cổ Hội An treo biển rao bán

MẠNH CƯỜNG

NGUY CƠ "THAY MÁU" HẾT CƯ DÂN PHỐ CỔ

Nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông cho hay câu chuyện "hồn người" trong phố cổ Hội An đang dần mất đi đã được đặt ra từ rất lâu. Tuy nhiên, đây là một việc rất khó xử lý, bởi việc thay đổi chủ sở hữu thì Hội An đã nhìn thấy nhưng không có biện pháp nào, vì vấp phải rất nhiều vấn đề. Việc thay đổi chủ thể của cư dân phố cổ đã dần làm mất đi tính thực hành văn hóa như cúng bái, giỗ chạp, thờ tổ tiên… Có người nói Hội An sẽ trở thành một "siêu thị mở rộng", bởi không còn không gian, chủ nhân để thực hành văn hóa nữa, thay vào đó chỉ thấy kinh doanh, buôn bán. Chính điều này là một nguy cơ lớn. "Cả khu phố cổ Hội An đã là một di tích lịch sử đặc biệt, nhưng việc để dân gốc phố cổ ở lại với phố cổ là một bài toán mà Hội An "hoàn toàn thua cuộc". Theo thể chế thì người ta có quyền chuyển đổi, sở hữu, cho thuê, mua bán. Khu phố cổ Hội An có hơn 1.000 di tích, nhưng lại tập trung trong một phạm vi rất nhỏ như vậy thì rất khó để chính quyền can thiệp được", ông Đông nói.

Đưa cư dân bản địa quay lại phố cổ Hội An - Ảnh 3.

Một căn nhà cổ khác ở đường Nguyễn Thái Học dù đang cho thuê nhưng vẫn treo biển rao bán

Chuyên gia này cho rằng: "Đã là di tích thì việc chuyển nhượng đâu phải đơn giản, việc này phải có sự giám sát của Nhà nước. Nhà nước ít nhất phải có tiếng nói trong việc này. Chúng ta phải tôn trọng di tích. Hội An cần phải có một cơ chế, chính sách đặc biệt". Ông cũng đưa ra dẫn chứng là hiện nay có một ngôi nhà cổ được xây dựng theo kiểu kiến trúc Pháp nằm trên đường Phan Châu Trinh. Sau khi người từ địa phương khác mua lại thì đòi đập bỏ, nhưng may chính quyền đã can thiệp không cho vì nằm trong vùng lõi. Hiện, căn nhà này đang để hoang phế theo thời gian. "Căn nhà này đã thuộc sở hữu của họ nên chính quyền không thể làm gì được. Và cứ thế, di tích bị hoang tàn mà không có cách nào mua lại hoặc có một tiếng nói, thể chế, chính sách cụ thể để cứu vãn, bảo tồn di tích này. Chúng ta có thể nhìn rộng ra một di tích còn như vậy, huống gì cả ngàn di tích", ông Đông thông tin.

Theo nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông, để "níu giữ được hồn phố cổ" thì giải pháp hữu hiệu nhất bây giờ chỉ có vận động, đánh mạnh vào nhận thức người dân về giá trị của di tích. Vấn đề sở hữu, chuyển giao thế nào thì chính quyền và người dân Hội An cần phải ngồi lại, để tìm một chính sách hợp lý. "Phải lấy sự bảo tồn di tích là quan trọng nhất, chứ không cứ tình hình này nguy cơ sẽ "thay máu" hết cư dân phố cổ", ông Đông nhấn mạnh. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.