Đừng chủ quan khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn!

11/05/2021 21:27 GMT+7

Người bệnh sau khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn thường chỉ đau nhức, vẫn tỉnh táo nên chủ quan. Tuy nhiên, sau khoảng 6 đến 12 giờ, vết thương bắt đầu sưng, phù nề, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Nam bệnh nhân 45 tuổi, ở Trảng Bàng, Tây Ninh, đang đi cắt cỏ ngoài vườn thì bị rắn cắn, cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Tây Ninh.
Ngày 11.5, bác sĩ Nguyễn Xuân Vĩnh Phúc, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Tây Ninh, cho biết: Bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng tay phải bị sưng phù, bầm xung quanh vết cắn. Ngay lập tức, bệnh nhân được tiêm huyết thanh kháng nọc và được theo dõi rối loạn đông máu, rối loạn điện giải, tổn thương gan thận cấp.
Hiện tại tình trạng bệnh nhân đã ổn định, đang được theo dõi các chỉ số cũng như tình trạng vết thương rắn cắn.
Theo bác sĩ Phúc, bệnh nhân phục hồi tốt nhờ được đưa đến bệnh viện kịp thời, chỉ 1 giờ sau khi bị rắn cắn. Người bệnh sau khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn thường vết thương chỉ đau nhức, vẫn tỉnh táo nên chủ quan. Tuy nhiên, sau khoảng 6 đến 12 giờ, các nơi bị rắn cắn bắt đầu sưng, phù nề, nếu không được cấp cứu kịp thời thì người bệnh sẽ sớm bị rối loạn đông máu, xuất huyết nặng và có thể dẫn đến tử vong.
Rắn lục đuôi đỏ là loài rắn cực độc, mình xanh và đuôi có màu nâu đỏ. Hiện nay, miền Nam đang bước vào mùa mưa, theo bác sĩ Phúc, đây cũng là mùa của các loài rắn sinh sôi, phát triển nên số trường hợp nhập viện vì rắn cắn ngày càng nhiều.
Bác sĩ Phúc khuyến cáo, người dân cần phải thận trọng, nên thường xuyên phát quang bụi rậm, giữ vệ sinh nhà cửa, lu nước không cho rắn trú ngụ. Nếu bị rắn cắn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất tuyệt đối không đắp thuốc lên vết cắn hoặc rạch vết cắn để lấy nọc vì có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.