>> Ngọc An
Lưu Hồng Quang hiện sống và làm việc tại Úc, còn Lưu Đức Anh sau thời gian học tập tại châu Âu đã trở về nước. Họ đang cống hiến cho âm nhạc VN theo những cách khác nhau. Bài phỏng vấn của người viết với hai nghệ sĩ vì vậy cũng được thực hiện theo cách khác bình thường, một qua email tới Úc, và một là cuộc gặp gỡ tại VN.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc, có anh trai là người đi trước và sớm thành công. Điều đó là thuận lợi hay là áp lực cho anh
Nghệ sĩ Lưu Đức Anh: Khi tôi còn nhỏ, không thể tránh việc bị mọi người so sánh, nhưng cũng may là nhỏ tuổi nên chả biết gì và cũng không để tâm. Ngay cả trong nhà, bố mẹ thường muốn mỗi đứa con đi theo những hướng khác nhau. Bởi cùng học nhạc cũng có những rủi ro và tốn kém.
Vào những năm cuối cấp 2 đến đầu cấp 3, tôi đã suy nghĩ nghiêm túc về việc quyết định có tiếp tục theo âm nhạc hay chọn hướng khác. Rồi tôi nhận thấy, mỗi ngày âm nhạc đã chảy trong máu và mình hoàn toàn có con đường riêng chứ không bị áp lực gì bởi bố và anh trai. Ngược lại, tôi còn cảm thấy may mắn vì được hai người uy tín trong nghề giúp đỡ.
Sau thời gian học tập tại châu Âu, vì sao anh quyết định trở về?
Tôi muốn làm nhiều thứ liên quan đến nhạc, như các dự án với âm nhạc, chứ không chỉ mỗi việc là ngồi biểu diễn, đợi khán giả vỗ tay. Trong khi để làm những dự án như thế ở nước ngoài lại không dễ dàng, bởi môi trường cạnh tranh rất lớn và có nhiều rủi ro. Trong quá trình học, tôi vẫn về VN biểu diễn thường xuyên và nhận thấy môi trường trong nước khá thuận lợi, tuy vẫn còn mới, hơi lộn xộn, nhưng vẫn có cơ hội khi mình đưa những ý tưởng mới, dự án mới.
3 năm trước (2017), tôi cùng một số người bạn thành lập tổ chức Maestoso thực hiện nhiều hoạt động như biểu diễn, giao lưu, tọa đàm… nhằm góp phần phát triển âm nhạc VN, cũng như đời sống âm nhạc cổ điển trong nước. Bước đầu tôi thấy khá ổn, Maestoso nhận được sự ủng hộ lớn. Mới đây, tôi thành lập trung tâm đào tạo âm nhạc. Dù ở VN, các hình thức trung tâm âm nhạc khá nhiều, nhưng tôi không muốn chạy theo hướng thị trường, kiếm tiền bằng được. Tôi hy vọng đây là nơi những người chung lý tưởng cùng tới dạy học, làm việc, tạo thành cộng đồng cổ điển mạnh và chuyên nghiệp.
Tôi nhận thấy cần phải có sự liên kết giữa các cá nhân cùng nhau mới phát triển được, còn đơn lẻ thì rất khó. Bài học cần rút kinh nghiệm từ thế hệ trước là có những người rất giỏi, có nhiều ý tưởng cho VN nhưng vì họ quá đơn độc, nên có muốn họ cũng khó làm gì được.
Mục tiêu mà anh đặt ra với Maestoso, cũng như trung tâm giảng dạy?
Mục tiêu xa và lớn nhất là góp phần xây dựng môi trường âm nhạc chuyên nghiệp, vừa nghiêm túc vừa hiện đại. Hiện nay, ở VN đang khá lẫn lộn về thẩm mỹ, tiêu chuẩn về nghệ thuật, những thứ đỉnh cao hay bị lãng quên hoặc bị đánh đồng với những thứ khác. Bởi vậy, tôi muốn xây dựng cộng đồng biểu diễn, dạy học cùng những người tâm huyết. Tôi biết, nhiều người học tập từ nước ngoài trở về muốn được cống hiến, truyền dạy những gì mình đã được tiếp nhận từ những nơi phát triển âm nhạc cổ điển. Nhưng về đây, không ít người phải chạy theo đồng tiền, đi dạy gia sư, nên rất nản, nhiều người bỏ nghề là vì thế. Cũng bởi họ không có môi trường chuyên nghiệp để giữ đam mê.
Vậy, cụ thể hoạt động sắp tới của anh thế nào để hướng tới mục tiêu mong muốn?
Tôi vẫn duy trì hoạt động biểu diễn, trong đó có kế hoạch quay trở lại biểu diễn ở châu Âu. Tôi hướng đến việc giảng dạy đào tạo lứa học sinh tài năng để các em tự tin biểu diễn, tham gia cuộc thi trong và ngoài nước, và trong tương lai có thể trở thành nghệ sĩ hay giáo viên piano tốt.
Lưu Đức Anh trở về VN, còn anh quyết định sống và làm việc tại Úc. Hai anh em có sự bổ trợ nào cho nhau?
Nghệ sĩ Lưu Hồng Quang: Hai anh em tập trung vào các mảng khác nhau nhưng cũng có nhiều điểm tương đồng. Đức Anh đang phát triển trong nước, còn tôi thì đang xây dựng sự nghiệp tại Úc, nhưng âm nhạc vẫn là âm nhạc. Trong cả biểu diễn lẫn giảng dạy, cả hai luôn có sự trao đổi và cập nhật, bất kể khoảng cách địa lý, nhất là trong 2 năm gần đây, cả hai có lịch lên lớp masterclass đều đặn và biểu diễn cùng nhau.
Tại Úc, anh có giảng dạy cho học sinh VN. Anh nhận thấy điểm mạnh và điểm yếu của học sinh VN là gì?
Tôi có cơ hội được làm việc và dạy cho học sinh ở nhiều chủng tộc khác nhau, không chỉ mỗi người Việt. Điều này khiến tôi có một thái độ rất rộng mở và dạy cho bất cứ ai thật sự yêu nhạc, bất kể họ đến từ đâu. Hiện tôi có dạy 1 sinh viên người Việt đến từ Nhạc viện TP.HCM và năm nay sẽ có 1 em từ Học viện Âm nhạc quốc gia VN (Hà Nội).
Các học sinh VN tôi từng làm việc phần lớn đều có điểm tốt về mặt chịu khó, thái độ rất nghiêm túc. Một trong những thử thách lớn cho các em là về mặt biểu hiện nội dung cảm xúc. Điều này không phải dễ vì đòi hỏi ngoài tay đàn còn cần sự tham gia cảm xúc của bản thân trong cuộc sống của mình với cảm xúc của bản nhạc. Đôi khi, có những em ở ngoài thì cá tính rất rõ rệt, nhưng không có nghĩa là có thể ngay lập tức đưa những cá tính đó vào được qua nốt nhạc. Có lẽ, một trong những yếu tố quan trọng để phát triển điều này là điều kiện được cọ xát biểu diễn, nhưng hiện nay tôi thấy các hoạt động biểu diễn cỡ trung, nhỏ đang được chú ý và tăng lên dần.
Số lượng người học piano tại VN ngày càng nhiều lên, nhưng số lượng những nghệ sĩ piano mang tầm quốc tế tại VN vẫn còn rất ít. Anh nhìn nhận thế nào về điều này?
Mình không nên lầm tưởng giữa học âm nhạc với sử dụng âm nhạc để giúp mình thành công hay tên tuổi. Khi bạn thật sự say mê âm nhạc, bản thân bạn không còn quan trọng mà hòa làm một với âm nhạc đang chơi. Vì thế, bạn có thể tự do giải phóng mình và âm nhạc sẽ ngân lên một cách trong trẻo, chân thành nhất. Điều đó giúp bạn càng đi được xa. Ngược lại, nếu bạn chỉ chăm chăm vào việc mình đạt được gì, thắng giải gì, mình có thành công sớm hay nhiều thành tích không thì thường sẽ khó đi xa được. Vì ngay khi có gì đó không đạt như ý sẽ rất dễ gây nản lòng. Hơn nữa, âm nhạc không đến từ trái tim thì rất khó chạm đến lòng người.
Người thầy - NSND Đặng Thái Sơn đã có những ảnh hưởng thế nào tới anh?
Có thể nói, chú Đặng Thái Sơn có ảnh hưởng lớn đến con đường tôi chọn, rõ rệt nhất là ở đam mê trở thành nghệ sĩ và người làm nghệ thuật chân chính, không thoả hiệp với những chất lượng chỉ mang tính bề nổi hoặc thương mại. Khi học với chú, tôi càng thấy chắc chắn và tự tin đi trên con đường này.
Kế hoạch sắp tới của anh là gì?
Năm nay, tôi sẽ có nhiều chương trình biểu diễn liên quan tới nhạc sĩ Beethoven, nhân dịp kỷ niệm 250 năm sinh của ông. Khởi đầu năm là chương trình song tấu với em Đức Anh, sau đó tôi sẽ biểu diễn độc tấu một số sonata của ông tại Đức, được tổ chức bởi ban tổ chức cuộc thi Euregio Piano Award nơi tôi đã đoạt giải thưởng năm 2015. Sau đó tôi sẽ biểu diễn 2 bản concerto với dàn nhạc Balmain Sinfonia của Úc và dàn nhạc Canet của Pháp.
Đồ họa: Lâm Nhựt