Đưa di sản âm nhạc thành sản phẩm du lịch

26/10/2020 06:37 GMT+7

Theo chuyên gia, các di sản âm nhạc được UNESCO ghi danh nếu được biến thành sản phẩm du lịch sẽ rất tốt từ góc độ bảo tồn và phát triển.

Nâng giá trị cho di sản

Năm 2015, ca Huế được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2019, việc tiến hành làm hồ sơ di sản ca Huế để trình UNESCO ghi danh vào danh sách di sản phi vật thể của tổ chức này được thực hiện. Theo kế hoạch, để hoàn thiện hồ sơ, Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế cần phải hoàn thiện báo cáo kiểm kê di sản nghệ thuật này theo đúng quy cách UNESCO yêu cầu. Huế cũng cần sưu tầm tài liệu, hiện vật, tài liệu xuất bản, tài liệu chép tay, thư tịch liên quan đến ca Huế ở trong và ngoài nước. Chương trình hành động để bảo tồn và phát huy giá trị di sản ca Huế cũng sẽ được thực hiện. TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế, đánh giá hồ sơ này đang thuận lợi ở chỗ hồ sơ khá phong phú, nếu được đầu tư tốt sẽ có tính thuyết phục cao.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đang xây dựng đề án “Phát huy giá trị và xây dựng ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa đặc sắc giai đoạn 2020 - 2025”. Theo đó, địa phương sẽ chấn chỉnh và nâng cao chất lượng ca Huế trên sông Hương cũng như mở rộng không gian biểu diễn. Việc đa dạng hóa không gian biểu diễn giúp du khách có thể chọn lựa không gian phù hợp với tính cách và sở thích của mình. “Ca Huế đã là một sản phẩm du lịch. Tôi cũng xem ca Huế trên sông Hương nhiều lần nhưng vẫn cảm giác chưa có chiến lược để bảo tồn nó như một di sản. Việc biểu diễn vẫn như một hình thức tự phát. Vì thế, lần này có thể làm một cách bài bản, phát triển nhóm nòng cốt thì sẽ tốt hơn cho ca Huế”, TS Lê Thị Minh Lý, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN, nói.
Cũng theo bà Lý, các di sản âm nhạc, đặc biệt di sản âm nhạc được UNESCO ghi danh, đều có thể trở thành sản phẩm du lịch. “Nếu như lễ hội khó đưa thành sản phẩm du lịch thì di sản âm nhạc lại không mấy khó khăn khi trở thành sản phẩm du lịch. Nó sẽ tạo giá trị mới cho di sản, từ di sản của một cộng đồng thành di sản của nhiều người hơn. Việc di sản âm nhạc thành sản phẩm du lịch càng ý nghĩa hơn khi nó đã là di sản của UNESCO”, bà Lý nói.
Mặc dù vậy, bà Lý đánh giá: “Mức độ tương tác của các sản phẩm này có khác nhau. Tùy theo loại hình di sản mà sản phẩm lại có độ phổ cập nhiều hay ít. Khi đặt vào làm du lịch thì cũng có thách thức trong việc bảo vệ di sản”.
Đưa di sản âm nhạc thành sản phẩm du lịch

Biểu diễn ca trù trong cộng đồng

Du lịch cần gắn sâu với di sản văn hóa

Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu âm nhạc, nhận xét cũng có nhiều di sản âm nhạc được đưa vào du lịch tốt như quan họ, ca trù, đờn ca tài tử. Tuy nhiên, để đi xa hơn thì ngành du lịch cũng cần hiểu sâu hơn về di sản văn hóa phi vật thể. “Có thể làm tốt hơn khi ngành du lịch nhúng tay sâu hơn vào việc phát triển du lịch gắn với di sản văn hóa phi vật thể, và Bộ VH-TT-DL cần phải quan tâm đẩy mạnh việc này. Vì nếu người làm du lịch không am hiểu, người ta không thể giới thiệu được. Nếu giờ yêu cầu người làm du lịch VN giới thiệu cái hay của ca trù thì có lẽ họ chịu, không thể làm cho người ta bị thu hút. Chỉ có nhà nghiên cứu Trần Văn Khê nói, diễn giải mà đến người Mỹ cũng còn phải sang nghe ca trù. Thế tức là ngành du lịch cần trang bị thêm kiến thức và cần đẩy mạnh đào tạo để du lịch gắn với di sản văn hóa phi vật thể”, ông Loan phân tích.

Bất ngờ hát xoan Phú Thọ

Theo TS Lê Thị Minh Lý, hát xoan Phú Thọ - di sản được UNESCO ghi danh - là một trường hợp bất ngờ khi nó lại trở thành sản phẩm du lịch sớm hơn những người nghiên cứu dự tính. Chính quyền Phú Thọ đã đầu tư cho hát xoan rất bài bản khi cho sửa sang lại khang trang đình làng An Thái (xã Phượng Lâu, TP.Việt Trì) và đường tới An Thái. Cộng đồng cũng chủ động trong việc đưa di sản hát xoan vào du lịch. 
“Con đường chạy đến tận làng đã thành đường lớn mà khách du lịch có thể đến. Chính quyền địa phương, các xã có phường xoan rất ủng hộ. Phường xoan An Thái có cơ hội làm du lịch theo cách đi ra khỏi cộng đồng, đến trình diễn ở nơi khác. Họ cũng tiếp đón đoàn du lịch có nhu cầu thăm thú và xem hát xoan. Tôi cũng không nghĩ Phú Thọ có thể làm nhanh như thế vì trước đó hát xoan còn là di sản cần bảo vệ khẩn cấp”, bà Lý nói.
Bà Lý cho rằng việc Phú Thọ xác định, đầu tư rõ ràng vào việc tạo ra sản phẩm du lịch từ hát xoan đã khiến địa phương có thể lập được kỳ tích như vậy: “Họ quyết tâm đầu tư cho di sản và cũng cầu thị, lắng nghe các chuyên gia. Đến giờ tất cả các phường xoan đều có không gian để trình diễn, có đội xoan và liên tục hoạt động với sự hỗ trợ của nhà nước. Các phường xoan hồ hởi truyền dạy, trẻ con hào hứng. Xoan mà sống, mà muốn làm du lịch được thì phải từ lớp trẻ”.
Trong khi đó, dù quan họ vẫn hút khách mỗi rằm tháng giêng, song TS Lê Thị Minh Lý nhận định: “Quan họ vẫn còn diễn giải chưa tốt. Mà di sản âm nhạc nào của mình cũng diễn giải chưa tốt vì mình chưa đầu tư cho những nghiên cứu đấy. Phải có người am hiểu giới thiệu đó là điệu gì, liên quan đến cái gì thì mới thu hút được”.
Xuất phát từ sự am hiểu, sản phẩm du lịch từ di sản âm nhạc mới có thể ra đời và có sức thu hút. “Phố cổ Hà Nội thì phải gắn với ca trù, nhưng vẫn chưa gắn được. Ca trù được khai sinh từ Thăng Long, từ thời Lý. Khách đến hoàng thành phải được nghe nghệ thuật thời kỳ bùng cháy của thời Lý, thì ca trù chính là nòng cốt. Hát hay thì hấp dẫn ngay. Thế rồi kể chuyện chúa Trịnh viết gì cho ca trù, ca trù biểu diễn ở dinh chúa thế nào, cung vua ra sao... Như thế mới hấp dẫn được”, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.