Dựng cờ phản chiến giữa nước Mỹ

30/04/2016 11:00 GMT+7

Ngay trong năm đầu tiên đặt chân đến nước Mỹ, ông Ngô Vĩnh Long đã làm dậy sóng xứ cờ hoa bằng hàng loạt nỗ lực chống chiến tranh, chỉ trích mạnh mẽ việc quân đội Mỹ đẩy mạnh chiến tranh tại VN.

Ngày 14.4.1965, chỉ hơn một tháng sau khi quân Mỹ chính thức đổ bộ vào Đà Nẵng, thì một sự kiện đã diễn ra gây rúng động Washington D.C. Đó là cuộc xuống đường của khoảng 25.000 người tại thủ đô của Mỹ để phản đối việc nước này triển khai quân đội tham chiến tại VN. Và ông Ngô Vĩnh Long chính là thành viên nhóm tổ chức cuộc biểu tình trên.
Một chiến thắng cho Việt Cộng
Giờ đây, sau hơn 51 năm kể từ khi sự kiện trên diễn ra, ông Long hồi tưởng lại với Thanh Niên: “Đó là một việc khó khăn vô cùng vì nước Mỹ rất rộng lớn. Nhưng đó là thành công lớn đầu tiên của cái gọi là phong trào chống chiến tranh ở Mỹ (the American anti-war movement)”.
Để có được thành công ấy, ngay từ năm 1964 khi đến Mỹ và trở thành sinh viên đại học người Việt đầu tiên tại Trường Harvard College lâu đời nhất của Đại học Harvard danh giá, ông đã không ngừng nỗ lực thực hiện chương trình phản chiến, lên án Washington can dự vào tình hình VN.
Ông kể: “Từ năm 1964, GS Noam Chomsky, tôi và một số nhân vật khác đã đi đến nhiều đại học Mỹ trình bày về vai trò của Mỹ ở VN và cảnh báo là Mỹ sẽ đưa quân vào VN. Sau này người ta gọi những buổi vận động này là phong trào "teach-in" (tức giảng ngay trong các đại học)”.
GS Chomsky không chỉ là nhà khoa học nổi tiếng, mà còn là nhà bình luận chính trị lừng danh nước Mỹ. Ông cũng chính là ngọn cờ đầu trên nhiều diễn đàn quốc tế, chỉ trích kịch liệt Mỹ tham chiến ở VN. Quả thực, những đóng góp của ông Ngô Vĩnh Long và GS Chomsky đã tạo nên một phong trào phản chiến mạnh mẽ tại Mỹ. Theo các tài liệu lịch sử, vào ngày 15.10.1965, một làn sóng biểu tình diễn ra tại hơn 20 thành phố của Mỹ với sự tham dự của 70.000 người nhằm phản đối chiến tranh VN.
Diễn biến này khiến chính trị gia đầy quyền lực của đảng Cộng hòa là Richard Nixon, người trở thành Tổng thống Mỹ vào năm 1969, đã viết một bức thư gửi đến tờ The New York Times cho rằng cuộc biểu tình là “một chiến thắng của Việt cộng”.
Ngược lại với những gì giới cầm quyền chỉ trích, các nỗ lực phản chiến ngày càng gây nhiều ảnh hưởng. Ngày 30.4.2005, Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) đã tổ chức một sự kiện để 2 giáo sư Ngô Vĩnh Long và Chomsky nói chuyện trước 2.000 người để kể về những ngày lịch sử trên.
Mục tiêu của FBI
Giữa thập niên 1960, ông Long dần nối kết các lực lượng sinh viên và được sự ủng hộ của nhiều thành phần trong xã hội Mỹ. Ông Long kể tiếp: “Đối với người VN ở nước Mỹ, tổ chức họ lại rất khó vì những năm cuối thập niên 1960 chỉ có chưa đầy 100 sinh viên ở Mỹ, mà phần lớn là “con ông cháu cha” (tức con của các quan chức VNCH - NV). Nhưng từ năm 1965 tôi đã tìm cách sáp nhập các nhóm sinh viên khác nhau tại Mỹ rồi”. Ông tạo ra sức ảnh hưởng lớn đến mức bản thân trở thành mục tiêu của Cục Điều tra liên bang (FBI) nước này. Những tài liệu giải mật của FBI về sau đã cho thấy điều đó.
Đến tháng 10.1967, hàng loạt cuộc biểu tình khác lại tiếp tục diễn ra khiến chính giới Mỹ rúng động. Vài ngày sau Tết Mậu Thân (1968), ông đã vận động được 62 người ký một kiến nghị đòi Mỹ rút quân khỏi VN. “Nhưng sau đó, vì áp lực, phần lớn đã rút tên vì sợ cho an ninh của gia đình ở miền Nam VN. Chúng tôi có đưa cả đoàn 16 người còn lại đến Washington D.C họp báo, gặp các thượng nghị sĩ, đi đến Nhà Trắng, đến Sứ quán của VNCH...”, ông chia sẻ và giới thiệu hình ảnh các bài báo mà những tờ báo hàng đầu nước Mỹ đăng tải về sự kiện tại Washington.
Cứ thế, ông Long không ngừng phát đi tiếng nói của mình. Ông kể với Thanh Niên: “Riêng tại Harvard thì tôi đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện khắp trường. Một ví dụ tổ chức lớn ở Harvard là ngày 14.2.1968 mà tài liệu mật của FBI ngày 15.2.1968 có tường thuật lại”.
Ông kể thêm: “Cách đây vài năm khi đi lục tài liệu để kiểm chứng một bài viết thì tình cờ thấy trong một thùng có khoảng 6.000 trang của “hồ sơ FBI” về tôi có toàn văn bài diễn văn trước hơn 2.000 người và khoảng 16 thượng nghị sĩ cách đây hơn 47 năm mà tờ Harvard Crimson đăng”. Quả thực, đến nay, bài phát biểu này vẫn còn lưu giữ và các trang tài liệu giải mật cũng đã được công bố.
Ông nhớ lại: “Đó là buổi tổ chức tặng giải hòa bình PAX cho thượng nghị sĩ Ernest Gruening (bang Alaska), một trong hai thượng nghị sĩ bỏ phiếu chống cái gọi là “Gulf of Tonkin Resolution” (Nghị quyết vịnh Bắc bộ) mà Tổng thống Mỹ Lyndon B.Johnson dùng để thả bom miền Bắc và leo thang chiến tranh năm 1965. Buổi đó có các thượng nghị sĩ nổi tiếng đến dự như là Frank Church, J.William Fulbright, Mark O.Hatfield, Harold Hughes, Edward M.Kennedy, Eugene J.McCarthy, George McGovern, Gaylord Nelson, Stephen M.Young, và một vài vị nữa”.
Đến năm 1969, ông Ngô Vĩnh Long đã là một trong những lãnh đạo của phong trào hòa bình của Mỹ và đã quen biết gần một nửa các hạ, thượng nghị sĩ nước này. Giới thiệu về bài phát biểu trên, GS Long chia sẻ: “Tôi kèm theo đây vì câu nói chót của tôi là câu tự đáy lòng và bây giờ, 47 năm sau, mới bắt đầu hiện thực”. Năm đó, ông đã kết thúc bài phát biểu bằng câu: “Thưa quý ông và quý bà, tôi chân thành hy vọng chúng ta sẽ kết thúc mọi thứ (chiến tranh - NV) để kẻ thù hôm nay có thể trở thành bạn bè của ngày mai”.
GS Ngô Vĩnh Long (ảnh) sinh ra tại tỉnh Vĩnh Long vào năm 1944.
Ảnh: N.M.T

Nhiều năm qua, ông được giới nghiên cứu thế giới nhìn nhận như một chuyên gia hàng đầu về lịch sử Đông Á, đặc biệt là Đông Nam Á, cũng như quan hệ giữa Mỹ với châu Á.
Ông nhận học vị tiến sĩ của Harvard với chuyên ngành lịch sử Đông Á vào năm 1978. Từ năm 1985 đến nay, ông là giáo sư tại Đại học Maine (Mỹ). Ông dạy các môn như: Nam Á và Đông Nam Á, Lịch sử Trung Quốc hiện đại, Lịch sử Nhật Bản hiện đại, Lịch sử quan hệ Việt - Mỹ, Chiến tranh lạnh và tác động đối với Đông Á... Ông cũng tham gia giảng dạy ở nhiều nước khác.
Ông là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng như: Before the Revolution: The Vietnamese Peasants under the French (Trước Cách mạng: Nông dân Việt Nam dưới thời thuộc Pháp) do Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) phát hành vào năm 1973; Vietnamese Women in Society and Revolution: The French Colonial Period (Phụ nữ Việt Nam trong xã hội và cách mạng thời Pháp thuộc) do Nhà xuất bản Cambridge phát hành năm 1974... GS Ngô Vĩnh Long cũng là người đã viết lời giới thiệu cho cuốn sách 5 đường mòn Hồ Chí Minh (Nhà xuất bản Tri Thức, năm 2008).
Hiện nay, ông còn là chuyên gia có uy tín, thường xuyên xuất hiện tại nhiều sự kiện quốc tế để đấu tranh bảo vệ chủ quyền của VN trên Biển Đông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.