Được thành lập từ năm 2000, Đội K70 (Cục Chính trị Quân khu 7) đã có hơn 23 năm thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia VN hy sinh tại chiến trường Campuchia vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Thượng tá Bùi Văn Phủ, Chính trị viên Đội K70, cho biết hằng năm đội đều có 2 đợt công tác. Mỗi đợt kéo dài từ 2 - 4 tháng với số lượng 40 - 67 cán bộ, chiến sĩ. Lực lượng được chia làm 2 bộ phận tìm kiếm thông tin và quy tập hài cốt tại 2 tỉnh KamPong Chàm, Tboung Khnum (Campuchia). Suốt quá trình công tác, Đội K70 luôn nhận được sự chỉ đạo, quan tâm hỗ trợ sâu sát của Ban Chỉ đạo quốc gia 515, Ban Chỉ đạo Quân khu 7 và các cơ quan, ban ngành để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
"Thời tiết rất khắc nghiệt, thông tin liệt sĩ trải qua thời gian rất lâu, bị sai lệch, địa hình có sự thay đổi trong quá trình quy tập, ảnh hưởng đến kết quả quy tập hài cốt liệt sĩ của đội. Chúng tôi đã làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xác định đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chính trị sâu sắc, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn". Từ đó cán bộ, chiến sĩ quyết tâm "vượt nắng, thắng mưa", quy tập được nhiều hài cốt liệt sĩ nhất để đưa về đoàn tụ với quê hương, đất nước, gia đình", thượng tá Bùi Văn Phủ chia sẻ.
Vượt qua lực cản địa hình và thời tiết bất lợi
Là một chiến sĩ trẻ, công tác tại Đội K70 được hơn 1 năm, binh nhất Nguyễn Tấn Tài vinh dự được 2 lần tham gia công tác quy tập, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại Campuchia. Mỗi lần tìm thấy, tận tay cất bốc hài cốt liệt sĩ đều mang lại cho chàng lính trẻ này những cảm xúc đặc biệt.
"Khoảng thời gian không tìm được hài cốt liệt sĩ, tụi em rất buồn. Sau đó, lúc đào trúng một cái bọc, anh em liền khui đất lên, thấy xương là anh em vui lắm. Thời gian sắp tới, em và các đồng đội sẽ cố gắng hết mình để tìm, cất bốc và giúp đưa hài cốt liệt sĩ trở về quê nhà", binh nhất Nguyễn Tấn Tài chia sẻ.
Cũng là một chiến sĩ mới, binh nhất Nông Viễn Thanh (Đội K70) dù chỉ mới tham gia công tác được 1 đợt nhưng Thanh đã thấu hiểu những khó khăn, vất vả của công tác quy tập, tìm kiếm hài cốt ở nước bạn Campuchia.
"Địa hình, địa vật, thời tiết cản trở tụi em rất nhiều nhưng anh em vẫn luôn nung nấu trong mình quyết tâm tìm được hài cốt các liệt sĩ để đưa trở về quê hương. Cảm xúc khi tìm được rất linh thiêng", Nông Viễn Thanh cho biết.
Không chỉ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên nước bạn, Đội K70 còn tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bộ đội và nhân dân Campuchia; Thăm, tặng quà các cấp chính quyền, nhà chùa… góp phần tô thắm thêm mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa Chính phủ, quân đội và nhân dân hai nước VN - Campuchia.
"Quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi được sự giúp đỡ của ban chuyên trách của các tỉnh, lực lượng bảo vệ, dẫn đường, chỉ đường và sự hỗ trợ nhiệt tình của người dân Campuchia chỉ nơi an táng của liệt sĩ để chúng tôi thực hiện nhiệm vụ quy tập được kết quả tốt hơn. Quá trình quy tập hài cốt liệt sĩ, chúng tôi cũng luôn làm tốt công tác đối ngoại quốc phòng, thăm tặng quà, khám chữa bệnh cho nhân dân Campuchia cũng như lực lượng bảo vệ, dẫn đường của Campuchia", thượng tá Bùi Văn Phủ cho biết thêm.
Hơn 2.500 hài cốt liệt sĩ được quy tập sau 23 năm
Đến nay, sau hơn 23 năm, Đội K70 đã tìm kiếm, quy tập được 2.557 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia VN hy sinh tại chiến trường Campuchia trở về quê hương. Các hài cốt liệt sĩ sau khi được quy tập đều được an táng trang trọng tại các nghĩa trang thuộc địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Trong lễ truy điệu và an táng 172 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia VN hy sinh tại Campuchia đưa về nước đợt 2, giai đoạn 23 (mùa khô 2023 - 2024) ngày 24.7 vừa qua tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82 (H.Tân Biên), ông Nguyễn Hồng Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, xúc động cho biết chiến tranh đã lùi xa, nhường chỗ cho niềm vui, hạnh phúc. Song niềm vui, hạnh phúc chưa trọn vẹn khi còn đó những nỗi đau chất độc da cam, những nỗi đau vợ mất chồng, mẹ mất con, anh mất em. Còn đó những mộ liệt sĩ chưa biết tên hay một dòng địa chỉ, những hương hồn liệt sĩ chưa về với đất mẹ… "Hễ còn một hương hồn chưa về với đất mẹ, còn một mộ bia chưa được gọi tên là nỗi đau, là trách nhiệm chưa tròn của người đang sống", ông Thanh chia sẻ.
Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82 (H.Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) hiện là nơi an nghỉ của hơn 15.000 liệt sĩ, trong đó có hơn 5.000 liệt sĩ hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc và hơn 10.000 liệt sĩ, quân tình nguyện, chuyên gia VN hy sinh trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Bình luận (0)