Là một thành viên trong nhóm những người vận động xây dựng chuỗi Thư viện Đặng Thùy Trâm, tôi rất cảm kích trước sáng kiến này của những anh chị em khởi xướng. Tôi rất vinh dự được giới thiệu câu chuyện này qua các phương tiện truyền thông báo chí để mọi người có cơ hội hưởng ứng và đóng góp xây dựng những thư viện sách, cho học sinh và mọi người yêu sách có thể đọc được những quyển sách hay nhất, bổ ích nhất.
Một quyển sách hay có thể thay đổi cả cuộc đời
Hiện hầu như trường nào cũng có thư viện, nhưng danh mục sách ở đó rất nghèo nàn. Mục đích của chúng tôi khi vận động xây dựng chuỗi thư viện Đặng Thùy Trâm không phải là xây cất ngoại thất và nội thất thư viện, mà chủ yếu là tặng những quyển sách hay, đáng đọc cho các em học sinh đọc sách, lâu dần sẽ tạo cho các em thói quen đọc sách. Đọc một quyển sách hay có thể thay đổi cả cuộc đời, đó là câu chuyện có thật từ cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Khi Việt Nam chúng ta đã có "Ngày sách", ngày đọc sách, thì không phải chỉ đọc sách trong ngày ấy, những ngày khác lại không đọc. Đọc sách là một thói quen được xây dựng một cách kiên trì, và người đọc cũng phải yêu sách, thích đọc sách thường xuyên, mới xây dựng được văn hóa đọc sách cho một quốc gia.
Vừa rồi, gia đình tôi đã mua sách đủ trang bị cho một thư viện ở Trường THCS Nam Đàn huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), quê hương tôi. Sự nhiệt tình của lãnh đạo huyện Mộ Đức, của Hiệu trưởng Trường Nam Đàn đã cổ vũ chúng tôi làm công việc này rất nhanh và có hiệu quả cao.
Mới đây, gia đình tôi tiếp tục tặng "Tủ sách Đặng Thùy Trâm" cho Trường THCS Lê Hồng Phong thuộc phường Hương Long, TP.Huế, từ một lý do rất tình cảm vì trường này ở ngay trên làng quê vợ tôi.
Xây dựng văn hóa đọc sách cho toàn xã hội
Khi ra Huế trao sách, tôi ngạc nhiên một cách thú vị vì ngôi trường này có cảnh quan quá đẹp, cây xanh bóng mát, vườn hoa nhỏ trước sân trường. Và không chỉ ban giám hiệu nhà trường vui mừng vì được tặng sách, mà Đảng ủy, UBND P.Hương Long cũng cử lãnh đạo tới dự, rất ủng hộ chúng tôi trong câu chuyện này. Và Huế là quê hương của chị Đặng Thùy Trâm, nên thư viện mang tên chị khiến người Huế rất tự hào.
Tôi nghĩ, nếu mỗi người, mỗi gia đình có điều kiện kinh tế tham gia ủng hộ học sinh, nhất là học sinh vùng khó khăn, miền núi hay miền biển, ở ngay quê hương mình hay quê hương vợ hoặc chồng mình, cứ từ những nơi chốn mình yêu thương quen biết tới những nơi mình chỉ biết qua báo chí truyền thông, nhưng mình có thể ủng hộ những tủ sách cho các em học sinh có điều kiện tiếp xúc với sách hay sách tốt, thì đọc sách sẽ thành thói quen của các em.
Những đóng góp ấy của nhiều người sẽ góp phần tạo nên một nền văn hóa đọc sách cho toàn xã hội.
Bình luận (0)