Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn ngày 1.9 đã kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt lên quốc gia che giấu thông tin về những đợt bùng dịch trong tương lai, theo Politico.
Viện dẫn việc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có quyền trừng phạt các quốc gia không tuân thủ quy tắc, ông Spahn nói cần phải có hậu quả nếu các nước không tuân thủ cam kết trong hiệp ước về đại dịch mà Đại hội đồng Y tế Thế giới sẽ thông qua vào tháng 11.
Việc một quốc gia lớn ở Liên minh châu Âu (EU) đề xuất các biện pháp trừng phạt đánh dấu sự thay đổi lớn trong giọng điệu của các nước phương Tây trong bối cảnh Trung Quốc bị cáo buộc ngăn cản cuộc điều tra nguồn gốc đại dịch.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng kêu gọi các quốc gia xem xét ý tưởng ông Spahn nêu ra khi tham gia hiệp ước. Hiệp ước này sẽ là công cụ có tính ràng buộc pháp lý để ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó tốt hơn với các đại dịch trong tương lai.
Trong cuộc họp báo với ông Spahn ở thủ đô Berlin của Đức, ông Tedros cũng nói hiệp ước nên “có các ưu đãi hoặc những củ cà rốt” để khuyến khích sự minh bạch. “Nhưng có lẽ việc tìm hiểu các biện pháp trừng phạt cũng quan trọng”, ông Tedros nói thêm.
Các phát biểu này được đưa ra tại lễ khánh thành một trung tâm giám sát đại dịch mới ở Berlin, mang tên Trung tâm Tình báo về Đại dịch và Dịch bệnh của WHO. Nơi này sẽ chịu trách nhiệm phát hiện và giám sát các sự cố liên quan đến virus có nguy cơ bùng phát thành đại dịch.
Ông Spahn cũng nhân cơ hội này kêu gọi các quốc gia đóng góp "đủ nguồn lực tài chính" cho việc giám sát đại dịch. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Y tế Đức kêu gọi Trung Quốc “hoàn toàn hợp tác và giải thích minh bạch về nguồn gốc của virus corona cho cộng đồng quốc tế”.
“Tôi đã tự hỏi nhiều lần rằng nếu đại dịch bắt đầu ở Đức, một quốc gia châu Âu hay Mỹ, chúng tôi sẽ hợp tác với WHO như thế nào? Tất nhiên có rất nhiều khía cạnh trong vấn đề này: chính trị, uy tín, khoa học”, ông Spahn phát biểu. Bộ trưởng Đức cũng cho biết thêm rằng việc nói về các biện pháp trừng phạt “không dễ dàng, nhưng tôi nghĩ đó là vấn đề cần phải tranh luận”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tham dự lễ khánh thành trung tâm mới. Việc thành lập trung tâm này thể hiện vai trò lãnh đạo y tế toàn cầu của Đức đang ngày càng tăng lên. Năm ngoái, Đức là nước đóng góp nhiều nhất cho WHO và Berlin cũng dẫn đầu các cuộc đàm phán về việc cải tổ cơ quan này.
Bình luận (0)