Theo thông báo của không quân Úc, bắt đầu từ hôm qua (19.8), lực lượng này tiến hành cuộc tập trận đa phương Pitch Black kéo dài đến ngày 8.9. Đây là cuộc tập trận đa phương được tổ chức mỗi 2 năm kể từ năm 1990, nhưng năm 2020 không diễn ra vì đại dịch Covid-19.
Ý nghĩa quan trọng
Tham gia Pitch Black có khoảng 2.500 binh sĩ, sĩ quan và nhân sự liên quan, cùng 100 máy bay quân sự của các nước: Úc, Pháp, Đức, Indonesia, Ấn Độ, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Philippines, Thái Lan, UAE, Canada, Hà Lan, Malaysia, New Zealand và Mỹ. Trong số này, Nhật Bản, Đức và Hàn Quốc lần đầu tham dự. Đặc biệt, Đức điều động đến 13 máy bay tham gia tập trận gồm: 6 máy bay chiến đấu đa nhiệm Eurofighter cùng 4 máy bay vận tải và 3 máy bay tiếp dầu trên không.
Trước khi đến Úc, các máy bay Đức đã ghé Singapore trong hành trình bay của cuộc tập huấn mang tên Rapid Pacific với thời gian bay chưa đến 24 giờ và có tiếp nhiên liệu trên không. Điều này nhằm gửi thông điệp là Berlin đủ sức chỉ trong 24 giờ có thể điều động chiến đấu cơ đến hoạt động ở châu Á. Đội máy bay này sẽ còn đến Hàn Quốc và Nhật Bản.
Một trong 6 chiếc Eurofighter tham gia Pitch Black đã sơn cờ các nước Úc, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc |
Bundeswehr |
AP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết dù cuộc chiến ở Ukraine đang được Đức ưu tiên quan tâm trong thời điểm này, nhưng việc điều nhóm chiến đấu cơ Eurofighter đến Úc tập trận cũng nhằm nhấn mạnh rằng Đức quan tâm hoạt động này. Bà Lambrecht nhấn mạnh: “Chúng tôi đứng về phía tất cả những người ủng hộ các giá trị của chúng tôi như dân chủ, tự do và an ninh, và cũng sẵn sàng đóng góp cho điều đó”. Tháng 9.2021, Hội đồng châu Âu đã công bố chiến lược Indo-Pacific với sự khẳng định nhấn mạnh khu vực này ngày càng trở nên quan trọng về mặt chiến lược đối với EU.
Trả lời Thanh Niên về việc Đức tham gia tập trận, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy tại Đại học Hawaii Thái Bình Dương về quan hệ quốc tế, lịch sử) nhận xét: “Động thái trên là một phần trong nỗ lực của Đức nhằm mở rộng đóng góp cho an ninh và ổn định của châu Á thông qua hợp tác với các đối tác như Úc và Nhật Bản. Năm ngoái, Đức cũng đã triển khai một tàu khu trục đến khu vực. Lần này, việc triển khai lực lượng không quân là một động thái khác trong nỗ lực vừa nói. Việc Đức tham gia tập trận Pitch Black có ý nghĩa chính trị nêu bật tầm quan trọng của châu Á đối với châu Âu và an ninh châu Âu, đồng thời thể hiện mối quan tâm ngày càng tăng của châu Âu đối với việc duy trì hòa bình và ổn định ở châu Á”.
Không khó để nhận ra nguyên nhân khiến Đức tăng cường hoạt động quân sự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) chính là Trung Quốc. Liên quan vấn đề này, vào tháng 11.2021, truyền thông Úc dẫn lời bà Annegret Kramp-Karrenbauer, khi đó đang giữ vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Đức, cho hay nước này muốn gửi chiến hạm đến Indo-Pacific để tập trận cùng hải quân Úc ở khu vực này. Úc là một thành viên trong “bộ tứ kim cương” (gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc) được xem là bộ khung của chiến lược Indo-Pacific nhằm đối phó các hành vi của Trung Quốc trong khu vực. Bà Karrenbauer cho rằng dù Trung Quốc là một đối tác quan trọng, nhưng cũng cảnh báo Bắc Kinh “đang phá hoại một trật tự thế giới dựa trên luật pháp”.
Cuối năm ngoái, Berlin đã điều động tàu hộ tống Bayern thực hiện chuyến hải hành kéo dài gần 7 tháng để hoạt động ở Indo-Pacific, có đi qua Biển Đông. Là hoạt động đầu tiên của hải quân Đức tại khu vực này sau gần 2 thập niên, tàu Bayern đã ghé thăm nhiều nước như: VN, Pakistan, Ấn Độ, Úc, Nhật Bản…
Chuyên gia Schuster dự báo: “Trong những năm tới, Đức sẽ còn tiến hành các cuộc triển khai không quân và hải quân như vậy. Các cuộc triển khai có thể không quá quy mô nhưng đủ để thể hiện sự quan tâm và sẵn sàng của Đức để hợp tác với các bên trong khu vực”.
Bước ngoặt chuyển hướng
Không chỉ tiến hành hoạt động quân sự, Berlin còn có nhiều động thái đầy ý nghĩa khác về ngoại giao. Cuối tháng 4, Thủ tướng Đức Olaf Scholz chọn Nhật Bản làm điểm đến đầu tiên để công du châu Á kể từ khi nhậm chức vào tháng 12.2021. Tại Tokyo, ông Scholz đã nhấn mạnh cam kết với Indo-Pacific.
Đây là động thái được giới chuyên gia đánh giá là một sự chuyển hướng lớn của Đức đối với khu vực. Trả lời Thanh Niên, TS Timothy R.Heath (chuyên gia nghiên cứu cấp cao, Tổ chức RAND, Mỹ) nhận xét: “Quả thực, việc Thủ tướng Scholz thăm Nhật trước Trung Quốc báo hiệu mối quan ngại của châu Âu rằng Trung Quốc có thể có chung xu hướng xét lại của Nga”. Bởi người tiền nhiệm của ông Scholz là bà Angela Merkel đã chọn Trung Quốc làm điểm đến đầu tiên ở châu Á.
Tương tự, TS C.J.Jenner (chuyên gia nghiên cứu về địa chính trị tại Đại học Oxford, Anh) nhận định: “Ông Scholz báo hiệu một sự thay đổi chiến lược từ chính sách khu vực của bà Angela Merkel. Khi bà Merkel giữ chức thủ tướng, Berlin đã ưu tiên các mối quan hệ với Bắc Kinh hơn tất cả các bên khác ở Indo-Pacific”.
Nhận xét thêm, TS Heath cho rằng: “Chuyến công du của ông Scholz cũng cho thấy châu Âu và Mỹ đang mong muốn tăng cường quan hệ với các quốc gia châu Á có chung cam kết duy trì trật tự dựa trên luật lệ, cũng như sự lo ngại về mục đích của Trung Quốc liên quan trật tự quốc tế”.
Chính vì thế, việc tham gia tập trận Pitch Black càng khẳng định sự chuyển hướng của Đức.
Campuchia quyết để Trung Quốc nâng cấp căn cứ nam Biển Đông
Tờ Khmer Times ngày 19.8 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh tuyên bố rằng nước này sẽ tiếp tục hiện đại hóa căn cứ hải quân Ream phía nam Biển Đông với sự giúp đỡ của Trung Quốc. Theo ông, chính phủ Campuchia “không cần lắng nghe người khác” lo ngại về chủ quyền của mình. Phát biểu với báo giới tại sân bay quốc tế Phnom Penh sau khi trở về từ Trung Quốc hôm 16.8, tướng Banh bác bỏ thông tin cho rằng Campuchia đang trao Trung Quốc vị thế độc quyền đối với một phần căn cứ này.
Minh Phương
Trung Quốc đóng thêm nhiều tàu chiến ?
Trang USNI News ngày 19.8 dẫn nghiên cứu mới công bố cho rằng Trung Quốc có đủ nguồn lực để sở hữu 5 tàu sân bay và 10 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo vào năm 2030. Được thực hiện bởi Trung tâm Đánh giá chiến lược và ngân sách Mỹ (CSBA), nghiên cứu trên cho rằng quân đội Trung Quốc có đủ nguồn lực cần thiết để tiếp tục hiện đại hóa trong thập niên 2020. Kết quả nghiên cứu còn dự báo Trung Quốc sẽ có thêm nhiều tàu hộ tống, tàu tên lửa và tàu ngầm điện-diesel dùng để phòng vệ khu vực cũng như gây áp lực với Đài Loan. Trung Quốc hiện có 2 tàu sân bay và 6 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo trong biên chế.
Khánh An
Bình luận (0)