Đức Trọng có địa thế rất thuận lợi khi nằm ở cửa ngõ của TP.Đà Lạt, có nhiều tuyến giao thông kết nối với các địa phương trong tỉnh (H.Lâm Hà, Đơn Dương, Di Linh, TP.Đà Lạt) và ngoài tỉnh (Nam Trung bộ, Tây nguyên, Đông Nam bộ, TP.HCM). Đặc biệt, Đức Trọng còn có cụm cảng hàng không quốc tế Liên Khương với tần suất trên 20 chuyến bay đến các địa phương trong nước và quốc tế mỗi ngày.
Đức Trọng còn có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ khi được thiên nhiên ưu ái dành cho với nhiều thác hồ và đồi núi tạo nên một phong cảnh nên thơ, hữu tình níu chân lữ khách. Điểm nổi bật nhất chính là thác Pongour hùng vĩ (ở xã Tân Thành), lâu nay được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất thác” (thác nước hùng vĩ nhất trời Nam), một kiệt tác của tạo hóa ban tặng.
Cách TP.Đà Lạt chừng 50 km, thác Pongour có chiều cao khoảng 40 m, chảy trên hệ thống đá bậc thang 7 tầng và trải rộng đến hơn 100 m. Ngọn thác gắn liền với truyền thuyết người dân tộc K’ho về nữ tù trưởng Kanai tài ba, xinh đẹp, luôn có 4 con tê giác phục tùng, giúp bà dời non, ngăn suối, chiến đấu với kẻ thù. Hằng năm vào dịp rằm tháng giêng, đồng bào các dân tộc trong vùng tổ chức lễ hội mùa xuân, đây cũng là dịp để các đôi trai gái đến gặp gỡ, tự do tìm hiểu và yêu thương nhau. Lễ hội này thu hút hàng ngàn người dân và du khách tham dự. Pongour đã và đang thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm và khám phá.
|
Ông Võ Văn Phương cũng nhìn nhận, dù tiềm năng có nhiều, nhưng từ năm 2016 về trước, du lịch Đức Trọng dường như vẫn “giậm chân tại chỗ” và mới bắt đầu vươn mình mạnh mẽ từ 2017 đến nay. “Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động để phát triển du lịch tại địa phương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 với nhiều giải pháp cụ thể để du lịch có thể đột phá, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Phấn đầu đến năm 2025, tỉ trọng ngành du lịch - dịch vụ trong GRDP toàn huyện đạt trên 37%, tốc độ tăng trưởng số lượt khách hằng năm đạt từ 9 - 10%/năm”, ông Phương cho hay.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin H.Đức Trọng, cho biết thêm: “Địa phương cũng đã xác định du lịch canh nông, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tâm linh là sản phẩm du lịch đặc trưng phù hợp với điều kiện của địa phương và nhu cầu của du khách để ưu tiên phát triển. Thời gian qua chúng tôi cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến với các tổ chức, cá nhân, người dân và du khách về những nội dung liên quan đến lĩnh vực du lịch bằng nhiều hình thức và bước đầu đã có hiệu quả nhất định. Hiện trên địa bàn 65 cơ sở lưu trú du lịch các loại, với 863 phòng nghỉ đáp ứng nhu cầu của du khách. Năm 2018, có khoảng 310.000 lượt khách tham quan và lưu trú trên địa bàn, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy Đức Trọng không còn “núp bóng” Đà Lạt mà đang là điểm đến an toàn được yêu thích của du khách. Với những giải pháp đồng bộ đương được triển khai, hy vọng ngành du lịch Đức Trọng sẽ “cất cánh” bay xa trong thời gian sắp đến”.
Bình luận (0)