Đừng coi thanh niên là đối tượng yếu thế

22/11/2019 08:02 GMT+7

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng dự luật Thanh niên sửa đổi tuy tăng số lượng điều khoản lên gần gấp đôi song 'từ đầu tới cuối vẫn là những quy định chung chung, mang tính chất tuyên ngôn...'.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng dự luật Thanh niên sửa đổi trình Quốc hội kỳ này đang coi thanh niên như đối tượng yếu thế, khi quy định quá nhiều điều khoản về quyền, chính sách về thanh niên, song lại rất chung chung, chủ yếu hô khẩu hiệu.
Thảo luận tại hội trường về dự luật Thanh niên (TN) sửa đổi ngày 21.11, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội cho rằng dự thảo luật tuy tăng số lượng điều khoản lên gần gấp đôi (từ 36 lên 62) so với luật TN cách đây 14 năm, song “từ đầu tới cuối vẫn là những quy định chung chung, mang tính chất tuyên ngôn, tùy nghi, không có gì cụ thể”.

Phải để luật đi vào đời sống

ĐB Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) nhấn mạnh, dự thảo luật mang nặng tính tuyên truyền, hiệu triệu, hô hào, vì các chính sách đưa ra trong dự thảo rất chung chung. ĐB dẫn chứng, dự thảo diễn đạt các chính sách dành cho TN đã lặp lại ít nhất 25 lần cụm từ “tạo điều kiện”, 20 lần từ “hỗ trợ”, 5 lần từ “khuyến khích”, nhưng lại không hề nêu rõ tạo điều kiện thế nào, hỗ trợ cái gì, khuyến khích ra sao và tổ chức, cá nhân cụ thể nào là người tạo điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích, nếu không thì chế tài xử lý sẽ ra sao. “Tính quy phạm của dự thảo luật không cao, tính khả thi, sự tác động của luật vào đời sống xã hội nói chung, đời sống TN nói riêng, tôi cho rằng sẽ rất hạn chế”, ĐB Dung nói và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cẩn thận, kỹ lưỡng để nâng tính quy phạm của luật, sau khi ban hành sẽ có tác động rõ rệt trên thực tế, đi vào đời sống TN như kỳ vọng.
Tương tự, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cũng cho rằng lướt qua dự thảo chỉ có 62 điều nhưng cụm từ “tạo điều kiện” và “TN được” hiện diện tới 55 lần.
“Tạo điều kiện” và “TN được” có phải là tư tưởng chủ đạo, bao trùm của dự luật?”, ĐB Nhân băn khoăn và cho rằng với những quy định về “tạo điều kiện” và “TN được” vô hình trung đã xem TN là những đối tượng yếu thế, và như vậy thì không thể “quyết định vận mệnh dân tộc” như người ta vẫn kỳ vọng ở TN.
Theo ĐB Nhân, dự thảo được chính các bạn TN thừa nhận không khác một kế hoạch hay chương trình hành động, vì chủ yếu mang tính khẩu hiệu, nhiều từ ngữ mang hơi hướng văn chương, hiệu triệu hơn là văn phong lập pháp như tu dưỡng, hoài bão, gian khổ, lập thân, lập nghiệp... “Một khi các chế định không có tính quy phạm, thiếu chế tài, thì những hạn chế trong thời gian qua sẽ khó có hồi kết”, ĐB Nhân lưu ý.
Trong khi đó, ĐB Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) cho rằng việc dự thảo luật quy định trên 20 điều về quyền, chính sách đối với TN đã biến lực lượng xung kích đi đầu, đội hậu bị của Đảng trở thành đối tượng “được nuôi dưỡng, chăm sóc, bế ẵm rất cẩn thận”. “Chúng tôi đề nghị phải rà soát lại, vừa phải có sơ kết, tổng kết để đảm bảo các quy định cho thống nhất với các luật khác và phù hợp với thực tiễn. Chúng tôi cũng xin đề nghị Ban soạn thảo luật cố gắng truyền cảm hứng cho TN Việt Nam, không nên coi họ là đối tượng yếu thế cần được chăm sóc, nâng bẵm như trong dự thảo luật”, ĐB Thức bày tỏ.

Nâng tầm cho Ủy ban Quốc gia về TN

Quản lý nhà nước đối với TN cũng là vấn đề được nhiều ĐB đề cập. ĐB Hồ Văn Thái (Kiên Giang) đề nghị nghiên cứu kỹ và thấu đáo việc dự kiến giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác TN cho Bộ Nội vụ, vì cho rằng thực tế thời gian qua, việc thực hiện chức năng này của Bộ Nội vụ “rất mờ nhạt, chưa hiệu quả”. “Trên thực tế, công tác TN và phong trào TN đều do T.Ư Đoàn, các tỉnh, thành Đoàn tổ chức. Bên cạnh đó, biên chế quản lý nhà nước từ các phòng tới Bộ Nội vụ chưa hợp lý, không đủ sức thực hiện chức năng này”, ĐB này nói và đề nghị nghiên cứu giao cho một cơ quan hoặc một bộ khác gần với công tác TN, để đảm bảo quản lý nhà nước về công tác TN cho hiệu quả.
ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) đề nghị giao chức năng quản lý nhà nước về TN cho Ủy ban Quốc gia về TN Việt Nam. Theo ĐB Kim, phương án này là tối ưu vì không làm tăng đầu mối biên chế, cơ sở vật chất. Hơn nữa, ủy ban này cũng dựa vào T.Ư Đoàn nên có đủ các thiết chế tác động lên TN cả về đối nội và đối ngoại.
Nêu ý kiến tại hội trường, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong cũng đề nghị ban soạn thảo quy định chức năng quản lý nhà nước về TN cho Ủy ban Quốc gia về TN Việt Nam trong luật sửa đổi lần này, và nghiên cứu để nâng tầm, giao thêm một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về TN, công tác TN cho ủy ban này theo tinh thần Nghị quyết 25 của T.Ư Đảng.
Theo Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, hiện nay 142 nước có chính sách riêng về TN, 190 nước có cơ quan chuyên trách về TN, do đó việc quy định Ủy ban Quốc gia về TN trong luật TN sửa đổi, với chức năng cụ thể, là cần thiết và phù hợp với xu thế chung. Quy định Ủy ban Quốc gia về TN trong luật với những chức năng cụ thể cũng không mâu thuẫn các luật khác. Mặt khác, “điều này sẽ giải quyết những bất cập trong quản lý nhà nước về công tác TN trong thời gian qua”.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay sẽ ghi nhận ý kiến các ĐB để tham mưu, đề xuất sửa đổi cho phù hợp với các quy định của luật Tổ chức Chính phủ, nhất là Chính phủ của nhiệm kỳ tới, để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về TN cho cơ quan phù hợp.

Đề nghị nâng độ tuổi thanh niên lên 35 tuổi

Cũng tại phiên thảo luận, nhiều ĐB đề nghị nâng độ tuổi tối đa của TN lên 35, thay vì 30 như hiện nay. ĐB Triệu Thanh Dung cho rằng việc nâng độ tuổi tối đa của TN lên 35 tuổi là cần thiết, vì hiện nay điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao, nên tính năng động sáng tạo, tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ cũng được duy trì dài thêm. Bên cạnh đó, theo ĐB Dung, cùng với xu hướng già hóa dân số, tỷ lệ sinh giảm dần, thì số lượng TN cũng giảm dần, đặc biệt là TN trong khối cán bộ, công chức, viên chức đang giảm nhanh trong những năm qua do việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, sáp nhập cơ quan đơn vị hành chính cấp huyện, xã, hạn chế tuyển dụng mới, nên không có nguồn bổ sung đoàn viên, TN cho khối này. 

“Đổi vai” sẽ khiến QH mất quyền kiểm soát hoạt động xây dựng luật?

Thảo luận tại hội trường về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sáng 21.11, nhiều ĐB Quốc hội (QH) không nhất trí với việc “đổi vai” giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật cho Chính phủ (thay vì các ủy ban của QH như hiện nay).
ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang), “với tư cách người đã trực tiếp tham gia chỉnh lý luật từ đầu kỳ đến giờ”, cho rằng nếu chọn đổi vai là “QH mất quyền kiểm soát hoạt động xây dựng luật”.
“Thực tiễn hoạt động tiếp thu trong thời gian vừa qua, tôi khẳng định 80% các bộ, ngành không muốn tiếp thu (ý kiến góp ý luật của ĐBQH). Khi đấy, ĐBQH trở thành người đi chợ để trả giá, còn người đưa ra hàng có bán hay không là quyền của họ”, ĐB Bộ nói.
“Một điều đáng buồn nữa”, theo ông, là “có vị lãnh đạo Bộ gây sức ép cho ĐBQH khi ĐB phát biểu trái với quan điểm của Bộ mình”. Do đó, “đổi vai” là một phương án không nên chọn. ĐB Nguyễn Mai Bộ cho rằng vấn đề luật bất cập, yếu kém hiện nay có 2 nguyên nhân: thứ nhất là yếu tố con người, kể cả (năng lực của) cán bộ vụ, kể cả ĐB; thứ hai, một số ủy ban không mạnh dạn thực hiện kết luận của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu là “kiên quyết trả lại luật không đảm bảo chất lượng”, chứ không phải do “vai” giải trình, tiếp thu.
Đồng tình với quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho biết: Phương án đổi vai không phải mới, vì trước đây Chính phủ đã đề xuất và QH không chấp nhận. Nữ ĐB cho rằng, nếu để cơ quan trình luật chủ trì tiếp thu luôn thì sẽ khó đảm bảo hài hòa giữa trách nhiệm bảo vệ đến cùng các chính sách của Chính phủ và giải trình, tiếp thu ý kiến của ĐB, nhất là trong trường hợp chỉ đạo của Chính phủ và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khác nhau.
Ngược lại với quan điểm này, khi thảo luận tại tổ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga lại nêu ra điểm “ngược đời” là khi thẩm tra luật, ủy ban thẩm tra càng phản biện sâu sắc thì sau đó lại càng phải đi giải trình chính ý kiến của mình, vì sau kỳ họp trình là đến ủy ban thẩm tra chủ trì giải trình, tiếp thu. ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cũng cho rằng sẽ là không hợp lý khi cơ quan chủ trì soạn thảo “nặn” dở luật rồi không làm nốt, mà chuyển sang QH.
Vũ Hân 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.