Đừng chỉ đổ lỗi

11/06/2020 04:23 GMT+7

Nếu chúng ta không thay đổi cách dạy trẻ nặng về kiến thức nhẹ về kỹ năng (điều chỉnh, kiềm chế nhu cầu...) thì rất khó trách, sao trẻ lại có xu hướng tiếp nhận cái xấu, cái lệch chuẩn hơn là cái tốt, cái tích cực.

Sau các “thần tượng” Khá “bảnh”, Huấn “hoa hồng”, Phúc XO vừa bị gỡ bỏ, “băng nhóm áo cam” quậy phá quán ốc ở Q.Bình Tân, TP.HCM lại gióng lên hồi chuông báo động về một xu hướng lạ của loại tội phạm có tổ chức: tập hợp đông người, chọn màu áo, chọn vũ khí, ngang nhiên giễu võ giương oai giữa khu dân cư đông đúc như ở chốn không người.
Các hình ảnh phát tán cho thấy mức độ hung hãn của băng nhóm này. Nó rất giống hành vi của nhiều băng nhóm xã hội đen trong các thể loại phim gangster.

Công an nói về băng nhóm áo cam 200 người đâm chém loạn xạ ở quán ốc?

Hẳn nhiên các hành vi vi phạm pháp luật sẽ đều phải được xử lý đích đáng, nghiêm minh. Nhưng thiết nghĩ, các hành vi lệch chuẩn, các hoạt động tội phạm đều nên được nghiên cứu dưới góc độ xã hội học để nhằm đưa ra những kiến giải thỏa đáng có bất kỳ hiện tượng xã hội mới nào.
Các con số về tình trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa đã được công bố, cùng với đó là mức độ manh động và tàn nhẫn của hành vi. Nhưng các điều tra xã hội học về tâm lý tội phạm để chỉ ra nguyên nhân căn cốt thì có vẻ chưa được quan tâm đúng mức.
Các nguyên nhân thường được đề cập như xã hội ngày càng phát triển, trẻ em được tiếp xúc với công nghệ thông qua mạng xã hội, phần mềm game online từ rất sớm, khiến trẻ có những biến đổi nghiêm trọng về tâm sinh lý, trẻ dễ bị tác động và bắt chước từ mạng xã hội ra đời thực.
Nhưng câu hỏi là, trên mạng xã hội, phim ảnh có cả cái tốt và cả cái xấu (đó chính là cuộc sống), tại sao thanh thiếu niên không lựa chọn cái tốt, cái hay để định hướng mà lựa chọn xu hướng lệch chuẩn, gây rối xã hội? Điều này rất cần được các cơ quan chức năng nghiên cứu và đưa ra câu trả lời nghiêm túc.
Chúng tôi cho rằng, xã hội đã biến đổi, việc tiếp cận công nghệ hiện đại do đó đã dễ dàng hơn, cho nên tội phạm, đặc biệt là tội phạm trẻ gia tăng có nguyên nhân từ chính sức đề kháng với cái xấu của các bạn trẻ.
Nhưng cũng chính vì vậy đòi hỏi cách giáo dục giá trị sống, trang bị kỹ năng sống cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ từ nhà trường, gia đình và xã hội cũng phải thay đổi.
Nếu chúng ta không thay đổi cách dạy trẻ nặng về kiến thức nhẹ về kỹ năng (điều chỉnh, kiềm chế nhu cầu, hứng thú, cảm xúc tiêu cực...) thì rất khó trách, sao trẻ lại có xu hướng tiếp nhận cái xấu, cái lệch chuẩn hơn là cái tốt, cái tích cực. Đừng chỉ đổ lỗi cho trẻ.
Cũng đã đến lúc chúng ta cần xem lại hiệu quả gắn kết của “tam giác”: gia đình - nhà trường - xã hội, chỉ khi các em nắm được pháp luật, nhận thức được tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội và hậu quả hành vi phạm tội thì sẽ hạn chế được việc vi phạm pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.