Đưa tiền vì thấy cán bộ 'làm việc vất vả'

13/12/2018 06:17 GMT+7

HĐXX hỏi lý do vì sao đưa tiền cho cán bộ hải quan khi thông quan hàng hóa, bị cáo Sơn khai 'Xuất phát từ tình cảm vì thấy cán bộ hải quan xuống cảng làm việc vất vả'.

Ngày 12.12, TAND tỉnh Bình Thuận đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án buôn lậu xăng dầu xảy ra tại Công ty CP Dương Đông Hòa Phú (xã Hòa Phú, H.Tuy Phong, Bình Thuận).
Đây là vụ án buôn lậu xăng dầu được xem là lớn nhất từ trước đến nay, bởi khoản tiền chênh lệch mà các bị cáo thụ hưởng lên đến 2.034 tỉ đồng.
Các bị cáo thuộc Công ty CP Dương Đông Hòa Phú và các bị cáo khác bị đưa ra xét xử cùng về tội buôn lậu, gồm: Nguyễn Đức Mạnh (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc), Nguyễn Thanh Sơn (phó tổng giám đốc), Vũ Văn Bằng (trưởng phòng kinh doanh), Nguyễn Đăng Duy (phó phòng kinh doanh), Nguyễn Đức Quang (nhân viên phòng kinh doanh); Lê Hải Dương (đại lý viên Công ty TNHH Đông Hưng quốc tế), Lê Quang Hoàng (giám định viên) và Đàm Văn Dương (Giám đốc Công ty World Control).
Bị cáo Romel Pagente Aleria (quốc tịch Philippines) bị xét xử về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Nguyễn Đức Mạnh và Nguyễn Thanh Sơn có chủ trương, giao cho Nguyễn Tuấn Anh (nhân viên Công ty CP Dương Đông Hòa Phú) đưa 144 triệu đồng cho Đinh Hữu Thùy (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Bình Thuận) để bỏ qua sai phạm nên bị đưa ra xét xử về tội đưa và nhận hối lộ; Lê Văn Vinh (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Bình Thuận) bị xét xử về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
[VIDEO] Vụ buôn lậu xăng dầu lớn nhất Việt Nam
Trong ngày xét xử đầu tiên, HĐXX tập trung xét hỏi làm rõ các hành vi buôn lậu, đưa và nhận hối lộ cũng như hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của các bị cáo.
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Đức Mạnh thừa nhận ký hợp đồng với các công ty nước ngoài để nhập khẩu xăng dầu về VN. Khi ký luôn có 2 bản hợp đồng, trong đó bản hợp đồng số lượng ít sẽ trình hải quan để thông quan. Còn bị cáo Nguyễn Thanh Sơn khai, nắm được hành vi buôn lậu xăng dầu trong công ty nhưng không rõ ai là người tổ chức.
HĐXX hỏi lý do vì sao đưa tiền cho cán bộ hải quan khi thông quan hàng hóa, bị cáo Sơn khai: “Xuất phát từ tình cảm vì thấy cán bộ hải quan xuống cảng làm việc vất vả”.
Bị cáo Vũ Văn Bằng, Nguyễn Đăng Duy và Nguyễn Đức Quang phủ nhận được chia chác lợi nhuận từ hành vi buôn lậu và khai rằng việc tham gia kiểm hàng trên từng chuyến tàu dầu nhập cảng là làm theo sự chỉ đạo của giám đốc, phó giám đốc, “không biết đó là hành vi buôn lậu”.
Về việc Công ty World Control giám định sai quy định các chuyến tàu xăng dầu nhập cảng làm cơ sở để thông quan hàng hóa, HĐXX cho đối chất giữa bị cáo Nguyễn Đức Mạnh và Đàm Văn Dương nhằm làm rõ số tiền 2,2 tỉ đồng mà Mạnh khai phải trả để được Công ty World Control cấp chứng thư giám định. Bị cáo Mạnh khai phải chi cho công ty cấp chứng thư 7.000 đồng/tấn xăng dầu nhưng Dương phủ nhận và cho rằng “đây là tiền bồi dưỡng chứ không phải phí chứng thư”.
Đối với hành vi nhận hối lộ, bị cáo Đinh Hữu Thùy khai chỉ nhận 10 lần với số tiền 120 triệu đồng. Nhưng khi đối chất tại tòa, bị cáo Nguyễn Tuấn Anh vẫn khẳng định đã đưa cho Thùy 12 lần (12 phong bì) và khai “làm theo chỉ đạo của sếp, chứ không biết trong phong bì là tiền”.
Hôm nay (13.12), phiên tòa tiếp tục.
Theo cáo trạng, rạng sáng 29.1.2016, đoàn kiểm tra liên ngành, gồm: Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, Bộ đội biên phòng Bình Thuận và Chi cục Hải quan Bình Thuận (thuộc Cục Hải quan Đồng Nai) bắt quả tang tàu BTS Christina (Singapore) do ông Romel Pagente Aleria (quốc tịch Philippines) làm thuyền trưởng đang bơm xăng lên bồn chứa của kho Hòa Phú (thuộc Công ty CP Dương Đông Hòa Phú).
Đoàn kiểm tra phát hiện trước khi bơm có 9.373 tấn xăng A92 nhưng Công ty CP Dương Đông Hòa Phú chỉ khai báo hải quan nhập khẩu 1.877 tấn.
Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định từ ngày 14.10.2015 - 29.1.2016, Công ty CP Dương Đông Hòa Phú đã mua từ nước ngoài 12 chuyến xăng dầu, với số lượng 91.066.305 lít xăng A92 (tương đương 65.630 tấn) và 77.571.053 lít dầu DO (65.558 tấn) nhưng chỉ khai báo hải quan 17.446.627 lít xăng A92 (12.670 tấn) và 14.840.350 lít dầu DO (12.303 tấn). Số lượng còn lại nhập lậu, không khai báo hải quan 73.619.678 lít xăng A92 (53.163 tấn) và 63.042.027 lít dầu DO (53.268 tấn). Tổng trị giá số tiền chênh lệch 2.034 tỉ đồng, được các bị cáo chia nhau hưởng lợi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.