Đùa giỡn với tính mạng

19/05/2016 06:01 GMT+7

“Xe trượt điện” hay “xe điện cân bằng” (hoverboard) chẳng có gì xa lạ với thế giới nhưng lại là “xe lạ” ở VN. Lạ ở chỗ loại xe này không phải đổ xăng và cũng chẳng có tay lái, nó di chuyển, chạy nhanh hay chậm, quẹo phải hay trái đều do cơ thể của người đứng bên trên quyết định, không khác gì một diễn viên xiếc.
Hoverboard hoạt động dựa vào một cục pin có chức năng sạc nhiều lần và tai họa tiềm ẩn cũng từ cục pin này, nó có thể bất ngờ cháy nổ trong bất kỳ hoàn cảnh động hay tĩnh của chiếc xe, kể cả trong lúc đang sạc điện. Đó là lý do giải thích vì sao rất nhiều hãng hàng không dân dụng trên thế giới từ chối vận chuyển hoverboard vì nó đe dọa an toàn của chuyến bay. Máy bay chở hoverboard chẳng khác nào vận chuyển “bom hẹn giờ” vì không biết cục pin sẽ cháy nổ lúc nào. Vì lẽ đó, người Mỹ đã bình chọn hoverboard là 1 trong 10…“tai họa” của làng công nghệ thế giới năm qua, trong khi chính phủ nhiều nước ra lệnh cấm dân chúng sử dụng loại xe này. Đáng buồn là tai họa ấy giờ đang xuất hiện tại xứ ta.
Với vận tốc có thể lên đến 20 km/giờ, hoverboard chạy nhanh không thua gì xe đạp điện trong khi nguy cơ xảy ra tai nạn lớn hơn nhiều vì như đã nói, nó vận hành theo cử động “body” của người sử dụng. Nếu không tự té ngã thì cũng tông thẳng vào người khác một khi không kiểm soát được tốc độ. Điều khiển thuần thục chiếc xe này chắc chắn phải có kỹ năng, giống như trượt pa-tanh vậy. Sẽ có người thắc mắc: đi xe đạp, trượt pa-tanh hoặc hoverboard đâu có phóng nhanh được như xe máy mà phải đội nón bảo hiểm? Nghĩ như vậy là chưa lường hết hậu quả. Dù có đi xe đạp hay đi bộ mà té ngã đập đầu xuống đường nhựa hoặc đường lát đá hoa cương như phố đi bộ Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM, thì hệ quả dẫn đến chấn thương sọ não là điều rất dễ xảy ra.
Từ ngày nở rộ dịch vụ hoverboard ở TP.HCM, chưa có vụ tử nạn nào đáng tiếc xảy ra, tuy nhiên chuyện sứt đầu mẻ trán, trầy xước chân tay từ chiếc “xe lạ” này thì diễn ra như cơm bữa. Còn nếu nhắc đến chuyện đau lòng dẫn đến tử vong oan uổng khi vui chơi ở nơi công cộng thì chúng ta đều thấy đau lòng về trường hợp của một học sinh lớp 4 bị điện giật trong lúc vui chơi tại công viên Châu Văn Liêm ở TP.Cần Thơ vào tối 14.5 vừa rồi. Cũng nên biết điều này, hầu hết những chiếc hoverboard đang có mặt tại VN đều có xuất xứ từ Trung Quốc, mà Trung Quốc thì chưa bao giờ tạo cho cả thế giới an tâm về chất lượng công nghệ, cụ thể trong hoàn cảnh vừa nêu là cục pin sạc lithium ion gắn vào các chiếc xe trượt. Nếu cục pin ấy cháy nổ ngoài phố thì chắc cũng không sao, chứ nó mà phát hỏa trong nhà giữa lúc đêm khuya khi gia đình đang ngủ thì hậu quả có thể bi đát hơn nhiều. Tiền nào của nấy, muốn xài hàng giá bèo thì chuyện rủi ro, hên xui là lẽ đương nhiên. Nhưng trước hết, vì sự an toàn tính mạng cho mình, cho người thân và cộng đồng, chúng ta nên nói “Không” với hoverboard đồng thời các cơ quan đang quản lý những khu sinh hoạt cộng đồng cũng cần có thái độ dứt khoát nhằm loại bỏ mối hiểm nguy này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.