Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì lễ đón.
Đoàn xe chở Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tiến vào Đại lễ đường Nhân dân, 21 phát đại bác vang lên chào mừng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình nồng nhiệt chào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bước lên bục danh dự. Quân nhạc cử quốc thiều Việt Nam và Trung Quốc.
Tiếp đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng duyệt đội danh dự Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Đội danh dự diễu binh qua trước bục danh dự.
Sau lễ đón, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tiến hành hội đàm cấp cao.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng |
TTXVN |
Trung Quốc coi trọng cao độ quan hệ với Việt Nam
Tại hội đàm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cho rằng chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt đối với hai nước và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; nhấn mạnh việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo đầu tiên Trung Quốc được đón tiếp sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc và việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc đầu tiên sau Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện sự coi trọng cao độ quan hệ hai đảng, hai nước.
Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước và quan hệ giữa hai Đảng, hai nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Về chính sách đối ngoại, Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương quan hệ; kết hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Về phía Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc coi trọng cao độ quan hệ với Việt Nam; mong muốn và sẵn sàng nỗ lực cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tiếp tục không ngừng tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung phát triển lành mạnh, ổn định theo phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, không ngừng đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến các văn kiện hợp tác giữa hai bên được ký kết |
TTXVN |
Duy trì hợp tác thiết thực
Từ đầu năm 2020 đến nay, hai Tổng Bí thư đã 4 lần điện đàm và nhiều lần trao đổi thư, điện nhân các sự kiện chính trị quan trọng của mỗi bên. Hợp tác giữa các ban, ngành của Đảng, Chính phủ, Quốc hội (Nhân đại), Mặt trận Tổ quốc (Chính hiệp), quốc phòng, công an được thúc đẩy hiệu quả, thực chất. Các địa phương của hai nước, nhất là các địa phương ở khu vực biên giới, đã nỗ lực duy trì hợp tác thiết thực, tăng cường quan hệ hữu nghị. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là điểm sáng trong quan hệ hai nước.
Việt Nam liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và thương mại Việt - Trung chiếm 1/4 tổng kim ngạch thương mại Trung Quốc - ASEAN, đối tác thương mại thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới. Vướng mắc trong một số dự án hợp tác giữa hai nước được tháo gỡ, trong đó Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã chính thức đưa vào sử dụng, vận hành hiệu quả. Hợp tác phòng, chống Covid-19 đạt hiệu quả thiết thực.
Hai nhà lãnh đạo đã đi sâu trao đổi về các định hướng lớn nhằm tăng cường tin cậy, củng cố hữu nghị, nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, duy trì hòa bình, ổn định trên biển, đưa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững trong thời gian tới.
Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì trao đổi, tiếp xúc cấp cao thường xuyên giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, kịp thời trao đổi, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quan hệ song phương, duy trì cục diện hữu nghị và đà phát triển lành mạnh, ổn định của quan hệ Việt - Trung. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường và phát huy vai trò định hướng chiến lược của quan hệ kênh Đảng, đi sâu hợp tác trao đổi lý luận giữa hai Đảng, triển khai hiệu quả Kế hoạch Hợp tác giữa hai Đảng và Kế hoạch Hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai Đảng giai đoạn 2021 - 2025; tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, công tác cán bộ, phòng, chống tham nhũng, cũng như kinh nghiệm về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Hai Tổng Bí thư đồng ý sẽ phát huy và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có giữa hai Đảng, hai nước, nhất là gặp gỡ cấp cao, Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung, nhằm xác định phương hướng và trọng tâm hợp tác phù hợp với nhu cầu và lợi ích của hai bên, góp phần thực hiện hiệu quả các thỏa thuận và nhận thức chung quan trọng giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước. Tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, trao đổi giữa Quốc hội Việt Nam với Nhân đại toàn quốc Trung Quốc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính hiệp Trung Quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình |
TTXVN |
Đối tác thương mại quan trọng của nhau
Trong cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo cũng đi sâu trao đổi về các lĩnh vực hợp tác thực chất, nhất trí cần thúc đẩy mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển quan hệ song phương; nhấn mạnh Việt - Trung là đối tác thương mại rất quan trọng và giàu tiềm năng của nhau.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Việt Nam đặc biệt coi trọng thị trường Trung Quốc, mong muốn tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, mong muốn Trung Quốc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ triển khai thủ tục mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, đồng thời duy trì thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa và tạo thuận lợi thông quan giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục và nâng hạn mức hàng hóa Việt Nam quá cảnh Trung Quốc đến nước thứ ba bằng đường sắt; tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác vận tải hàng không, đường bộ và đường sắt. Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp lớn, có trình độ khoa học công nghệ cao của Trung Quốc mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẽ nỗ lực để duy trì đà phát triển quan hệ thương mại Trung - Việt theo hướng ngày càng cân bằng hơn; tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới. Hai bên nỗ lực giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong quan hệ hai nước, tăng cường hợp tác về năng lực sản xuất và tích cực thúc đẩy kết nối khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường” trên cơ sở phù hợp với nhu cầu, lợi ích và chiến lược phát triển bền vững của mỗi bên; nhất trí mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, khoa học công nghệ, y tế.
Phía Trung Quốc cam kết cung cấp cho Việt Nam không dưới 1.000 suất học bổng chính phủ, đào tạo không dưới 1.000 giáo viên tiếng Trung cho Việt Nam.
Tuân thủ nhận thức chung cấp cao, tôn trọng lợi ích hợp pháp
Về vấn đề biên giới, lãnh thổ, hai bên nhất trí tăng cường quản lý hiệu quả đường biên giới theo các văn kiện, thỏa thuận ký kết giữa hai bên, thúc đẩy sớm vận hành thí điểm hợp tác du lịch tại khu cảnh quan Thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc).
Ký kết 13 văn kiện hợp tác giữa hai Đảng, hai nước
Chiều 31.10, tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, ngay sau khi kết thúc hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng chứng kiến 13 văn kiện đã được các ban, bộ, ngành, T.Ư và địa phương ký kết trong chuyến thăm chính thức lần này, bao gồm:
- Thỏa thuận hợp tác giữa Ban Đối ngoại T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban Liên lạc đối ngoại T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc.
- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ban Nội chính T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam và Ủy ban Chính pháp T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc.
- Bản ghi nhớ hợp tác hữu nghị giai đoạn 2022 - 2027 giữa Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị Việt Nam và Hội Hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc.
- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Trung Quốc.
- Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa TP.Hà Nội và TP.Bắc Kinh.
- Bản ghi nhớ giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc về tăng cường hợp tác đảm bảo chuỗi cung ứng Việt - Trung.
- Bản ghi nhớ giữa Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về xây dựng lĩnh vực ưu tiên hợp tác.
- Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực sinh thái và môi trường giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc.
- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công thương Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về an toàn thực phẩm trong thương mại song phương Việt - Trung.
- Bản ghi nhớ giữa Bộ Công thương Việt Nam và chính quyền tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.
- Kế hoạch hợp tác văn hóa và du lịch giữa Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc giai đoạn 2023 - 2027.
- Bản ghi nhớ về tăng cường giao lưu hợp tác trong lĩnh vực tài sản nhà nước và doanh nghiệp nhà nước giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nước CHXHCN Việt Nam và Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước CHND Trung Hoa.
- Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Về vấn đề trên biển, hai Tổng Bí thư cùng cho rằng đây là vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước, việc duy trì hòa bình, ổn định trên biển có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của cả hai Đảng, hai nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị hai bên tuân thủ nhận thức chung cấp cao, tôn trọng lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau, giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982, phát huy tốt các cơ chế đàm phán trên biển, thúc đẩy phân định và bàn bạc về hợp tác phát triển; thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Thay mặt Đảng và Nhà nước Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sớm thăm lại Việt Nam trong thời gian gần nhất. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chân thành cảm ơn và vui vẻ nhận lời.
Bình luận (0)