Giống như bất kỳ vụ cháy nào, nguyên nhân các vụ cháy quán karaoke thường được xác định rất nhanh (do chập điện, do sửa chữa hàn xì gây cháy…). Nhưng tại sao các vụ cháy quán karaoke lại xảy ra nhiều, hậu quả thường thảm khốc, công tác chữa cháy thường rất khó khăn, hiệu quả thấp, thì lại không có câu trả lời nhanh như thế.
Đơn cử, nếu tính từ vụ cháy quán karaoke rúng động làm 13 người chết tại Hà Nội năm 2016 đến vụ cháy tháng 8 năm nay, Hà Nội đã mất 6 năm để thực hiện cái lệnh “kiểm tra toàn diện các quán karaoke trên địa bàn” mà không có được bất kỳ một báo cáo hay kiến nghị chính sách nào mang tính triệt để khắc phục tình trạng “dễ cháy, khó cứu” của dịch vụ kinh doanh karaoke.
Nói tóm lại, kết thúc của các vụ cháy quán karaoke cho đến nay vẫn chỉ “cháy là do lửa”, bất cẩn thì cháy, không may thì cháy. Dư luận sẽ xót xa, sẽ bàn luận, sẽ lên án…nhưng rồi cũng sẽ qua nhanh và cuộc sống vẫn tiếp diễn, giống như chưa từng có hàng chục sinh mệnh con người đã mãi mãi ra đi.
Karaoke đang là ngành kinh doanh khá “hot” tại VN, đây là loại kinh doanh có điều kiện, ngoài việc đăng ký kinh doanh còn phải có thêm giấy phép khác. Nhưng coi lại các văn bản về điều kiện kinh doanh karaoke và trải nghiệm thực tế của người viết tại các quán karaoke từng tới mới thật sự giật mình. Về mặt cảm quan các phòng karaoke hầu hết không đủ điều kiện cả về diện tích, yêu cầu về cửa kính, chốt cửa, lối thoát hiểm, âm thanh vang ra ngoài… Thậm chí, ngay cả về địa điểm, các quán karaoke hầu như không đảm bảo về khoảng cách trong khu dân cư (chứ chưa dám bàn về “quy hoạch karaoke được cấp có thẩm quyền phê duyệt”).
Nhưng không hiểu bằng cách thần kỳ nào, rất nhiều quán karaoke cứ gắn biển là… đón khách. Đã có nhiều trường hợp khi sự cố cháy nổ xảy ra thì cơ quan chức năng mới phát hiện quán karaoke hoạt động không phép.
Cháy đương nhiên là do… lửa, nhưng lửa từ đâu thì lại chính là do con người. Cháy quán karaoke lặp đi lặp lại, làm nhiều người chết như vừa qua thì không được phép xem là do khách quan. Nếu chính quyền các địa phương không nghiêm túc xem xét lại toàn bộ việc áp dụng các quy định pháp luật trong việc cấp phép (điều kiện) và việc vận hành (kiểm tra giám sát) đối với loại hình kinh doanh đặc biệt như karaoke thì việc cháy các quán karaoke đích thị sẽ là do sự vô cảm, sự thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý mà ra.
Cần phải rà soát đánh giá, các vụ cháy nói riêng và thị trường dịch vụ karaoke nói chung liệu đang có việc buông lỏng từ khâu cấp phép (bỏ qua các điều kiện nguy cơ), thiếu trách nhiệm trong giám sát hoạt động hay không? Nếu có thì phải khởi tố hình sự chứ đừng chấp nhận mãi việc cháy là do… lửa.
Bình luận (0)