TNO

Dừng chân ở vĩ tuyến 17

05/05/2014 00:00 GMT+7

(iHay) Cầu Hiền Lương được sơn hai màu, nửa xanh nửa vàng, nhằm gợi nhớ về thời kỳ đất nước bị chia cắt.

(iHay) Dọc đường thiên lý Bắc – Nam, không phải du khách nào cũng dành chút thời gian hiếm hoi để ghé thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải (Quảng Trị). Cách đây gần 40 năm, dòng sông Bến Hải trùng với vĩ tuyến 17 trên bản đồ từng là đường giới tuyến phân chia hai miền Nam – Bắc.

>> Đến Phó Bảng tìm về quá khứ

Đua thuyền mừng ngày hội non sông thống nhất
Đua thuyền mừng ngày hội non sông thống nhất
 

Những ngày này, đi dọc Quốc lộ 1A ngang qua huyện Vĩnh Linh, có thể nhìn thấy cây cầu Hiền Lương huyền thoại rực rỡ hai màu xanh vàng, cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay trong gió. Cách cây cầu không xa là kỳ đài, nhà liên hiệp và khu trưng bày vĩ tuyến 17 – khát vọng thống nhất. Chỉ cần một lần ghé thăm, nhìn thấy, nghe kể, bao trang sử đau thương nhưng hào hùng của dân tộc bất chợt ùa về qua dòng tâm trí của lữ khách phương xa.

Cuối tháng 3 năm nay, cầu Hiền Lương được sơn lên hai màu, nửa xanh nửa vàng, nhằm gợi nhớ về thời kỳ đất nước bị chia cắt làm hai miền, hai chế độ. Trải qua bao biến thiên dâu bể của thời gian, những thanh gỗ làm bề mặt cầu đã in hằn dấu ấn của mưa nắng, bão lũ, thiên tai miền Trung đầy khắc nghiệt. Đứng trên cầu, gió lộng từ dưới dòng Bến Hải thổi vào người mát rượi.

Phía xa xa là những rặng tre làng cao vút đu đưa, con đường làng ngoằn ngèo, những bãi bồi, cánh đồng lúa trải màu xanh thanh bình, yên ả. Nhưng vẫn còn đó những mái nhà nghèo đơn sơ, im lìm bên bờ sông nước như vốn dĩ mấy chục năm lịch sử đã trôi qua.

Đứng ở bờ nam giới tuyến nhìn sang, cờ Tổ quốc ở kỳ đài phấp phới trong gió nhẹ, dàn loa phát thanh cũ kỹ vẫn sừng sững hướng qua sông. Đứng ở bờ bắc nhìn qua, những chòi canh đen ngòm như ẩn chứa nhiều họng súng chết chóc và con đường Quốc lộ 1 chạy thẳng một mạch vào Nam.

 Lô cốt theo dõi đặt ở bờ Nam
Lô cốt theo dõi đặt ở bờ nam

Dàn loa bên bờ bắc
Dàn loa bên bờ bắc

Trước khu trưng bày vĩ tuyến 17 là hai chiếc loa lớn, từng được nhân dân ở bờ bắc giới tuyến dùng nó để phát thanh tuyên truyền, kêu gọi quần chúng đấu tranh cách mạng, công tác địch vận.

Tham quan khu trưng bày, du khách trong và ngoài nước đều bàng hoàng tột cùng trước sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh, mà Vĩnh Linh là tuyến lửa hứng chịu vô vàn bom đạn của quân thù.

Một nữ du khách người Mỹ dẫn theo con nhỏ đứng trước những bức ảnh chụp cảnh các em bé Việt Nam bị bom đạn làm cháy bỏng da thịt. Bà vội đưa tay gạt nhanh dòng nước mắt đang chảy tràn rồi nói : “Chiến tranh mang lại sự tàn khốc không thể tưởng tượng nổi, chúng ta đều căm ghét chiến tranh và không ai muốn chúng gây hại điều gì với con nhỏ của mình”.

 Dừng chân ở vĩ tuyến 17

Dừng chân ở vĩ tuyến 17

Dừng chân ở vĩ tuyến 17
Bức tượng người mẹ vá cờ

Bom đạn, cái chết, sự chiến đấu kiên cường của nhân dân, cảnh đẹp làng quê đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, nỗi đau chia cắt đất nước, khát vọng hòa bình, thống nhất lãnh thổ. Tất cả đều biểu hiện sinh động qua bức ảnh, hiện vật, kỷ vật, bức tượng đá hay thậm chí chỉ là một chiếc khăn quàng của bà má miền Nam.

Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải ghi lại trang sử dân tộc nhiều đau thương nay đã khép lại để cùng nhau hướng tới tương lai rực rỡ như hai màu vàng xanh của cây cầu huyền thoại.

Thanh Tuấn

>> Tìm về “cánh đồng bất tận”
>> Tìm về một thoáng Tiêu Sơn cổ tự

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.