‘Đứa trẻ’ Babylift sống sót trong vụ rơi máy bay tìm về cội nguồn

29/04/2015 11:27 GMT+7

(TNO) Là đứa trẻ may mắn sống sót cùng người chị song sinh sau vụ rơi máy bay trong chiến dịch không vận Babylift cách đây 40 năm, ông Landon Carnie trở về Việt Nam sinh sống và làm việc, nhưng hơn 10 năm qua ông vẫn chưa thể tìm được cha ruột.

(TNO) Là đứa trẻ may mắn sống sót cùng người chị song sinh sau vụ rơi máy bay trong chiến dịch không vận Babylift cách đây 40 năm, ông Landon Carnie trở về Việt Nam sinh sống và làm việc, nhưng hơn 10 năm qua ông vẫn chưa thể tìm được cha ruột.

Landon Carnie (phải) và người chị song sinh Lorie Carnie lúc còn bé - Ảnh do nhân vật cung cấp
May mắn thoát chết trong thảm họa rơi máy bay 
Landon Carnie và người chị song sinh Lorie Carnie ban đầu được cho là đã thiệt mạng cùng những đứa trẻ khác khi chuyến bay đầu tiên của chiến dịch Babylift rơi vài phút sau khi cất cánh.
Nhưng cặp chị em song sinh lúc bấy giờ mới 17 tháng tuổi đã may mắn thoát chết và được phát hiện nằm cạnh nhau trên một cánh đồng ở ngoại ô Sài Gòn. Xung quanh họ, thi thể nạn nhân và mảnh vỡ xác máy bay vương vãi khắp nơi.
“Ban đầu cha mẹ nuôi nhận được bức điện tín rằng tôi và chị tôi đã chết nhưng chúng tôi may mắn sống sót”, ông Carnie cho biết trong buổi phỏng vấn với PV Thanh Niên Online tại TP.HCM.
Chiếc máy bay vận tải quân sự C-5 của Mỹ rơi xuống cánh đồng ở khu vực ngoại ô Sài Gòn vào ngày 4.4.1975; 78 trẻ em và 50 người lớn đã thiệt mạng, 175 người may mắn sống sót.
Vài phút sau khi cất cánh, một vụ nổ thổi tung cánh cửa khoang hàng hóa của chiếc C-5 khi máy bay đạt độ cao 23.000 feet (khoảng 7.000 m). Phi công đã cố kiểm soát máy bay gặp cố để quay lại sân bay Tân Sơn Nhất nhưng bất thành.
Landon Carnie (phải) và người chị song sinh Lorie Carnie lúc còn bé ngay trước khi được đưa lên máy bay - Ảnh do nhân vật cung cấp
Sau thảm họa ngày 4.4.1975, chiến dịch Babylift vẫn tiếp tục. Trên 3.000 trẻ em, đa số là trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật và con cái của lính Mỹ được sơ tán khỏi Việt Nam. Khoảng 2.000 trẻ em được đưa đến Mỹ trong khi số khác đến Úc, Canada và châu Âu.
Chuyến bay cuối cùng trong chiến dịch Babylift cất cánh rời khỏi Việt Nam vào ngày 29.4.1975, ngay trước thềm ngày thống nhất đất nước 30.4.1975.
Hành trình trở về cội nguồn
Năm nay 41 tuổi, ông Carnie hiện là giảng viên trường đại học RMIT tại TP.HCM, chuyên ngành quan hệ công chúng.
Cha mẹ nuôi đã kể cho ông nghe mọi thứ về tuổi thơ của ông cũng như vụ tai nạn máy bay, luôn nhắc đến việc ông là người Việt Nam và được họ nhận làm con nuôi.
“Tôi có xem một phim tài liệu về kỷ niệm 25 năm kết thúc chiến tranh cho thấy hình ảnh Việt Nam trước và sau chiến tranh tôi quyết định trở về Việt Nam”, ông Carnie cho hay.
“Ban đầu cha mẹ nuôi không cho phép tôi trở về Việt Nam, họ lo tôi sẽ gặp rắc rối, nhưng tôi đã đấu tranh để bảo vệ quyết định của mình và cuối cùng cha mẹ cho phép tôi trở về Việt Nam”, ông Carnie nói. Ông sống và làm việc tại Việt Nam từ năm 2002 đến nay.
Landon Carnie và người chị song sinh Lorie Carnie - Ảnh do nhân vật cung cập
Theo lời kể của cha mẹ nuôi, mẹ ruột của ông Carnie qua đời từ lúc chị em ông chào đời. Cha ruột ông không có khả năng nuôi dưỡng nên đã đưa ông và chị vào trại trẻ mồ côi ở tỉnh Sóc Trăng, sau đó cả hai được chuyển đến Sài Gòn.
Ông Carnie từng trở về Sóc Trăng và đến thăm hiện trường vụ rơi máy bay, nhưng mãi đến nay, ông vẫn chưa thể tìm được cha ruột.
“Nếu có bất kỳ thông tin hay đầu mối gì, tôi sẽ tự điều tra để tìm kiếm gia đình mình ở Việt Nam. Nhưng hơn 10 năm qua, tôi không nắm được bất kỳ thông tin gì”, ông Carnie.
Sinh ra ở Việt Nam nhưng được một gia đình Mỹ nuôi dạy lớn khôn, ông Carnie không thể nói tiếng Việt thành thạo. Ông Carnie chia sẻ ông rất tiếc khi có thể hiểu được tiếng Việt nhưng vẫn chưa thể sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ.
“Điều đáng tiếc nhất mà tôi chưa thể làm được ở Việt Nam là tham gia nhiều hoạt động cộng đồng, giúp đỡ người nghèo”, ông Carnie cho biết thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.