Sẽ có không ít người đề xuất cấm sử dụng ChatGPT. Cũng giống như trước đây, người ta muốn cấm dùng internet đối với bất kỳ hoạt động học nào. Lý do của họ là học sinh không chịu tư duy, không chịu nhớ, không chịu lắng nghe... Có vẻ như thế, rất có lý, nếu học sinh chỉ học để trả lời những câu hỏi kiểu "phải nhớ".
Nhưng trong vòng 20 năm qua, chúng ta đều biết, có cấm cũng không được. Internet có mặt trong đời sống của hơn nửa dân số, còn giới trẻ từ 15-20 tuổi chắc sẽ chẳng còn em nào mà không tiếp xúc với internet.
Ở thành thị, chúng ta dễ nhận thấy hiện tượng thanh thiếu niên thường xuyên "cắm mặt vào điện thoại", ít nhất 2 giờ/ngày. Các em thường xuyên hỏi nhau, giao lưu và kể cả tham gia khóa học trực tuyến (online) tự động hoặc có người hướng dẫn.
Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm công nhận học tập trực tuyến, khuyến khích học tập kết hợp. Như vậy, về mặt pháp lý, các công cụ công nghệ như ChatGPT được phép dùng trong dạy và học trong khuôn khổ quy định để đảm bảo chức năng và chất lượng giáo dục.
Quan trọng nhất là người dùng các công cụ công nghệ (bao gồm học sinh, giáo viên, nhà quản lý giáo dục) phải đạt được năng lực số nhất định để đảm bảo triển khai an toàn, hiệu quả, sáng tạo.
Nhà trường phải đưa ra quy định và hướng dẫn cụ thể học sinh có thể dùng ChatGPT trong hoạt động học tập nào, kể cả trong lúc làm bài kiểm tra với những câu hỏi ở mức độ cụ thể hay chỉ được dùng như là công cụ hỗ trợ... Bên cạnh đó, trong các đánh giá thường xuyên, ứng với điều kiện này thì sẽ có bao nhiêu đánh giá, bao nhiêu hoạt động được sử dụng công nghệ, như thế nào và bằng cách nào.
Tất cả quy định về việc sử dụng các công cụ công nghệ như ChatGPT phải nhận được đồng thuận của cả 3 bên: người dạy, người học và cơ quan quản lý giáo dục nhằm đảm bảo chất lượng, công bằng và minh bạch.
Bạn đọc có thể gửi bài viết, ý kiến về địa chỉ [email protected]. Những bài, ý kiến chọn đăng sẽ nhận được nhuận bút theo quy định. Cảm ơn bạn đọc tham gia diễn đàn.
Bình luận (0)