Vụ tung tin mang súng lên máy bay xảy ra trên chuyến bay VN 186 từ Đà Nẵng đi Hà Nội hôm 7.11 khiến máy bay phải khởi hành chậm 2 tiếng. Đây không phải là lần đầu tiên hành khách có hành vi "dọa" có bom hoặc mang súng lên máy bay.
Theo đại diện một hãng hàng không, một số hành khách có thể vô tình hoặc cố ý "nói đùa" trên máy bay về việc mang vật liệu nguy hiểm, cháy nổ. Tuy nhiên, đây là các hành vi bị cấm và sẽ bị xử lý về mặt hành chính thậm chí hình sự.
Với chuyến bay VN 186, khi 2 nam hành khách ngồi ghế 29A và 30D "đùa giỡn nhau có súng trong người", cơ trưởng đã ra quyết định từ chối vận chuyển. Các lực lượng chức năng thuộc Cảng vụ Hàng không miền Trung đã áp giải 2 hành khách tung tin mang súng lên máy bay, đưa xuống máy bay, đồng thời đưa toàn bộ hành khách và hành lý xách tay trên máy bay vào lại nhà ga.
Lực lượng sân bay bắt buộc phải tái kiểm tra an ninh đối với toàn bộ hành khách, soi chiếu an ninh lần 2 với hành lý xách tay và kiểm tra toàn bộ máy bay.
Vụ tung tin mang súng lên máy bay: Một người là trung tá Công an tỉnh Thái Bình
Theo khoản 1 điều 12 luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi đưa vũ khí, chất cháy, chất nổ, các vật phẩm nguy hiểm khác lên máy bay, vào cảng hàng không, sân bay và các khu vực hạn chế khác trái quy định.
Ngoài ra, hành vi đe dọa, uy hiếp an toàn bay, gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác trong máy bay cũng bị nghiêm cấm.
Về quy định xử phạt, theo khoản 4 điều 26 Nghị định 162/2018/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng với hành vi tung tin hoặc cung cấp thông tin sai về việc có súng, đạn, bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh, hóa học mà chưa gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hoạt động hàng không dân dụng và chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Số tiền thiệt hại này sẽ do phía hãng hàng không chứng minh trên cơ sở hóa đơn, chứng từ hợp lệ để buộc hành khách vi phạm bồi thường thiệt hại cho mình.
Ngoài ra, theo khoản 7 điều 26 sẽ phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng với hành vi tung tin hoặc cung cấp thông tin sai về việc có súng, đạn, bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh, hóa học gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hoạt động hàng không dân dụng mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Với vụ việc tung tin có súng trên chuyến bay VN 186, Cảng vụ Hàng không miền Trung đã tiếp nhận 2 hành khách trên và đang xem xét, xử lý theo quy định.
Trước đó, ngành hàng không từng ghi nhận một vụ việc nữ hành khách phải ra tòa khi nói đùa có bom trong hành lý khi bay. Năm 2012, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã mở phiên xét xử vụ án cản trở giao thông do nói đùa về bom trên máy bay đối với bị cáo Hồ Thị Thanh Tuyền.
Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Tuyền 15 tháng tù hưởng án treo và bồi thường cho hãng hàng không 100 triệu đồng. Trước đó trên chuyến bay từ Hà Nội đi Đà Lạt tháng 7.2011, Tuyền được xếp ngồi ghế 15C nhưng lại ngồi 15A, sau khi được tiếp viên nhắc nhở cất hành lý đúng nơi quy định, Tuyền đã nói đùa "nếu trong túi này có bom và bỏ vào hộc để đồ nó phát nổ thì sao?".
Cơ trưởng sau đó đã hoãn chuyến bay, cho máy bay quay lại kiểm tra an ninh với máy bay, hành khách và hành lý. Chuyến bay bị tạm dừng và áp dụng phương án khẩn nguy cứu nạn tại cảng, chậm 3 tiếng theo giờ khởi hành.
Trước tòa, Tuyền khai chỉ nói đùa có bom và không ngờ gây hậu quả. Song các cơ quan tố tụng cho rằng, hãng bay đã phải dừng tất cả 3 chuyến bay lại để đảm bảo an ninh cho hành khách, thiệt hại hơn 304 triệu đồng.
'Đùa' mang súng lên máy bay sẽ bị xử lý ra sao
Đồ vật nào bị cấm mang lên máy bay:
Các chất nổ: ngòi nổ, kíp nổ, dây nổ chậm, lựu đạn… Các chất lỏng dễ cháy: xăng, dầu… Các chất dễ cháy. Các chất khí dễ cháy. Các loại khí gas. Các chất hữu cơ chứa oxy. Các chất oxy hóa. Các chất ăn mòn. Các vật chứa từ tính. Các chất hoặc khí độc. Các chất phóng xạ. Các chất lây nhiễm. Các chất nguy hiểm khác: đá khô, amiang…
Ngoài ra, hành khách không được phép mang trong hành lý xách tay, gồm: vũ khí và các dụng cụ được thiết kế gây thương tích hoặc uy hiếp tính mạng con người hoặc các vật mà bị nhầm là vũ khí như súng laser hoặc thiết bị phát tia laser (trừ bút laser dùng trong giảng dạy, thuyết trình).
Các loại dao găm, kiếm, gươm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung tên, nỏ… Các vật dụng đồ chơi giống như vũ khí thật: súng, bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi, vỏ đạn, các vật được chế tác từ vỏ đạn. Các loại dao có lưỡi (không bao gồm cán dao) hoặc các loại kéo có lưỡi dài trên 6 cm hoặc tổng chiều dài cán và lưỡi dao trên 10 cm...
Bình luận (0)