Đưa toàn bộ chi phí đào tạo về người học là chưa đúng quan điểm của luật

16/09/2022 08:27 GMT+7

Tự chủ ĐH là xu hướng phát triển tất yếu. Nhưng trước thực trạng hiện nay, làm sao để các trường ĐH thực sự được 'cởi trói' để phát triển vẫn là một câu hỏi lớn.

Để giải đáp câu hỏi này, phóng viên Thanh Niên có cuộc trao đổi với PGS-TS Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Nhiều người chưa hiểu đúng tự chủ ĐH

Thưa PGS, tự chủ ĐH của Việt Nam hiện đang đi theo hướng nào?

Trước tiên phải khẳng định tự chủ ĐH là chuyện đương nhiên. Trở lại câu chuyện ban đầu vì sao phải tự chủ. Trước hết, gần đây chúng ta đang đẩy mạnh hơn nữa rằng ĐH là nguồn lực cho phát triển khoa học công nghệ, là đổi mới sáng tạo. Muốn làm khoa học, muốn sáng tạo thì con người phải thoải mái, đó là điều kiện để tư duy phát triển. Trong xã hội, có thể nói môi trường phát triển sự sáng tạo nhất chính là trường ĐH.

Tự chủ ĐH chỉ có một hướng là trao quyền suy nghĩ, tư duy và nhận thức trách nhiệm trước xã hội về cho các trường. Người ta thường nói nhà trường có các chức năng như đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, nhưng thực ra còn thêm chức năng giữ gìn và lan tỏa văn hóa của trường. Đây là chức năng cực kỳ quan trọng. Trường ĐH nào cũng có văn hóa và phải giữ gìn, lan tỏa ra bên ngoài. Để thực hiện 4 chức năng này, trường ĐH cần được trao quyền tự chủ.

Vậy vấn đề lớn nhất hiện nay chúng ta đang gặp phải trong quá trình thực hiện tự chủ ĐH là gì, thưa ông?

Tài chính là điều kiện để thực hiện tự chủ chứ không phải như một vài ý kiến hiện nay, nếu không cầm tiền của nhà nước thì “muốn làm gì thì làm”.

PGS-TS PHAN THANH BÌNH

Vấn đề lớn nhất của tự chủ hiện nay, phải nói rằng nhiều người chưa hiểu đúng tự chủ ĐH là gì. Ngay những người làm quản lý cũng có thể nói chưa hiểu hết về tự chủ ĐH. Vì tự chủ ĐH đòi hỏi một sự thay đổi từ trong nội bộ nhà trường đến quản lý nhà nước; đó là quản trị chia sẻ, tôn trọng ý kiến, quyền lợi của các bên liên quan.

Từ sự chưa hiểu đúng đó nên dẫn đến hệ thống pháp luật được điều chỉnh chậm, chồng chéo, chưa thật sự đi vào thực tế. Nguyên nhân là khi luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH được ban hành nhưng vẫn bị ràng buộc bởi nhiều luật khác như: luật Đầu tư, luật Viên chức, luật Lao động, các luật liên quan đến tài chính… Vì thế mới có chuyện các trường ĐH cứ than mãi không triển khai tự chủ được.

Trong khi đó, theo luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một luật sau khi ban hành thì các luật có liên quan, trước đó, phải rà soát điều chỉnh cho phù hợp với luật sau. Nhưng từ khi luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH ra đến nay, các luật liên quan và một số văn bản dưới luật (thông tư, nghị định) vẫn chưa được điều chỉnh phù hợp.

Tự chủ là con đường chúng ta đang đi và phải đi, có đi mới có đến. Nhưng sự nhận thức về vấn đề này từ cán bộ quản lý nhà nước, người thụ hưởng đến xã hội… chưa rõ. Vì vậy nên nhìn nhận tự chủ ĐH không phải là chuyện của trường ĐH mà từ việc chuẩn bị nguồn nhân lực, cho đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế… là những vấn đề phải lo. Và trách nhiệm này, cần sự tham gia chỉ đạo của Chính phủ chứ không chỉ Bộ GD-ĐT.

PGS-TS Phan Thanh Bình trao đổi với phóng viên Thanh Niên về những vấn đề đang đặt ra của tự chủ ĐH

HÀ ÁNH

Đứng đầu phải là tự chủ về chuyên môn

Ông từng nói rằng:“Tài chính là điều kiện để phát triển tự chủ ĐH chứ không phải tài chính là điều kiện để có tự chủ ĐH”, điều này có thể hiểu rộng ra sao?

Đúng, tài chính chỉ là điều kiện để thực hiện tự chủ. Tài chính là điều kiện tiên quyết cho các yếu tố khác phát triển, đặc biệt là tự do học thuật.

Luật Giáo dục ĐH đã nêu ra 3 lĩnh vực tự chủ lớn nhất: chuyên môn, tổ chức nhân sự và tài chính. Trong đó, chuyên môn đứng đầu và cái lõi của trường ĐH, sau đó mới đến các vấn đề khác. Như vậy, tài chính là điều kiện để thực hiện tự chủ chứ không phải như một vài ý kiến hiện nay, nếu không cầm tiền của nhà nước thì “muốn làm gì thì làm”. Hiểu như vậy là không đúng, tự chủ không có nghĩa muốn làm gì thì làm. Nếu đứng về luật, bên cạnh tự chủ thì các trường bị ràng buộc về trách nhiệm giải trình trước cộng đồng, trước các bên liên quan, với học trò, phụ huynh, xã hội, cán bộ nhân viên và cấp trên.

Vấn đề tự chủ này không phải chuyện của giáo dục ĐH mà là vấn đề của xã hội. Chúng ta xác định nguồn nhân lực là 1 trong 3 điểm nghẽn hiện nay nên đây là bài toán nguồn nhân lực chứ không phải bài toán tự chủ, cần nhìn rộng ra và có sự giải quyết nghiêm túc, quyết liệt hơn.

Phải nhìn nhận rõ vai trò, trách nhiệm của nhà nước

Vậy theo ông, vấn đề này nên được giải quyết theo hướng nào để không dẫn đến tình trạng “tự chủ nhưng đẩy trường công lập ra tư thục, đẩy người nghèo giỏi phải trả nhiều tiền nếu muốn học trường tốt”?

Trong luật, quan điểm về trách nhiệm của nhà nước với phát triển giáo dục ĐH được thể hiện rõ ràng. Giáo dục ĐH là lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên đầu tư. Không một nước nào nhà nước có thể lo hoàn toàn cho giáo dục ĐH nên việc xã hội hóa là tất yếu. Cần nhìn rõ chi phí đào tạo vì khi đổ hết gánh nặng cho người học thì sẽ nặng cho xã hội, tổn thương người thầy.

Các nhà khoa học ở Viện Công nghệ Môi trường, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang trao đổi về một kết quả nghiên cứu

Mai Chi

Luật đã cho phép tính đúng và tính đủ chi phí đào tạo. Khi tính đúng, tính đủ, nhà nước với điều kiện kinh tế của mình thì xác định được mức lo đến đâu và phần còn lại các thành phần khác đóng góp. Không phải như hiện nay - đối với trường tự chủ 100% chi phí hoạt động thường xuyên - đưa toàn bộ chi phí đào tạo về cho người học là chưa đúng quan điểm của luật. Nhà nước phải chăm lo cho giáo dục ĐH, là quan điểm đã được ghi rõ trong luật Giáo dục ĐH.

Như vậy, thứ nhất là chính sách phải nhìn nhận rõ vai trò, trách nhiệm của nhà nước. Thứ hai, trong xác định học phí phù hợp với trường công, luật giao về cho hội đồng trường ĐH quyết định nhưng không phải tất cả đều giao cho người học. Thứ ba, phải có học bổng để khuyến khích người giỏi. Hiện nay các trường tự chủ có học bổng nhưng cả học bổng này cũng “đổ” về cho các trường từ chính nguồn học phí của người học. Vậy là không đúng, đúng ra nhà nước phải lo việc này cho người học, ngoài chính sách học bổng từ các trường. Thứ tư, cần thực hiện được chính sách cho vay tiền đi học của nhà nước, tư nhân một cách bài bản.

Bộ GD-ĐT có hạn chế quyền tự chủ trong tuyển sinh của trường ĐH ?

Trước câu hỏi: “Mức độ can thiệp của Bộ GD-ĐT trong tuyển sinh, đào tạo của các trường hiện nay có hạn chế quyền tự chủ không?”, PGS-TS Phan Thanh Bình cho rằng: Đúng là trong giai đoạn đầu cần có lộ trình giao quyền tự chủ cho các trường trong tuyển sinh. Nhưng vấn đề đặt ra, Bộ cần “nắm” đến mức nào. Vấn đề này, Bộ nên lắng nghe các trường, bàn với các trường để tôn trọng quyền tự chủ của các trường và để các trường có trách nhiệm giải trình trước xã hội. Không chỉ tuyển sinh, khi tự chủ thì các trường cũng phải có cách dạy học khác, cách quản trị khác. Hiện còn nhiều việc các trường phải chuyển đổi cho phù hợp hơn.

Như cách làm hiện nay, trách nhiệm tài chính giao hết cho người học thì đẩy đến 2 vấn đề: những sinh viên không giỏi lắm nhưng lại chiếm số đông, sẽ gặp khó khăn trong học tập; làm lệch lạc trong nhìn nhận về đào tạo.

Khi thực hiện tự chủ, người học cần được thụ hưởng chất lượng giáo dục ra sao khi đóng học phí cao hơn?

Theo PGS-TS Phan Thanh Bình, tự chủ không phải chuyện của giáo dục ĐH mà là vấn đề của xã hội

đhqg tp.hcm

Trở lại vấn đề xây dựng chi phí đào tạo, chi phí này không giống nhau giữa các trường, các ngành mà tùy thuộc quan điểm chiến lược mỗi trường. Trường chọn chiến lược phục vụ cộng đồng thì chi phí đào tạo sẽ khác. Đúng ra Bộ GD-ĐT và các bộ liên quan nên hướng dẫn xây dựng tính toán về chi phí đào tạo chi tiết, thực tế hơn. Với một chuẩn chương trình đào tạo, hội đồng trường ĐH xác định chi phí đào tạo dựa trên chi phí cần trả cho người thầy, chi phí tiêu hao, chi phí hỗ trợ người học… Từ đó để nhìn ra được chất lượng.

Theo luật, các trường phải công khai minh bạch tài chính và công bố chuẩn đầu ra theo chuẩn chất lượng cụ thể. Xã hội sẽ có sự nhìn nhận đánh giá về chất lượng đào tạo của các trường. Người học có thể “tẩy chay” nếu trường nào đó thu học phí giá cao nhưng chất lượng không tương xứng và ngược lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.