Trả lời tại buổi lễ khánh thành tòa nhà Bitexco tower (TP.HCM) về điều hài lòng nhất khi thi công công trình này, ông chủ dự án cho biết:
“Đó là hàng ngàn công nhân làm việc mỗi ngày trên công trường trong suốt 60 tháng, mà không xảy ra tai nạn lao động”.
Đáng tiếc, không có nhiều ông chủ (đầu tư cũng như nhà thầu) quan tâm nghiêm túc và thực tâm như vậy về an toàn lao động - đây cũng chính là tính mạng con người - bởi lý do tiết kiệm chi phí. Thế nên cũng dễ hiểu khi các vụ tai nạn lao động ngày càng gia tăng, cùng với tốc độ xây dựng và đô thị hóa. Hơn 7.000 vụ tai nạn lao động mỗi năm (54,1% liên quan đến lĩnh vực xây dựng), với khoảng 600 người chết và hàng nghìn người mang thương tật không phải là chuyện chơi, đặc biệt khi mà nguyên nhân chỉ là sự cẩu thả, xem nhẹ an toàn lao động tại các công trường xây dựng của nhiều đơn vị chủ đầu tư.
Các chủ sử dụng lao động, để bảo đảm năng suất lao động cao, tiết kiệm chi phí tối đa và thu lợi nhuận cao, họ thường không chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật lao động về an toàn lao động, không mua sắm các trang thiết bị bảo hộ cho người lao động; không có bộ máy giám sát người lao động tuân thủ các quy định về bảo hộ lao động... Trong khi người lao động, vì mưu sinh nên không ý thức được việc tự bảo đảm an toàn lao động cho mình. Đến khi tai nạn xảy ra thì chính người lao động và gia đình họ phải gánh chịu hậu quả, nặng thì mất mạng, còn nhẹ thì mang thương tật suốt đời hoặc suy giảm sức khỏe lao động.
Nhưng suy cho cùng, mất an toàn lao động thuộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Hầu hết các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng gần đây (sập giàn giáo liên tiếp ở Hà Tĩnh, rơi cần cẩu ở Hải Phòng, Hà Nội...) cho thấy, đều là sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng. Những công trình xây dựng thường phải có sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, của cán bộ chuyên trách về an toàn lao động, nhưng chỉ khi tai nạn xảy ra mới thấy họ xuất hiện và yêu cầu... báo cáo. Nếu sau vụ sập giàn giáo làm 13 người chết và nhiều người bị thương ở KCN Formosa được các cơ quan chính quyền coi là bài học đắt giá và xử lý rốt ráo, giám sát nghiêm ngặt thì có lẽ đã không xảy ra vụ sập tương tự ở Hương Sơn ngày 9.12.2015, tiếp tục làm 2 người chết, 6 người bị thương.
Xử lý trong các vụ tai nạn lao động thường là xử phạt hành chính qua loa, và chưa từng bao giờ gọi tên trách nhiệm của cơ quan quản lý. Đến như vụ sập cần cẩu vừa mới kiểm định xong, gây chết người ở Hải Phòng cũng không có cơ quan nào phải chịu trách nhiệm. An toàn lao động, xin các cơ quan chức năng thực sự vào cuộc vì tính mạng con người, đừng chỉ biết “gióng chuông”.
Bình luận (0)