Dùng bằng THPT giả học đại học và làm việc, lỗ hổng từ đâu ?

04/10/2021 07:07 GMT+7

Câu chuyện các giáo viên mầm non và tiểu học ở H.Cư Kuin (Đắk Lắk) dùng bằng tốt nghiệp THPT giả để đi học đại học và giảng dạy vừa qua cho thấy đây là vấn nạn có thật đang tồn tại trong hệ thống giáo dục.

Cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Đăk Lăk, đang trong quá trình xác minh bằng giả tốt nghiệp THPT trong vụ việc vừa qua

công an cung cấp

Dùng bằng giả để… dạy học

Ngày 26.9, thông tin từ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết đơn vị này vừa phát hiện 20 trường hợp sử dụng bằng giả và bằng không hợp lệ tại một số trường học, cơ quan ở H.Cư Kuin. Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Đắk Lắk đã mời những người này lên làm việc và họ đã thừa nhận hành vi sử dụng bằng giả. Theo đó, tất cả những trường hợp này đều chưa có bằng tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, vì muốn có một việc làm với thu nhập ổn định, nhiều năm trước, những người này đã nhờ người làm giả bằng tốt nghiệp THPT. Sau đó, nộp hồ sơ học lên hệ cao hơn rồi lấy bằng để đi xin việc làm.

Ngày 1.10, xác nhận với PV Thanh Niên, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, cho biết hiện tại đã xác minh cụ thể về vụ việc này. Qua thông tin từ Phòng An ninh chính trị nội bộ, trong 20 trường hợp này có 13 trường hợp đang làm việc tại các trường học ở H.Cư Kuin. Tuy nhiên, trong số này có 7 trường hợp là giáo viên mầm non và tiểu học, còn lại là bảo vệ và nhân viên y tế.

Theo thông tin từ ông Võ Tấn Huy, Chủ tịch UBND H.Cư Kuin, nơi này đã ban hành quyết định, chỉ đạo thực hiện các bước quy trình xử lý kỷ luật đối với những trường hợp sai phạm trên. Với các giáo viên, mức kỷ luật cụ thể là buộc thôi việc đối với 5 trường hợp, chấm dứt hợp đồng lao động đối với 2 trường hợp. Riêng 2 trường hợp nhân viên bảo vệ hợp đồng tại trường học, UBND huyện đã giao hiệu trưởng đơn vị xử lý theo thẩm quyền.

Trường ĐH gửi về Sở GD-ĐT địa phương xác minh

Sự việc này cho thấy vấn nạn dùng bằng tốt nghiệp THPT giả để đi học đại học (ĐH) và làm việc là có thật và đang tồn tại ở nhiều địa phương. Nếu quy trình kiểm soát không chặt chẽ thì rất dễ “lọt sổ” những trường hợp tương tự.

Theo các trường đại học, quy trình của trường là sẽ gửi hồ sơ về các sở GD-ĐT liên quan khi muốn xác minh bằng tốt nghiệp (ảnh minh họa)

đào ngọc thạch

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Loan, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết từ trước tới nay, Phòng Công tác sinh viên được giao nhiệm vụ xác minh bằng tốt nghiệp THPT của sinh viên khi nộp hồ sơ nhập học hoặc trước khi cấp bằng tốt nghiệp ĐH. Tuy nhiên, quy trình của trường là sẽ gửi hồ sơ để các sở GD-ĐT liên quan đề nghị xác minh thông tin và trả lời.

Tiến sĩ Loan cho biết trong nhiều năm liền, qua quy trình xác minh này, cũng có nhiều trường hợp bị phát hiện sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả mạo. Đa số vụ việc tương tự xảy ra ở hệ vừa làm vừa học, đối với những người đang làm việc muốn học lên cao hơn. Chưa phát hiện đối tượng sinh viên hệ chính quy nào nộp bằng tốt nghiệp THPT giả vì thông thường các sinh viên này vừa tốt nghiệp THPT là đăng ký xét tuyển ĐH.

“Các vụ việc phát hiện người học sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả không có nhiều nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Thông thường sinh viên sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả sẽ bị buộc thôi học, không được công nhận quá trình học tập”, tiến sĩ Loan cho biết.

Tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng nhà trường, việc xác minh bằng tốt nghiệp THPT không phải trách nhiệm của trường mà trường sẽ gửi đề nghị đến địa phương để chứng thực từ sổ gốc.

Địa phương không phản hồi, khó kiểm tra thật - giả

Theo các trường ĐH, “lỗ hổng” bằng tốt nghiệp THPT giả nhưng bằng ĐH, CĐ thật trong các trường hợp như vừa qua tại Đắk Lắk liên quan đến việc xác minh bằng tốt nghiệp THPT từ các Sở GD-ĐT. Đa số trường hợp nằm ở hệ vừa làm vừa học và đây là vấn đề từng gây ra khó khăn cho nhiều trường ĐH.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Loan, khi gửi đề nghị về các tỉnh xác minh bằng tốt nghiệp THPT, không phải bao giờ cũng nhận được hồi đáp. Đa số các tỉnh có phản hồi xác nhận thật - giả nhưng cũng có những tỉnh không phản hồi. Lúc này, về nguyên tắc, bằng tốt nghiệp THPT của sinh viên đó xem như hợp lệ và trường ĐH buộc phải thông qua. Vì trường ĐH không thể xác minh được hồ sơ gốc tốt nghiệp THPT của sinh viên.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng cho biết có thể “lỗ hổng” xảy ra một khi trường ĐH không nhận được phản hồi từ địa phương đề nghị xác minh bằng cấp.

Một lãnh đạo phòng đào tạo của Trường ĐH Sài Gòn cho biết trường chia hệ đào tạo vừa làm vừa học làm hai hình thức. Một hình thức là liên thông và một hình thức toàn phần. Quy trình xác minh hồ sơ trúng tuyển rất chặt chẽ. Trường sẽ xác minh bằng CĐ với hệ liên thông và bằng tốt nghiệp THPT đối với hệ vừa làm vừa học khi sinh viên trúng tuyển. Đa số đều nhận được hợp tác tốt, phản hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, đôi khi một số đơn vị không phản hồi hoặc phản hồi rất lâu, qua thời hạn nhập học nên trường vẫn phải công bố trúng tuyển đối với các thí sinh này.

Nên số hóa dữ liệu

Để giải quyết tận gốc vấn đề này thì giải pháp nằm ở các Sở GD-ĐT và cần làm bằng công nghệ để dễ dàng cho trường ĐH. Các sở chỉ cần thống kê, số hoá và đưa dữ liệu của học sinh tốt nghiệp THPT các năm lên website thì các trường ĐH sẽ dễ dàng tìm kiếm thông tin khi cần phải xác minh văn bằng.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung cũng cho rằng hồ sơ bằng cấp tốt nghiệp THPT sinh viên nộp cho các trường ĐH hiện nay đều chỉ là bản sao công chứng, vẫn có thể có “lỗ hổng". Dữ liệu tốt nghiệp được các Sở GD-ĐT đưa lên website sẽ giúp cho các trường ĐH bớt đi rất nhiều khó khăn trong việc xác minh bằng cấp khi xét trúng tuyển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.