"Chúng tôi có thể xác nhận là đang điều tra các nghi phạm gián điệp làm việc cho cơ quan an ninh Trung Quốc”, người phát ngôn của văn phòng công tố liên bang nói với AFP.
Tuần báo Der Spiegel đưa tin một trong số 3 nghi phạm là nhà ngoại giao người Đức từng làm việc tại Ủy ban châu Âu ở thủ đô Brussels (Bỉ) rồi giữ chức đại sứ của Liên minh châu Âu (EU) ở nước ngoài.
Hai nghi phạm còn lại là nhà vận động hành lang trực thuộc một "công ty vận động hành lang nổi tiếng” ở Đức.
Các công tố viên Đức từ chối cung cấp thông tin chi tiết về các nghi phạm và cho biết chưa có ai bị bắt giữ.
Tuy nhiên, họ xác nhận thông tin từ Der Spiegel cho rằng cảnh sát đã lục soát các căn hộ và văn phòng trong ngày 15.1 do có liên quan đến ba nghi phạm ở Berlin, Brussels cùng bang Bavaria và Baden-Wuerttgl của Đức.
Theo Der Spiegel, các công tố viên cáo buộc nhà cựu ngoại giao và một trong hai nhà vận động hành lang "đã chia sẻ thông tin cá nhân và thương mại với Bộ Quốc An của Trung Quốc". Nghi phạm thứ ba thì “chỉ sẵn sàng làm điều đó".
Nhà cựu ngoại giao, nhân vật trung tâm của cuộc điều tra, đã kết thúc sự nghiệp tại EU vào năm 2017 và chuyển sang làm việc cho công ty vận động hành lang, nơi ông ta tuyển dụng hai nghi phạm khác.
Hoạt động gián điệp được cho là bắt đầu vào năm 2017. Nếu các cáo buộc được xác nhận thì đây là một vụ gián điệp hiếm hoi của Trung Quốc bị phanh phui, theo AFP.
"Có nhiều đồn đoán về hoạt động gián điệp quy mô lớn của Trung Quốc đang diễn ra trong lòng nước Đức và châu Âu. Tuy nhiên, các nhà điều tra hiếm khi thành công trong việc phanh phui gián điệp Trung Quốc”, theo Spiegel.
Cuộc điều tra diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế hàng đầu châu Âu tranh luận gay gắt về việc có nên loại trừ tập đoàn Huawei khỏi chương trình phát triển mạng di động thế hệ thứ 5 (5G) của Đức hay không.
Trước đó, Mỹ cáo buộc Huawei có mối liên hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc và thiết bị của hãng này có thể được dùng làm công cụ để gián điệp cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, Huawei bác bỏ mọi cáo buộc.
Chính phủ Tổng thống Donald Trump cũng đã ra lệnh cho các công ty Mỹ ngừng hợp tác kinh doanh với Huawei và kêu gọi các nước đồng minh làm theo. Úc và Nhật Bản đã áp dụng một số biện pháp để ngăn chặn hoặc hạn chế Huawei tham gia chương trình 5G.
Đến nay, Đức vẫn chống lại áp lực từ phía Mỹ về việc cấm Huawei. Thay vào đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố Berlin sẽ siết chặt các yêu cầu nghiêm ngặt về bảo mật mà không cấm bất kỳ công ty nào.
Trung Quốc là một đối tác thương mại quan trọng đối với Đức nhưng trong những năm gần đây Berlin trở nên lo ngại trước làn sóng doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ồ ạt và thâu tóm các công ty Đức. Điều này có nguy cơ dẫn đến những công nghệ quan trọng của Đức bị bán cho Bắc Kinh.
Chính phủ Đức đã phải siết chặt các quy định về việc doanh nghiệp nước ngoài mua lại công ty nội địa.
Bình luận (0)