Đưa phim Việt thoát khỏi 'ao nhà'

15/12/2014 04:37 GMT+7

Hàng loạt dự án hợp tác làm phim truyền hình, điện ảnh giữa VN và Hàn Quốc, Nhật Bản đang được triển khai. Không phải ngẫu nhiên những đài truyền hình, tập đoàn giải trí và truyền thông lớn của hai cường quốc điện ảnh châu Á lại nhắm đến VN.

Hàng loạt dự án hợp tác làm phim truyền hình, điện ảnh giữa VN và Hàn Quốc, Nhật Bản đang được triển khai. Không phải ngẫu nhiên những đài truyền hình, tập đoàn giải trí và truyền thông lớn của hai cường quốc điện ảnh châu Á lại nhắm đến VN.

Cảnh trong phim Tuổi thanh xuân, hợp tác giữa VTV và CJ E&M - Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Công ty truyền thông và giải trí lớn nhất Hàn Quốc, đồng thời là những công ty hàng đầu khu vực châu Á, là CJ E&M đã bắt đầu cuộc đổ bộ hùng hậu vào thị trường hợp tác làm phim tại VN. Đầu tiên có thể kể đến dự án phim truyền hìnhTuổi thanh xuân, hợp tác giữa CJ E&M và Đài truyền hình VN. Trong bộ phim này, CJ E&M đã huy động nguồn nhân lực là những nhà làm phim có tiếng, trong đó Giám đốc hình ảnh (DOP) là Park Jae-hong, quay phim chính của bộ phim truyền hình bom tấn xứ Hàn Mật danh Iris.
Người Việt cần học người Hàn trong việc đưa phim truyền hình thành công nghiệp sáng tạo đem lại lợi nhuận như một ngành kinh tế, như cách người Hàn đã học từ thế giới
 
Bên cạnh đó, công ty cũng bỏ ra khoản đầu tư không nhỏ vào công nghệ làm phim, bối cảnh quay… “Tuổi thanh xuân chỉ là phim khởi đầu cho sự hợp tác giữa VTV và CJ E&M”, ông Trần Bình Minh, Tổng giám đốc Đài truyền hình VN, khẳng định trong buổi ra mắt bộ phim này trên sóng VTV vào ngày 5.12. Phim dài 36 tập, khởi chiếu trên VTV3 từ ngày 17.12, các diễn viên tham gia như: Kang Tae-oh, Shin Hae-sun, Shin Jae-ha, Roh Haeng-ha, Việt Anh, Nhã Phương, Hồng Đăng, Kim Tuyến...
Ngay sau khi Tuổi thanh xuân khởi chiếu trên sóng truyền hình, vào giữa tháng 12 này CJ E&M sẽ bắt tay triển khai dự án điện ảnh hợp tác với VN - bộ phim Lý Long Tường, nói về người đã khai sinh dòng họ Lý Hoa Sơn tại Hàn Quốc.

Việc hợp tác của CJ E&M tại VN được xác định mang tính chiến lược lâu dài. Bởi trong lần sang VN vào tháng 6 năm nay, Chủ tịch Tập đoàn CJ (mà CJ E&M trực thuộc) đã đề cập với Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL về những kế hoạch của CJ E&M, như thành lập công ty liên doanh sản xuất phim tại VN, tuyển chọn nhân lực trong các khâu đưa sang đào tạo tại Hàn Quốc, cùng với đó đưa nhà sản xuất phim Hàn Quốc sang VN để từng bước hoàn thiện các khâu làm phim cùng với những bí quyết và công nghệ của CJ E&M. Phía CJ E&M cũng cho biết dự định hợp tác sản xuất khoảng 3 - 5 phim/năm tại VN.

Cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang triển khai nhiều dự án hợp tác làm phim với VN. Năm ngoái, Đài truyền hình TBS đã hợp tác với VTV thực hiện bộ phim truyền hình Người cộng sự. Phim Cuộc sống mới tại VN hợp tác giữa Công ty Agro Pictures (Nhật Bản) và Công ty CP phim truyện 1 (VN) vừa khởi quay vào cuối tháng 11 năm nay. Cũng trong năm nay, 12 bộ phim truyền hình ăn khách của các đài truyền hình Nhật Bản được trình chiếu trong suốt 6 tháng trên VTV. Đây là dự án của Cơ quan Xúc tiến phát triển chương trình nội dung của Nhật Bản ra nước ngoài (BEAJ) được Bộ Nội vụ - Truyền thông Nhật Bản thông qua.

Học cách của người Hàn

Trong buổi họp báo sự kiện Nhật Bản trao tặng 12 bộ phim truyền hình cho VTV, một vị đại diện đài truyền hình Nhật Bản không giấu tham vọng muốn thay đổi tỷ lệ, tăng số lượng phim Nhật. Cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc muốn tăng số lượng phim xuất khẩu sang VN và chọn cả hướng tăng số lượng các bộ phim hợp tác.

Khi hợp tác, ngoài lợi nhuận trước mắt, công ty sản xuất phim Hàn Quốc sẽ nhận được nhiều hơn. Đó là văn hóa Hàn qua phim truyền hình được quảng bá rộng khắp tới công chúng Việt. Đây là cách mà người Hàn đã làm làn sóng hallyu, ám chỉ sự lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng của văn hóa Hàn Quốc trên khắp thế giới.
Ông Kang Cheol-keun (Chủ tịch Hiệp hội Giao lưu văn hóa quốc tế hallyu) đã tóm lược công thức của hallyu: Bắt đầu từ những bộ phim truyền hình “đánh vào cảm xúc con người”, sau là điện ảnh và bây giờ là K-Pop. Làn sóng hallyu đã mang lại nguồn thu khổng lồ cho du lịch, mỹ phẩm, thời trang, ẩm thực cũng như các ngành kinh tế khác... Có điều, tuy hallyu là “thương hiệu Hàn Quốc”, nhưng để tạo ra những sản phẩm văn hóa cho hallyu, người Hàn đã tận dụng công nghệ của thế giới. Như GS Park Hong-su, Viện trưởng Viện Phát triển văn hóa thông tin Gangwon đã chia sẻ, để tạo ra thành công cho bộ phim Pororo hay Bánh mì mây (Cloud bread), trước đó Hàn Quốc đã mời các chuyên gia của hãng phim hoạt hình Mỹ Walt Disney đến làm việc.

Hợp tác làm phim, trước hết là có thể đưa phim Việt thoát khỏi cảnh loanh quanh ao nhà. “Nói thật thì phim của mình chưa đủ tiêu chuẩn để chiếu trên các đài truyền hình nước ngoài. Nội dung lẫn công nghệ làm phim của mình đều đi sau họ rất nhiều”, ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng ban Thư ký biên tập Đài truyền hình VN, đã trả lời khi được hỏi vì sao không tặng phim miễn phí cho Nhật Bản giống như cách mà đài truyền hình Nhật Bản đã thực hiện với VN.

Dự kiến bộ phim Tuổi thanh xuân không chỉ được phát sóng cho công chúng tại VN, Hàn Quốc mà cả một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và tại Mỹ phục vụ khán giả Việt kiều, Hàn kiều. Trước đó, bộ phim Người cộng sự được công chiếu cùng lúc tại VN và Nhật Bản.

Người Việt cần học người Hàn trong việc đưa phim truyền hình thành công nghiệp sáng tạo đem lại lợi nhuận như một ngành kinh tế, như cách người Hàn đã học từ thế giới. “Lợi nhuận từ ngành công nghiệp này không thua kém bất cứ ngành công nghiệp nặng nào tại đất nước chúng tôi”, GS Park Hong-su nhìn nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.