Chính trường Đức lại một phen xôn xao sau khi tờ Der Spiegel tiết lộ các kế hoạch bán vũ khí của nước này đến những điểm nóng.
Đối với các cuộc xung đột hay bất ổn kể từ sau Thế chiến 2, Đức luôn tỏ ra là quốc gia ưa chuộng “giải pháp chính trị” hơn là triển khai quân đội tham chiến. Những cuộc can thiệp quân sự gần đây của các nước phương Tây, Berlin thường tham gia chiếu lệ hoặc thậm chí quay lưng lại hoàn toàn như tại Libya hồi năm 2011. Thế nhưng, Đức thực tế góp mặt hầu như trên mọi mặt trận bằng những hợp đồng vũ khí với các đối tác ở khắp năm châu. Hiện nay, nước này đã vượt Pháp để trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga. Lượng vũ khí bán ra của Đức trong năm 2012 tăng 14% so với năm trước đó. Tuy mang lại lợi ích về kinh tế, nhưng việc Berlin không ngần ngại vũ trang cho cả các quốc gia thuộc những khu vực “nhạy cảm” khiến dư luận trong nước bất bình.
|
“Chuyên trị” xe bọc thép
Những năm gần đây, Đức tăng cường xuất khẩu vũ khí và xe bọc thép đóng vai trò chủ lực. Tại một hội thảo ở ngoại ô thủ đô Berlin vào tháng 10.2012, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố sẽ “tô đậm” vai trò của hợp tác quân sự và xuất khẩu vũ khí trong chính sách an ninh quốc gia.
Lẽ ra, đây là điều bình thường nhưng vấn đề nằm ở chỗ, theo Der Spiegel, có đến 42% lượng vũ khí do Đức bán ra dành cho các nước không thuộc EU và NATO. Cách đây 2 năm, tỷ lệ này chỉ ở mức 29%. Trước kia, Berlin hầu như không bán vũ khí cho các nước đang xảy ra khủng hoảng chính trị hoặc thuộc khu vực “nóng bỏng”. Tuy nhiên, nguyên tắc này đang bị Berlin buông lỏng phần nào. Giữa năm 2011, Ủy ban An ninh liên bang (BSR) phá lệ của nhiều thập niên qua khi ủng hộ hợp đồng bán 270 xe tăng Leopard-2 cho Ả Rập Xê Út. Được đà tiến tới, đầu tháng 12.2012, Der Spiegel dẫn tài liệu quốc phòng cho biết Ả Rập Xê Út dự định đặt hàng thêm hàng trăm xe bọc thép dòng GTK Boxer của Đức. Bên cạnh đó, còn phải kể đến những thương vụ béo bở khác: Algeria xem xét đặt mua 1.200 xe bọc thép dòng Fuchs, Ai Cập vừa mua 2 tàu ngầm…
Tất cả những nước trên thuộc Bắc Phi và Trung Đông, vốn là các khu vực có nhiều biến động bậc nhất, đặc biệt sau hiện tượng mùa xuân Ả Rập vào năm 2011. Từ lúc giới truyền thông công khai kế hoạch bán xe tăng cho Ả Rập Xê Út, Thủ tướng Merkel bị dư luận chỉ trích dữ dội. Báo mạng Mediapart dẫn thăm dò hồi tháng 10.2012 tại Đức cho thấy 75% người được hỏi phản đối hợp đồng bán xe tăng Leopard-2 cho Ả Rập Xê Út. Các đảng đối lập không bỏ lỡ cơ hội này, lập tức chỉ trích đảng cầm quyền.
Đặc biệt, vụ việc xảy ra gần như ngay sau khi Ả Rập Xê Út “sốt sắng” điều quân đội sang hỗ trợ Bahrain dẹp yên làn sóng phản đối. Vì thế, hầu hết những ý kiến phản đối hợp đồng trên đều cho rằng số xe tăng Đức có thể sẽ là công cụ mà Riyadh dùng để đối phó với các phong trào phản đối do phe đối lập tổ chức tại Bahrain. Ngoài ra, việc Ả Rập Xê Út được tăng cường vũ trang còn khiến các nước xung quanh chạy đua quân sự. Tương tự, Đức không ủng hộ chính sách ngoại giao của Israel tại Dải Gaza nhưng BSR vẫn bật đèn xanh đối với các hợp đồng bán tàu ngầm và súng phóng rốc két cho Tel Aviv.
Tác động của khủng hoảng kinh tế
Theo trang tin Mediapart, việc tăng cường xuất khẩu vũ khí sẽ giúp Đức tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp quốc phòng. Điều này khá quan trọng với Berlin trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế vẫn còn gây ảnh hưởng nặng nề. Việc nghiên cứu chế tạo vũ khí ngày càng tốn kém nên cần có thêm thu nhập để trang trải. Bên cạnh đó, hầu hết các nước EU, vốn là đối tác truyền thống của Đức, đều trong giai đoạn “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm đáng kể ngân sách quốc phòng. Trong tình thế như vậy, trên lý thuyết, Berlin có 2 sự lựa chọn. Thứ nhất là cùng các nước trong khu vực chia sẻ công nghệ và hợp tác để xây dựng một nền công nghiệp quốc phòng chung cho cả EU. Giải pháp này khó khả thi do sự chia rẽ giữa các nước trong Liên minh châu u. Vì thế, Đức chỉ còn chọn lựa duy nhất là mở rộng giao thương với thị trường toàn cầu để gia tăng xuất khẩu.
Việc xuất khẩu vũ khí cũng giúp Berlin tăng tầm ảnh hưởng về ngoại giao. Phó chủ tịch đảng Die Linke Jan Van Aaken nhận định: “Năm 2009, Đức xuất khẩu 600 khẩu súng trường cho Ai Cập không phải để thu về 1 triệu euro mà chủ yếu nhằm thắt chặt quan hệ giữa hai nước”. Tuy nhiên, việc tăng cường xuất khẩu cũng sẽ dẫn đến nguy cơ “rò rỉ” công nghệ. Bởi những nước mua vũ khí thường kèm theo điều kiện được chuyển giao “chút đỉnh” kỹ thuật.
Theo Viện Nghiên cứu Sipri (Stockholm, Thụy Điển), tình hình buôn bán vũ khí trên thế giới những năm gần đây đang có chiều hướng gia tăng. Lượng vũ khí được giao dịch trong giai đoạn 2007-2011 tăng 24% so với giai đoạn 2002-2006. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đứng đầu về nhập khẩu (chiếm 44%), hơn xa so với các khu vực xếp sau là châu u (19%), Trung Đông (17%)... Về xuất khẩu, Mỹ vẫn đứng đầu với 30% lượng vũ khí bán ra trên toàn cầu, xếp trên Nga (24%), Đức (9%), Pháp (8%). Đáng chú ý là trong giai đoạn 2007-2011, lượng vũ khí nhập khẩu vào Syria tăng 580% so với 5 năm trước đó. Đất nước này đang rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị - xã hội nghiêm trọng kéo dài suốt 21 tháng qua. Các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ và phe nổi dậy đã làm hơn 60.000 người chết, theo LHQ. |
Nguyễn Ngọc Lan Chi
>> Nhật Bản thúc đẩy xuất khẩu vũ khí
>> Xuất khẩu vũ khí Mỹ đạt 60 tỉ USD
>> Đại gia vũ khí mới
>> Đại gia vũ khí Đông Nam Á
Bình luận (0)