Ở chiều ngược lại, các nhà bán lẻ trong nước cũng đang đẩy mạnh liên kết chặt từ khâu sản xuất nhằm hướng đến việc cung cấp những sản phẩm tốt nhất với giá cả hợp lý nhất cho người tiêu dùng.
Thêm tiêu chuẩn, bớt trung gian, hạ giá thành
Mới đây, chúng tôi đến thăm Hợp tác xã (HTX) rau quả Long Thuận ở TX.Gò Công (Tiền Giang) - một trong những vùng trồng rau lớn nhất miền Tây và đây cũng là HTX có quy mô và sản lượng thuộc tốp đầu tại địa phương - đang cung cấp cho hệ thống Bách Hóa Xanh.
Ông Đoàn Thanh Tùng, Giám đốc đơn vị này, kể vợ chồng ông làm nghề buôn bán rau cải đã được hơn 20 năm. Trước đây, cũng buôn bán "hồn nhiên", bà con trồng như thế nào ông thu mua như vậy rồi đưa lên các chợ đầu mối bán lại cho chủ vựa lấy lời. Lâu ngày, gắn bó với bà con và khách hàng thành thân thiết, ông mua đất cùng sản xuất rồi lập HTX. Hiện tại, HTX có hơn 100 xã viên chuyên sản xuất các loại rau ăn lá.
Khoảng 5 năm trước, theo xu thế phát triển HTX triển khai sản xuất theo mô hình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP trên diện tích 7 ha. Nhờ vậy, HTX có cơ hội hợp tác cung ứng hàng cho siêu thị Bách Hóa Xanh mỗi ngày từ 8 - 9 tấn, chiếm trên 40% nguồn cung của toàn đơn vị.
Ông Tùng thừa nhận: "Làm cho siêu thị cực hơn mà lời ít hơn so với bán buôn theo kiểu truyền thống vì phải theo tiêu chuẩn và quy cách của người mua hàng. Nhưng cái được là khách hàng lớn và ổn định nên bà con yên tâm sản xuất. Thực hành nông nghiệp tốt cũng là đạo đức nghề nghiệp và bảo vệ sức khỏe người sản xuất cũng như môi trường về lâu dài. Hiện tại áp lực của chúng tôi ở đây không phải là đầu ra mà diện tích sản xuất ngày càng bị thu hẹp do cạnh tranh với các loại cây trồng khác và đô thị hóa".
Để hợp đồng với siêu thị được đảm bảo về số lượng, vợ chồng ông Tùng đầu tư hệ thống nhà màng và hệ thống tưới tự động trên diện tích hơn 3 ha để sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. "Tôi cứ đầu tư dần dần từ chút một. Thật sự là bây giờ hỏi tổng vốn đầu tư bao nhiêu thì tôi cũng không biết được", ông Tùng chia sẻ.
Đại diện của Bách Hóa Xanh cho biết ngoài Gò Công, đơn vị này cũng thu mua ở nhiều vùng trồng khác như: Cần Thơ, An Giang… Sản phẩm thu mua trực tiếp từ các vùng trồng sẽ được đưa về các trạm, kho ở chính địa phương rồi từ đó vận chuyển về các siêu thị.
"Mua hàng trực tiếp từ vùng nguyên liệu đầu tiên là để bảo đảm chất lượng theo đúng yêu cầu, thứ hai là cắt giảm khâu trung gian nhằm giảm chi phí. Đây là mô hình có lợi cho cả người sản xuất, người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp. Sản phẩm ngày nào được tiêu thụ gói gọn trong ngày hôm đó, không bán hàng tồn. Đó là lý do cuối ngày chúng tôi luôn có chương trình giảm giá mạnh", vị này nói.
"Mỏ vàng" thị trường nội địa
Để đưa các loại sản vật đến tay người tiêu dùng với giá tốt nhất, thời gian qua Bách Hóa Xanh còn hợp tác với nhiều đơn vị có uy tín như Vinagreenco ở Bình Minh (Vĩnh Long) cung cấp bưởi năm roi và da xanh; Huy Long An cung cấp chuối, bưởi, măng cụt. Mới nhất là liên kết với Công ty thủy sản Nam Việt (Navico) ở An Giang để cung cấp sản phẩm cá ba sa tới tay ngươi tiêu dùng.
Cụ thể 4 ngày trước, Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico) đã chính thức ký hợp đồng với Bách Hóa Xanh đưa loài cá đặc sản sông Mê Kông vào hệ thống siêu thị này. Chủ tịch Hội đồng quản trị Navico Doãn Tới cho biết: Cá ba sa là loài đặc sản của dòng sông Mê Kông với chất lượng thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng và giá cả rất cạnh tranh. Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm cá ba sa hàng đầu VN, sản phẩm của Navico thời gian qua đã đi khắp thế giới.
Theo ông Doãn Tới, nhiều người VN rất thích sản phẩm này nhưng lại không mua được hàng chất lượng cao đúng chuẩn xuất khẩu để ăn. Trong khi các nước lân cận như Trung Quốc, Thái Lan cũng tiêu thụ rất mạnh.
"Nghịch lý là doanh nghiệp xuất khẩu như chúng tôi không thể đi bán lẻ từng ký cá. Trong khi các nhà bán lẻ VN lại thờ ơ với sản phẩm này. Mỗi năm xuất khẩu cá ba sa mang về kim ngạch 2 - 3 tỉ USD. Một con số rất lớn cho thấy, cả thế giới đều ăn và không phải đơn giản mà làm được như vậy. Vì thế, không có lý do gì mà chúng tôi không thể bán hàng cho chính người tiêu dùng trong nước. Thế nên, gần đây chúng tôi đã hợp tác được với một số kênh phân phối lớn như: Lotte, MM để cung cấp sản phẩm này ở thị trường nội địa. Thêm sự hợp tác với Bách Hóa Xanh là điều rất đáng mừng cho cả chúng tôi và người tiêu dùng nội địa. Chỉ vỏn vẹn trong 3 tháng thử nghiệm với một mặt hàng duy nhất là cá cắt khúc (khoanh) sản lượng tiêu thụ lên tới 600 tấn, tương đương 28 container. Đây là một con số cực kỳ ấn tượng, làm chúng tôi giật mình và nhận ra thị trường nội địa là mảnh đất rất tiềm năng mà trước giờ chưa khai thác tốt cũng như chưa có đối tác phù hợp", ông Doãn Tới thừa nhận.
Navico đang sản xuất hơn 10 mặt hàng, trong đó có nhiều sản phẩm chế biến sâu theo hướng tiêu dùng hiện đại là tiện lợi. Phía nhà sản xuất hy vọng sẽ từng bước cung cấp những mặt hàng này cho siêu thị để phục vụ tốt hơn người tiêu dùng nội địa.
Ông Võ Quan Huy, người được gọi là "vua chuối", Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, nói: tôi là nông dân, làm ra nông sản đầu tiên là để phục vụ người Việt mình. Thực chất bán lẻ là việc rất khó khăn. Ngay cả việc bán sỉ cho Bách Hóa Xanh cũng cần gấp đôi lượng nhân sự so với xuất hàng đi nước ngoài. Dù thị phần trong nước còn rất khiêm tốn, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm đồng hành cùng đối tác vì VN với 100 triệu dân là thị trường vô cùng tiềm năng. Khi phát triển song song hai kênh nội địa và xuất khẩu cũng là cách giữ cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Hiển, Giám đốc Công ty Vinagreenco, từ vùng trồng bưởi năm roi ở Bình Minh (Vĩnh Long), nói: Hiện tại chúng tôi chưa xuất khẩu trực tiếp, chỉ mới ủy thác qua một số đối tác. Việc liên kết với những nhà bán lẻ trong nước giúp doanh nghiệp chúng tôi có thể dễ dàng "đi bằng cả 2 chân". Từ đó yên tâm hợp tác với người nông dân trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi cung cấp hàng cho siêu thị với một mức giá rất tốt cho họ, bù lại chúng tôi có đầu ra ổn định. Bản thân họ cũng có những chương trình bán hàng rất có lợi cho người tiêu dùng. Ví dụ như chúng ta biết, bình thường vào ngày rằm hay mùng một hằng tháng, giá trái cây ở chợ rất cao, thì Bách Hóa Xanh chẳng những không tăng mà còn giảm giá mạnh. Cụ thể như bưởi da xanh bình thường họ bán từ 45.000 - 49.000 đồng/kg thì những ngày đó chỉ 29.000 đồng.
Những cái bắt tay như thế này đang mang lại lợi ích cho cả 3 bên, nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng.
Chúng tôi muốn tăng cường mối liên kết với các nhà cung cấp để làm sao đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng với chất lượng cao nhất và giá hợp lý nhất. Mục tiêu của chúng tôi là làm sao giá chạm được vào túi tiền của người tiêu dùng để họ yên tâm sử dụng, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Ông Nông Văn Dũng (Giám đốc khối mua hàng Bách Hóa Xanh)
Bình luận (0)