Tình trạng tháo dỡ các tấm lưới chống lóa, hàng rào, hộ lan trên đường cao tốc, quốc lộ đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.
Gương cầu lồi trên đèo Lò Xo thuộc QL14, đoạn qua Kon Tum, nhiều lần bị đập biến dạng (ảnh nhỏ); Các tấm lưới chắn trên dải phân cách QL1A qua tỉnh Bình Định bị tháo dỡ để làm lối băng qua đường - Ảnh: Phạm Anh - Hoàng trọng |
QL14 đoạn qua đèo Lò Xo nối H.Phước Sơn (Quảng Nam) với H.Đắc Glei (Kon Tum) có 30 km đường đèo quanh co rất nguy hiểm, từng xảy ra nhiều tai nạn giao thông rất thương tâm. Chính vì vậy, ngành chức năng tỉnh Kon Tum lắp đặt 11 gương cầu lồi tại những khúc cua nguy hiểm, khuất tầm nhìn. Thế nhưng, từ tháng 8.2015 đến nay, hàng loạt gương cầu bị đập phá biến dạng, gây khó khăn cho người điều khiển phương tiện giao thông.
Hàng loạt dải phân cách trên đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân) bị tháo dỡ - Ảnh: An Huy
|
Theo đơn vị quản lý đường bộ ở khu vực này, mỗi gương cầu giá 35 triệu đồng. Không chỉ ở đèo Lò Xo mà tại đoạn tránh đèo Măng Đen trên QL24 cũng có nhiều gương cầu bị phá nhưng đến nay vẫn chưa xác định được thủ phạm.
Di chuyển bê tông, tháo tấm chống lóa...
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, trên tuyến QL1A đoạn từ Km 330 đến Km 368 qua địa phận Quảng Xương và Tĩnh Gia (Thanh Hóa) thiết kế dải phân cách cứng cùng lưới sắt chống lóa ở giữa đường. Hồ sơ thiết kế đoạn tuyến này có 92 điểm mở dải phân cách (trung bình 400 m/điểm), cơ bản đáp ứng nhu cầu qua lại của người dân địa phương.
Thế nhưng, một số người vẫn tự ý di chuyển các tấm bê tông, tháo tấm chống lóa, tự mở thêm 34 điểm qua đường rất nguy hiểm. Nhiều đoạn cứ hôm trước cơ quan quản lý lắp lại, hôm sau lại bị tháo, gây bức xúc dư luận. “Nhiều đoạn đường cong, khuất tầm nhìn bị mất tấm chống lóa khiến việc lưu thông của phương tiện gặp nhiều khó khăn vào ban đêm vì bị lóa đèn. Nguy cơ tai nạn rất cao”, tài xế Lê Hùng Sơn (ngụ TP.Thanh Hóa) nói.
Tại Hà Tĩnh, ngay khi dự án mở rộng, nâng cấp QL1A đoạn qua địa bàn đưa vào sử dụng cũng xảy ra tình trạng người dân tự ý tháo dỡ tấm lưới chống lóa, dải phân cách để băng qua đường. Hành vi này chưa được ngăn chặn kịp thời nên ngày càng trở nên nghiêm trọng. Xã Cẩm Trung (H.Cẩm Xuyên) và TT.Voi (H.Kỳ Anh) là 2 địa điểm có số lượng tấm lưới chống lóa bị tháo, lấy cắp nhiều nhất. Nhiều vị trí tấm lưới bị tháo dỡ chỉ cách điểm băng ngay 100 - 200 m, thậm chí 10 - 20 m.
Tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều đoạn QL1A qua các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn và TX.An Nhơn (Bình Định). Chỉ riêng đoạn QL1A từ thị trấn Tuy Phước (H.Tuy Phước) đến P.Nhơn Thành (TX.An Nhơn) dài khoảng 20 km đã có gần 50 tấm lưới chắn bị người dân tháo. Trong đó, riêng đoạn đường 2 km từ UBND P.Nhơn Thành ra phía bắc, thuộc khu vực Tiên Hội (P.Nhơn Thành) đã có khoảng 20 tấm lưới chống lóa bị tháo. Hầu như trước các cửa hàng tạp hóa, quán cơm, quán bún... tấm chống lóa đều bị gỡ bỏ.
Người dân phá tấm chống lóa để băng qua QL1A - Ảnh: Nguyên Dũng
|
Không chỉ các tỉnh, QL1 đoạn qua cổng KCN Tân Tạo (Q.Bình Tân, TP.HCM) hàng loạt tấm lưới chống lóa cũng bị tháo dỡ để công nhân băng qua đường. Dọc QL1, QL22 đoạn qua địa phận TP.HCM lâu nay cũng thường xuyên xảy ra tình trạng nhiều người phá dải phân cách, phá dây cáp...
Một đêm “bay” mất cả đoạn phân cách cao tốc
Với gần 100 km thuộc tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua, dọc các huyện Trấn Yên, Văn Yên (Yên Bái), nhiều người dân tự ý tháo dỡ hàng rào, hộ lan để đi qua đường, kinh doanh hàng ăn, bán nước dọc hai bên hành lang an toàn đường cao tốc... UBND tỉnh Yên Bái cho biết đã kiểm tra, phát hiện 75 điểm người dân tự ý tháo dỡ hộ lan, rào chắn...
Trong khi đó, theo Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc VN (VEC), các đơn vị khai thác cao tốc thuộc VEC đã nhiều lần có văn bản đề nghị công an và chính quyền địa phương tuyên truyền phối hợp cũng như điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật với các trường hợp người dân liên tục phá hàng rào. Đại diện Công ty vận hành và bảo trì đường cao tốc (VEC O&M) cho hay, có những điểm chỉ sau một đêm cả đoạn hàng rào dài bốc hơi biến mất. “Việc xử lý thuộc thẩm quyền của huyện, nhưng rất khó khăn, chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở do các đối tượng tháo dỡ ban đêm, không bắt được tận tay”, đại diện này nói.
Theo bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó giám đốc Công ty CP dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc VN (VECE), trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (HLD), đặc biệt đoạn đi qua các xã Tam An, An Phước, Long An, thị trấn Long Thành thuộc H.Long Thành và xã Phước Thiền thuộc H.Nhơn Trạch, Đồng Nai cũng thường xuyên xảy ra tình trạng người dân cắt, phá hàng rào để băng ngang qua cao tốc. Thậm chí, còn có người chăn, thả gia súc, gia cầm bên trong hàng rào hai bên đường cao tốc.
Trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đại diện Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (đơn vị đang thu phí cao tốc) cho biết vẫn còn tình trạng một số người thiếu ý thức cắt, phá khung rào để dẫn bò vào các khoảng đất trống sát nhà dân.
Tấm lưới chống lóa bị tháo dỡ ở đoạn qua xã Diễn Hồng (H.Diễn Châu, Nghệ An) - Ảnh: Phạm Đức
|
Chưa xử lý ai
Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ II.3, bức xúc: “Việc người dân tháo dỡ, lấy cắp tấm lưới chống lóa trên QL1A đoạn qua địa bàn 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh là hành vi phá hoại, tự ý thay đổi hiện trạng, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Chúng tôi đã làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh và các huyện này để đưa ra giải pháp ngăn chặn thực trạng này”. Trong khi đó, thiếu tá Nguyễn Phi Hải, Trưởng công an H.Kỳ Anh, cho rằng: “Vì người dân chủ yếu tháo dỡ, lấy cắp vào thời điểm ban đêm nên công tác điều tra xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay chúng tôi vẫn chưa thể xử lý hình sự hoặc hành chính trường hợp nào”.
Tại Bình Định, theo thiếu tá Ngô Đức Hoài, Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh, đến nay vẫn chưa có trường hợp nào bị xử lý theo pháp luật.
Trao đổi với PV Thanh Niên hôm qua (5.1), ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết Bộ đã giao Tổng cục Đường bộ căn cứ tình hình thực tế tại các tuyến QL, nhất là QL1A đoạn nào đi qua các khu dân cư đông đúc phải mở các dải phân cách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Riêng với các tuyến cao tốc sẽ xây dựng thêm các đường gom, kết nối với các hầm chui và đường địa phương để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.
“Chủ đầu tư và địa phương phải phối hợp tạo thuận lợi nhất cho đi lại của người dân. Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị các địa phương, sau khi rà soát, nhắc nhở nếu vẫn không chấp hành quy định, tự ý tháo dỡ các tấm rào chắn, các địa phương phải kiên quyết xử lý theo quy định, thậm chí khởi tố hình sự”, ông Trường khẳng định.
|
Bình luận (0)