Đừng bảo thủ

13/03/2020 04:22 GMT+7

Trong giáo dục phổ thông, các nhà hoạch định chính sách giáo dục vẫn bảo thủ chỉ thừa nhận phương thức tổ chức dạy học truyền thống, làm ngơ việc dạy và học trực tuyến .

Diễn biến dịch Covid-19 phức tạp khiến Bộ GD-ĐT phải điều chỉnh khung thời gian năm học, các địa phương kéo dài thời gian nghỉ học, khiến nhu cầu học tại nhà, học trực tuyến xuất hiện, đồng thời cũng nở rộ việc dạy - học trực tuyến.
Nhưng việc này mạnh ai nấy làm, khiến các phụ huynh hoang mang như lạc vào ma trận. Còn Bộ GD-ĐT vẫn “dửng dưng” với cái lý “chưa có quy định nào cho phép việc dạy học chính khóa ở bậc phổ thông bằng cách trực tuyến, nên chắc chắn sẽ không có hướng dẫn nào về nội dung này” (báo Thanh Niên, số ra ngày 15.2).
Điều này chứng tỏ các nhà hoạch định chính sách giáo dục ở Việt Nam tránh phải làm những việc mà họ thấy là quá khó. Đơn cử như làm ngơ trước các ý kiến về việc công nhận giáo dục trực tuyến... với giáo dục phổ thông hiện nay, khi gần 20 triệu học sinh đã nghỉ học hơn một tháng qua và chưa biết sẽ còn nghỉ đến bao giờ.
Quá sốt ruột trước việc này, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã gửi Thủ tướng Chính phủ văn bản kiến nghị Thủ tướng chỉ thị cho Bộ GD-ĐT chủ trì việc lên kế hoạch dạy trực tuyến (qua truyền hình) đại trà cho học sinh phổ thông.
Văn phòng Chính phủ đã chuyển kiến nghị này tới Bộ GD-ĐT, và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mới phát lệnh cho các cục, vụ chức năng nghiên cứu, xem xét... Nhưng nghiên cứu, xem xét đến bao giờ thì Bộ GD-ĐT chưa có hứa hẹn nào.
Vẫn biết quản lý chất lượng giáo dục tại nhà, giáo dục từ xa (bao gồm cả phương thức giáo dục trực tuyến) là một thách thức, nan giải nhất là tìm ra bộ công cụ để quản lý, đánh giá. Nhưng đây là phương thức không hề mới, ít nhất là với thế giới, thậm chí là ngay cả với hệ thống GD-ĐT trong nước. Đơn cử, với bậc đại học, giáo dục từ xa là một hình thức hợp pháp, văn bằng giáo dục từ xa được pháp luật công nhận. Thậm chí, với luật Giáo dục đại học mới được sửa đổi, bổ sung, trên văn bằng đại học sẽ không còn dấu hiệu để cho giáo dục từ xa bị “kỳ thị”.
Trong giáo dục phổ thông, các nhà hoạch định chính sách giáo dục vẫn bảo thủ chỉ thừa nhận phương thức tổ chức dạy học truyền thống, làm ngơ việc dạy và học trực tuyến. Như thế, không ai dám đòi hỏi dạy học tại gia, giáo dục từ xa…
Cần nói thêm, trong thời gian qua, nếu được thừa nhận thì cả ngành giáo dục không phải lúng túng như hiện nay khi học sinh không thể đến trường vì dịch Covid-19, kéo theo khung thời gian năm học buộc phải điều chỉnh, kỳ thi THPT quốc gia buộc phải lùi theo.
Bộ GD-ĐT nên đón nhận việc dạy và học trực tuyến như là những “làn gió mới, tuy nhỏ nhưng mát mẻ, về tinh thần chủ động và tự do mà hình thức giáo dục này mang lại”, như TS Giáp Văn Dương, một chuyên gia về giáo dục, bày tỏ trong một bài viết trên Báo Thanh Niên ngày 17.2.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.