Đừng biến của công thành... của ông !

04/01/2017 06:23 GMT+7

Việc xã hội hóa một số dịch vụ ở bệnh viện công có dấu hiệu đang bị lợi dụng biến thành lợi ích nhóm.

Ngân sách công không đủ đáp ứng cho hoạt động của các bệnh viện (BV) công, nhà nước cho phép các BV thực hiện xã hội hóa (XHH), tức kêu gọi nhà đầu tư vốn từ bên ngoài vào BV công để mua sắm trang thiết bị phục vụ người bệnh hoặc làm một số dịch vụ XHH khác như: bãi xe, căn tin, khám - mổ ngoài giờ…
Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích cho người bệnh thì cũng có dấu hiệu “lợi ích nhóm”, biến của công thành “của ông”. Nhờ giá trị cơ sở vật chất, thương hiệu BV của nhà nước mà một số người lạm dụng XHH được lợi, còn bệnh nhân thì bị móc túi.
Đặt máy giá 13 tỉ, bán sản phẩm phụ trợ 110 tỉ đồng
Một BV tuyến T.Ư (ở TP.HCM) vừa được một công ty lớn đặt máy xét nghiệm hiện đại trị giá 77 tỉ đồng, tốc độ băng chuyền mẫu đạt 3.600 mẫu/giờ. Tuy nhiên, để chạy xét nghiệm, BV phải mua hóa chất xét nghiệm “đồng bộ” của công ty lắp đặt máy. Thực trạng này diễn ra ở hầu hết các BV, công ty cho “mượn” máy xét nghiệm, BV thì phải mua hóa chất của công ty, nên giá xét nghiệm mỗi nơi mỗi kiểu. Ví dụ như xét nghiệm công thức máu, BV Nhân dân 115 (TP.HCM) giá 40.000 đồng, Viện Pasteur TP.HCM giá 60.000 đồng…
Tới đây, Bộ Y tế sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định về thực hiện xã hội hóa, tăng tính minh bạch tài chính cùng với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hơn nữa để hạn chế những tồn tại này
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến
Ở BV Mắt TP.HCM, có một thời gian đặt máy mổ phaco trị giá hơn 13 tỉ đồng và BV ký cam kết mua các sản phẩm sử dụng trong mổ mắt của công ty đặt máy trị giá lên đến gần 110 tỉ đồng. Thời gian hợp đồng là 60 tháng. Điều này là bất hợp lý, bởi các sản phẩm vào BV là phải đấu thầu nhưng BV đã tự ý làm hợp đồng 60 tháng như kiểu thông thầu trước… Tại BV Tai - Mũi - Họng TP.HCM, việc liên kết máy CT scanner 16 lát cắt, dù hết thời gian khấu hao máy cho đối tác (công nhân viên góp tiền mua máy), nhưng BV vẫn phân chia tỷ lệ lợi nhuận sau thuế như cũ (BV 30%, đối tác 70%). Kiểu ăn chia có lợi cho nhà đầu tư này (thực chất là thuộc về một nhóm lợi ích) trước đây cũng từng xảy ra ở BV Bình Dân (TP.HCM). Rồi máy siêu âm màu, như BV Ung bướu TP.HCM sau nhiều lần đề xuất ngân sách mua nhưng chưa được thì BV xin chủ trương XHH. Khi bệnh nhân bảo hiểm y tế bị “kẹt” siêu âm, phải chờ lâu tại BV này, buộc phải xài máy siêu âm XHH ngoài giờ. Bệnh nhân có cảm giác bị “ép” xài dịch vụ.
Ngoài ra, còn có các loại dịch vụ khác như về dịch vụ phòng ốc cũng “nhảy múa” giá. Như ở BV đại học Y Dược (TP.HCM), giá từ 180.000 -1,8 triệu đồng/giường/ngày; BV Từ Dũ giá từ 50.000 - 2 triệu đồng giường/ngày.
Giá giữ xe của rất nhiều BV do lực lượng TNXP đấu thầu rất ổn định, từ 3.000 - 4.000 đồng/chiếc, tùy loại xe. Nhưng ở các BV cho tư nhân đấu thầu thì giá cao hơn, từ 4.000 - 5.000 đồng/chiếc.
38% máy móc không có đề án
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN (thời điểm cuối 2015), trong số hơn 2.000 máy móc XHH ở các BV trên cả nước thì 38% số máy móc được triển khai mà không có đề án được phê duyệt, tự lắp; trong số các máy thuê, mượn đặt trong BV thì trên 60% không có đề án, các BV cứ tự lắp đặt rồi gửi thông báo để BHXH thanh toán. Thống kê của cơ quan bảo hiểm cho thấy có tới 80% XHH tập trung vào liên kết đặt máy xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh.
Theo Thông tư số 15/2007/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập, các cơ sở khám, chữa bệnh phải xây dựng đề án liên doanh, liên kết trong việc lắp đặt máy móc, thiết bị từ nguồn vốn XHH. Tuy nhiên, kết quả giám định của BHXH trong 6 tháng của năm 2016 cho thấy, một số cơ sở khám chữa bệnh khi liên kết lắp đặt máy móc, thiết bị không xây dựng đề án theo quy định; một số cơ sở còn ký hợp đồng mượn máy của các công ty trúng thầu hóa chất, vật tư y tế, trong đó có nhiều ràng buộc như cam kết sử dụng tối thiểu số lượng vật tư y tế, hóa chất trong kỳ…
Đủ kiểu lấy tiền
Theo Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), thống kê đến tháng 12.2016 cho thấy, số giường dịch vụ chiếm khoảng 5% tổng giường thực tế và bằng khoảng 6% tổng số giường kế hoạch. Tỷ lệ này tại BV tuyến T.Ư cao hơn gần 2 lần, chiếm khoảng 10 - 11%.
Đánh giá về thực tế này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng một số BV ngoài khám chữa bệnh thông thường, còn huy động vốn, vay vốn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư để tổ chức các khoa, phòng bệnh theo yêu cầu với điều kiện phục vụ và chất lượng chăm sóc cao hơn. Trong đó, các giường bệnh dịch vụ (được kê thêm bằng cách thu gọn khu hành chính, khu vực của nhân viên) nằm ngoài số giường theo kế hoạch được giao.
“Tuy nhiên, khi triển khai giường dịch vụ, một số BV bố trí không hợp lý, kê ngay trong khu vực khám chữa bệnh thông thường nên người dân bức xúc và thiếu thiện cảm; có cảm giác bị phân biệt đối xử. Vì vậy, Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đang chỉ đạo các BV có tổ chức khám chữa bệnh theo yêu cầu phải vay vốn, huy động vốn, liên kết hợp tác đầu tư thành khu vực riêng”, bà Tiến khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Kim Tiến, nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng, chi phí ngày càng lớn, nhà nước không thể bao cấp được nên phải thực hiện XHH. Nguồn XHH chiếm tỷ trọng lớn và quan trọng nhất là BHYT, ngoài ra từ vay vốn ngân hàng; thực hiện liên doanh, liên kết hợp tác đầu tư; nguồn vốn của tư nhân trong các dự án đầu tư... XHH để cung cấp dịch vụ y tế trong BV công thời gian qua đã giúp đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng đa dạng của người dân, nhất là các đối tượng có khả năng chi trả, hạn chế người bệnh phải đi khám chữa bệnh ở nước ngoài. Người dân, trong đó có cả người nghèo, cận nghèo, trẻ em, đối tượng chính sách xã hội cũng được hưởng lợi vì được sử dụng các dịch vụ này, kể cả dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn được BHYT thanh toán.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, một số tồn tại trong XHH đó là: lợi ích nhóm; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cao chưa tương xứng với năng lực, trình độ chuyên môn, nhu cầu khám chữa bệnh, nhất là một số trang thiết bị chẩn đoán, kỹ thuật cao; thiếu sự phối hợp, công nhận kết quả lẫn nhau giữa các BV.
“Tới đây, Bộ Y tế sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định về thực hiện XHH, tăng tính minh bạch tài chính cùng với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hơn nữa để hạn chế những tồn tại này”, bà Kim Tiến cam kết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.