Dựng bản mới giữa đại ngàn

02/12/2021 13:34 GMT+7

Những đứa trẻ reo hò nô đùa, những khuôn mặt rạng ngời hân hoan của người dân bản Sắt (xã Trường Sơn, H.Quảng Ninh, Quảng Bình ) đủ nói lên sự phấn khích khi bà con được vào ở trong các ngôi nhà mới xây dựng…

Dựng bản từ ám ảnh lở núi

Sau gần 2 tiếng đồng hồ, vượt nhiều đèo dốc, chúng tôi có mặt tại xã biên giới Trường Sơn trong cơn mưa lất phất kèm gió lạnh.

Trong trụ sở của Đồn biên phòng Làng Mô, thượng tá - đồn trưởng Lê Đình Huân bắt đầu câu chuyện về bản Sắt bằng những hình ảnh mưa lũ kinh hoàng.

“Đó là những ngày tháng 10.2020. Chưa bao giờ bản Sắt bị ngập lũ lớn đến như thế. Có những ngôi nhà sàn bị ngập đến mái. Nước ngập dữ quá nên bà con chạy ra báo chính quyền địa phương và biên phòng trong đêm tối”, thượng tá Huân nhớ lại.

Một góc bản Sắt mới

Ngay sáng sớm hôm sau, lực lượng biên phòng và địa phương lội bộ, vượt núi, mang phương tiện, thiết bị hướng vào bản để giải cứu đồng bào. Vào đến nơi, cán bộ, chiến sĩ phải đóng nhiều bè để chèo đi từng nhà đưa người dân và đồ đạc thoát ra khỏi lũ, đến những vị trí an toàn, rồi chọn một triền đất cao ráo và khá bằng phẳng, mọi người dựng lều, lán trại để tá túc.

Bản Sắt có 34 hộ, bà con sống quần tụ dưới chân núi trong một lòng chảo. Mỗi lần mưa lũ là ngập. Đáng ngại hơn nữa, các sườn núi trên đầu bản đã xuất hiện những đường nứt và vết trượt lớn.

Xác định không thể tiếp tục ở bản, cần kíp ổn định đời sống bà con nên Đồn biên phòng Làng Mô huy động nhân lực, thiết bị để dựng nhà bạt riêng cho mỗi hộ dân và cả lớp học tạm trên một sườn đồi cao gần đó. Cán bộ, chiến sĩ biên phòng phải vượt nước lũ sâu vào bản cũ lấy bàn ghế lớp học mang đi, lau chùi sạch sẽ để các em tiếp tục hành trình nuôi con chữ.

Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Nguyễn Văn Nhì giới thiệu về bản mới

T.Q.N

Một tháng sau, trước diễn biến phức tạp, khó lường của bão số 13, toàn bộ dân bản đang tá túc trong lều lại được Đồn biên phòng Làng Mô và chính quyền xã Trường Sơn di dời khẩn đến tránh trú tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trường Sơn.

Mưa lũ qua đi, bà con trở lại cuộc sống trong nhà bạt ở gần bản cũ. Bài toán dựng bản Sắt mới ở một vị trí khác để tránh lở núi được các cấp, ngành tỉnh Quảng Bình đặt lên hàng đầu. Sau khi khảo sát kỹ và căn cứ đề nghị của cấp dưới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ VN tỉnh và Ban Cứu trợ tỉnh Quảng Bình quyết định hỗ trợ xây dựng 34 nhà đại đoàn kết và 1 nhà cộng đồng tránh lũ kết hợp trường học cho đồng bào bản Sắt.

Tổng toàn bộ số tiền xây dựng 34 căn nhà hơn 3 tỉ đồng (90 triệu đồng mỗi căn) từ nguồn của Ban Cứu trợ tỉnh Thái Bình; còn nhà cộng đồng tránh lũ kết hợp trường học có tổng mức xây dựng hơn 3,5 tỉ đồng từ nguồn của Ban Cứu trợ TP.Hà Nội.

Ngày khởi công, bà con đồng bào mừng khấp khởi.

Bà Phạm Thị Hân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Quảng Bình, trao quà cho người dân bản Sắt

Trăn trở sinh kế bền vững

Với quyết tâm đưa bản mới vào sử dụng càng sớm càng tốt để người dân khỏi tá túc tạm bợ trong những nhà bạt, các công trình hoàn thành sau 5 tháng thi công. Đó là thành quả của sự nỗ lực vượt qua nhiều trở ngại như địa hình khó, phức tạp, đường sá đi lại gian nan, cách trở và thường xuyên bị gián đoạn do mưa, kể cả dịch bệnh Covid-19.

Nhà được làm theo mẫu nhà sàn, móng, cột, dầm bằng bê tông cốt thép kiên cố. Sàn và tường bao quanh làm bằng ván phủ phim chắc chắn, chống thấm nước, mái lợp tôn chống nóng… 34 nhà nằm liền kề thành từng dãy đối xứng nhau không khác gì một khu phố giữa đại ngàn rừng xanh. Ở cuối bản mới, nhà cộng đồng tránh lũ kết hợp trường học khang trang, hiện đại với quy mô 2 tầng, 2 phòng tiểu học và 1 phòng mầm non, 2 phòng nghỉ giáo viên, 2 phòng vệ sinh…

Ngày 15.11, công trình được làm lễ khánh thành, bàn giao nhưng trước đó dân bản đã chuyển đến ở ổn định. Bà Phạm Thị Hân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Quảng Bình, khẳng định việc hỗ trợ xây dựng công trình 34 nhà ở và nhà cộng đồng tránh lũ kết hợp trường học cho đồng bào dân tộc ở bản Sắt là món quà đầy ý nghĩa: “Món quà này thể hiện tinh thần đoàn kết, không để ai bị bỏ lại phía sau của Đảng bộ, nhân dân TP.Hà Nội, tỉnh Thái Bình và Quảng Bình”.

Mọi thứ đang như từ trong giấc mơ bước ra với 151 con người sống nơi hẻo lánh này. Gặp chúng tôi, trưởng bản Nguyễn Văn Muôn không giấu niềm vui sướng: “Quá tuyệt vời, dân bản ở mấy bữa nay sướng cái bụng lắm. Nhà mới đẹp và sạch. Bà con cũng không còn lo ngập lụt, lo bị núi lở nữa rồi”.

Nhưng cũng còn đó quá nhiều nỗi lo về tái thiết cuộc sống mới và sinh kế bền vững cho đồng bào bản Sắt. Trên đường đi bộ vào bản cùng tôi, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Nguyễn Văn Nhì trăn trở: “Trình độ dân trí ở bản còn thấp. Cả bản cũng chỉ có 30 ha đất sản xuất, trong đó có 7 ha lúa nước, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nương rẫy. Những trở ngại ấy ảnh hưởng rất lớn đến mức sống của bà con. Còn trước mắt cần phải tháo gỡ những vấn đề phát sinh khi bà con chuyển đến khu tái định cư mới, trong đó đặc biệt là xây dựng nguồn nước sinh hoạt ổn định…”.

Bà Phạm Thị Hân cũng đặc biệt quan tâm nhiều đến khía cạnh sinh kế này. “Từ khi bắt đầu triển khai, tôi đã nhiều lần đi bộ vào bản để khảo sát, kiểm tra. Bà con quá thân thương, quá khổ. Sinh kế bền vững cho bà con đúng là rất quan trọng. Vì vậy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ VN tỉnh đang phối hợp với Ban Quản lý dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo của tỉnh, xây dựng hệ thống cung cấp nước sinh hoạt và xử lý vệ sinh môi trường tại khu tái định cư. Chúng tôi đang hỗ trợ trồng gần 8.000 cây dổi ghép lấy hạt để giúp bà con bản Sắt phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững”, bà Hân nói.

Ai cũng kỳ vọng rồi đây bản Sắt sẽ vươn lên, trở thành một bản kiểu mẫu trong xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế ở vùng biên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.