Ngọn cờ Lũng Pô
Lũng Pô là địa danh “ngã ba sông”, nơi suối Lũng Pô đổ vào sông Hồng, thuộc xã A Mú Sung, H.Bát Xát, Lào Cai. Tại đây, có cột mốc biên giới 92 giữa VN và Trung Quốc. Theo tiếng địa phương, Lũng Pô là đồi con rồng lớn, cũng có nghĩa là đầu rồng. Từ trên cao nhìn xuống, dòng suối Lũng Pô uốn quanh một mỏm đồi tựa đầu rồng hướng ra sông Hồng, hướng về cội nguồn đất Tổ, hướng về Biển Đông, nơi sinh ra dân tộc Việt là con Lạc cháu Hồng.
“Dù địa thế như vậy nhưng Lũng Pô trước đây khá thưa vắng bóng người, cây rừng rậm rạp. Nhưng mới đây, Tỉnh đoàn Lào Cai đã đưa ra ý tưởng về việc xây dựng công trình cột cờ Lũng Pô. Công trình có vốn đầu tư rất lớn, trong đó Ngân hàng TMCP Công thương VN ủng hộ 10 tỉ đồng, nội lực của thanh niên Lào Cai sẽ đóng góp thêm 2 tỉ đồng. Nhưng đây chỉ mới là giai đoạn 1”, anh Giàng Quốc Hưng, Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai, chia sẻ.
Qua nhiều lần tính toán, Tỉnh đoàn Lào Cai đã chọn được vị trí xây dựng cột cờ Lũng Pô ở tọa độ 22o47’33,6” N - 103o38’44,2” E, cách mốc biên giới 92 khoảng 190 m, phía trước trụ sở tổ công tác biên phòng Lũng Pô, diện tích khoảng 2.100 m2, là đất quốc phòng do Đồn biên phòng A Mú Sung quản lý. Khi hoàn thành, cột cờ sẽ có chiều cao 27,9 m.
Công trình đầy ý nghĩa này đã được Tỉnh đoàn Lào Cai và các ban ngành liên quan làm lễ khởi công vào ngày 26.3 vừa qua, dự kiến ngày 1.10 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, để tăng thêm sự thiêng liêng, vị Bí thư Tỉnh đoàn người Mông này đã mang lá cờ theo hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” để làm một điều đặc biệt.
Lá cờ kết nối miền núi và biển đảo
Tôi không hề biết sự có mặt của lá cờ này trên tàu HQ-571 cho đến khi nó xuất hiện với vai trò là đạo cụ cho một tiết mục văn nghệ tự biên tự diễn ở trên tàu.
Thông tin từ anh Hưng cho hay lá cờ này có tổng diện tích 25 m2, tượng trưng cho 25 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Không phải ngẫu nhiên mà vị thủ lĩnh của thanh niên tỉnh Lào Cai phải vất vả “cõng” lá cờ lớn này đi cùng hành trình. Mọi thắc mắc sẽ được giải đáp, khi vào đến bất kỳ điểm đảo nào, Giàng Quốc Hưng cũng là người đi tìm phòng trực ban nhanh nhất để xin chữ ký và đóng dấu đảo lên ngôi sao vàng ở chính giữa lá cờ.
“Lá cờ được treo lên ở biên giới Việt - Trung nhưng lại được “đóng dấu” Trường Sa. Đó sẽ là một biểu tượng mang tính kết nối. Kết nối đất liền, nơi con sông Hồng đổ vào đất Việt với những nắm đất quê hương ngoài Biển Đông. Cũng là sự kết nối giữa miền núi với miền xuôi, từ đất liền ra biển đảo, từ Fansipan tới Trường Sa. Đó là mối liên kết thống nhất, không thể tách rời”, anh Giàng Quốc Hưng lý giải.
Trong mạch liên tưởng hào hùng, thành viên của hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” này còn bảo rằng nếu bây giờ có ai hỏi một trong những điều may mắn nhất mà anh từng làm trong cuộc đời này thì anh sẽ không ngần ngại trả lời đó là việc được đi Trường Sa và Nhà giàn DK. “Tôi đi chuyến này cùng lá cờ Tổ quốc, mang thông điệp của thanh niên cả nước, rằng Trường Sa, Hoàng Sa, Nhà giàn DK trong trái tim của chúng mình. Thanh niên sẽ bảo vệ những gì thiêng liêng đó”, anh Hưng nói khẳng khái.
Ngày 1.10, công trình cột cờ Lũng Pô sẽ được khánh thành, đưa vào sử dụng. Khi ấy, lá cờ Lũng Pô, lá cờ đẫm sự mặn mòi của biển, nặng hơi thở của Trường Sa sẽ kiêu hãnh tung bay nơi địa đầu Tổ quốc. Rằng, Trường Sa và Nhà giàn DK không thể tách rời với non sông VN, dù có là ở nơi miền biên viễn...
Bình luận (0)