Chủ yếu xuất nông sản chưa có thương hiệu
Bà Trà My cho biết trong lần về nước này mang theo nhiều đơn hàng, trong đó có hai đơn 60.000 tấn mỗi năm, đơn nhỏ nhất 10.000 tấn, tổng số đơn hàng có khối lượng lên đến 150.000 tấn. "Thời gian qua, tôi đi thực tế ở các địa phương và nhận thấy một số người vẫn còn tư duy xem Trung Quốc là thị trường dễ tính. Hôm qua, tôi khảo sát một số cơ sở đóng gói sầu riêng ở Tiền Giang và thấy có sản phẩm không đủ chuẩn về chất lượng nhưng người ta vẫn đưa vào. Có vẻ họ vẫn còn thói quen 'nhét' cho đầy container. Tôi biết, thời điểm này sầu riêng nghịch vụ, nguồn hàng khan hiếm nhưng không nên làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến uy tín, hàng rất dễ bị trả về, thậm chí gây hậu quả lớn hơn nhiều. Thị trường Trung Quốc giờ cũng khó tính như Mỹ, EU vậy", bà My nói.
Bà My cũng lưu ý, chúng ta nên chủ động học cách nghiên cứu về việc bán tận nơi cho đối tác Trung Quốc, thông qua hình thức thương mại điện tử. Một điểm đáng lưu ý nữa là đa phần hàng xuất vào Trung Quốc chỉ là nông sản, thực phẩm chưa có thương hiệu. Đây là điều rất đáng tiếc bởi một trái sầu riêng của Việt Nam có giá chỉ 200.000 đồng nhưng hàng có thương hiệu của Malaysia lại tới cả trăm USD. "Chúng ta nên hướng tới sản phẩm có thương hiệu thay vì chỉ xuất hàng nguyên liệu đơn thuần như hiện nay", bà My khuyên.
Đối mặt với hàng Lào, Thái Lan
Các doanh nghiệp và chuyên gia đều có chung nhận định, năm 2023 ngành rau quả Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội ở tất cả các thị trường và đặc biệt thị trường Trung Quốc.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, nói: Thời gian qua, Bộ đã thực hiện triển khai truyền thông mạnh mẽ các quy định 248 và 249 về đăng ký doanh nghiệp xuất nhập khẩu sang Trung Quốc và quản lý an toàn thực phẩm. Đến nay, Hải quan Trung Quốc đã cấp 2.492 mã số doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo Lệnh 248. Bộ NN-PTNT cũng cấp trên 2.000 mã số vùng trồng và 1.438 mã số cơ sở đóng gói sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Bộ đã triển khai rất mạnh xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu.
Ông Nam tâm tư: "Cách đây 2 ngày Trung Quốc đã khai thông tuyến đường sắt với Lào và Thái Lan. Như vậy, thời gian vận chuyển hàng hóa, trong đó có các sản phẩm nông sản từ Thái Lan sang Trung Quốc sẽ giảm bớt 1 ngày. Cùng với đó, chi phí vận chuyển sẽ giảm trên 20%. Đây là vấn đề đặt ra cho chúng ta. Hàng hóa của các nước này sẽ trở nên rất cạnh tranh với Việt Nam. Nếu doanh nghiệp của chúng ta không cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm và giảm chi phí thì đây là thách thức trong vấn đề xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc".
Bình luận (0)