Sao luật ban hành chưa bao lâu đã phải sửa?
Trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội (QH) Trần Thanh Mẫn đánh giá thời gian qua việc xây dựng pháp luật có nhiều tiến bộ nhưng còn nhiều mặt hạn chế, cần rút kinh nghiệm. "Tại sao luật chúng ta ban hành thực hiện chưa bao lâu đã phải điều chỉnh, phải sửa, thậm chí luật chưa thi hành đã sửa? Các địa phương khi có luật, triển khai thực hiện chưa đồng bộ, chưa đến nơi đến chốn", Chủ tịch QH đặt vấn đề.
Theo Chủ tịch QH, Ủy ban Thường vụ QH quyết định sẽ tổ chức diễn đàn xây dựng pháp luật để rút kinh nghiệm trong công tác xây dựng pháp luật thời gian vừa qua.
Để việc thảo luận tại hội nghị đạt hiệu quả cao, Chủ tịch QH đề nghị các đại biểu (ĐB) QH chuyên trách tập trung phân tích, thảo luận, thể hiện rõ quan điểm đối với những nội dung cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo, xin ý kiến những nội dung còn có các phương án khác nhau; cho ý kiến rõ các dự án đã đủ điều kiện để trình QH thông qua vào kỳ họp tới hay chưa.
Chủ tịch QH cũng đề nghị các ĐB bám sát nguyên tắc đã thống nhất từ đầu nhiệm kỳ là ưu tiên cao nhất cho chất lượng dự án luật, không chạy theo số lượng. "Chỉ những dự án luật bảo đảm chất lượng, giải quyết thỏa đáng các vấn đề vướng mắc thì mới trình QH thông qua. Những vấn đề thực tiễn đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì quyết tâm thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép. Cái gì chưa chín, chưa rõ dứt khoát không đưa vào luật", Chủ tịch QH lưu ý.
Chủ tịch QH cũng nhấn mạnh cần quán triệt và thực hiện tốt Quy định 178-QĐ/TW ngày 27.6 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. "Đặc biệt, các chính sách đã đảm bảo việc không để sơ hở, phòng ngừa, ngăn chặn được tình trạng "tham nhũng chính sách", lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực cơ quan quản lý nhà nước chưa?", Chủ tịch QH nêu.
Lắp một cột thu phát sóng cũng phải xin Thủ tướng
Chiều cùng ngày, thảo luận dự thảo luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng các quy định về sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trong, thậm chí ngoài khu vực bảo vệ di tích, nhất là việc xin ý kiến của Thủ tướng, Bộ trưởng VH-TT-DL đang làm mất quá nhiều thời gian, khó khăn trong việc triển khai.
Dự thảo luật quy định, tại khu vực bảo vệ 1 và 2 của di tích, chỉ được sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trực tiếp phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Việc xây dựng các công trình kinh tế - xã hội chỉ được thực hiện tại khu vực bảo vệ 2 của di tích. Về thẩm quyền, dự thảo luật quy định, các công trình chỉ được thực hiện khi có ý kiến bằng văn bản của Thủ tướng (đối với di tích quốc gia đặc biệt thuộc danh mục di sản thế giới); của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL (đối với di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia); của người đứng đầu cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh đối với di tích cấp tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng nên phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết định các công trình cải tạo, sửa chữa nhỏ, cấp bách nhằm bảo vệ di tích, sửa chữa như là hệ thống tiêu thoát nước, hệ thống các cột thu lôi, cột phát sóng hoặc các công trình khác trong các khu vực bảo vệ 2 của di sản thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt.
ĐB tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị với các công trình xây dựng không có tác động trực tiếp tới di tích, công trình tạm, công trình nhằm đảm bảo an toàn của di tích thì nên phân cấp cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và chỉ cần báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL.
"Rất nhiều cử tri, du khách bức xúc với việc như là giữa vịnh Hạ Long không có sóng điện thoại; hay lúc thời tiết bão gió không thể nào liên lạc được với tàu, thuyền trong khu vực của vịnh. Nhưng do quy định để lắp một cái cột thu phát sóng ở vịnh Hạ Long cũng phải báo cáo, được sự đồng ý Thủ tướng. Ngay cả việc xây dựng các rãnh thoát nước chảy trực tiếp vào di tích quốc gia đặc biệt ở Yên Tử cũng phải báo cáo, được sự chấp thuận bằng văn bản của Thủ tướng mới thực hiện được, trong khi đó là việc cấp bách và có thể ảnh hưởng trực tiếp tới di tích", bà Hà dẫn chứng và nói thêm "trình tự, thủ tục thì mất rất nhiều thời gian".
Đồng quan điểm, ĐB Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) cũng phản ánh việc thực hiện công trình dự án kết cấu hạ tầng trong khu vực bảo vệ di tích gặp nhiều khó khăn vì quá nhiều thủ tục phải trình cơ quan chức năng, trong khi đó là do lịch sử để lại, trước khi di sản, di tích được công nhận thì các công trình đã hiện hữu. "Cử tri bức xúc, quản lý nhà nước gặp khó khăn rất nhiều", bà Luyến nêu.
Bình luận (0)