Dựng đài tưởng niệm liệt sĩ Việt Nam trực tuyến

05/12/2012 14:30 GMT+7

(TNO) Dù không có mặt trong lễ trao giải thưởng Tình nguyện Quốc gia vì lý do đang nằm viện điều trị bệnh, Ngô Thị Thúy Hằng vẫn để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả bằng dự án tri ân anh hùng liệt sĩ. Hằng là một trong 5 cá nhân tiêu biểu được T.Ư Đoàn và Chương trình Tình nguyện Liên Hiệp Quốc (UNV) trao giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2012.

Dự án Đài tưởng niệm liệt sĩ Việt Nam trực tuyến do Ngô Thị Thúy Hằng sáng lập, lưu giữ dưới dạng nhật ký cá nhân có đầy đủ thông tin từ lúc nhập ngũ đến hoàn cảnh hi sinh, là kho tư liệu sống động về liệt sĩ và cuộc chiến tranh Việt Nam.

Ngô Thị Thúy Hằng hiện là Giám đốc Trung tâm Quản lý dữ liệu liệt sĩ và người có công (Marin), từng hỗ trợ tìm thành công hàng trăm hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp phân tích thông tin khoa học. Marin là tổ chức cá nhân đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng nhận tư cách pháp nhân trong công tác thu thập, xử lý thông tin liệt sĩ.

Bỏ nghề báo để đứng bên gia đình liệt sĩ

Đài tưởng niệm liệt sĩ Việt Nam trực tuyến lietsivietnam.org là dự án ấn tượng thứ hai Ngô Thị Thúy Hằng thực hiện trên hành trình gần 9 năm tâm huyết với công việc thu thập, xử lý thông tin liệt sĩ. Nhìn lại chặng đường gian khó đã qua, Hằng trải lòng, chẳng thể ngờ việc tìm hiểu chiến tranh thông qua câu chuyện, kỷ vật sưu tầm trong quá trình tìm hài cốt liệt sĩ là niềm vui lớn trong cuộc đời.

Trước khi gây dựng Marin, Hằng có gần 10 năm làm báo tại TP.HCM và tư vấn dự án truyền thông cho nhiều công ty danh tiếng. Cuộc sống bắt đầu rẽ ngang khi Hằng đọc tin về website nhantimdongdoi.org của nhóm sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Hằng tự nguyện gắn bó với diễn đàn nên tranh thủ mỗi chuyến công tác sưu tầm tìm kiếm thông tin đưa lên trang web. Duy trì vài năm, nhóm tác giả sáng lập diễn đàn người ra nước ngoài, người mải mê bươn chải kiếm sống. Không lỡ buông tay, Hằng quyết định từ bỏ nghề báo, khăn gói trở ra Bắc để gần gia đình hơn vừa có thời gian tập trung cho ý tưởng mở rộng diễn đàn thành trung tâm lưu trữ dữ liệu liệt sĩ Việt Nam.


Ngô Thị Thúy Hằng tư vấn miễn phí, hướng dẫn thân nhân tìm mộ liệt sĩ - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Càng gắn bó, Hằng càng thấm thía nỗi đau chiến tranh Việt Nam không chỉ ở con số hàng triệu liệt sĩ ngã xuống cho hòa bình của dân tộc. Khắp nơi trên dải đất hình chữ S, hàng nghìn gia đình vẫn nuôi niềm hi vọng tìm hài cốt, quy tập liệt sĩ. Tốn công tốn của đã đành, thân nhân liệt sĩ đối mặt với nhiều khó khăn bởi những ẩn số thông tin phức tạp. Bằng sự đồng cảm ấy, Hằng nghiên cứu tài liệu, xây dựng hệ thống giải mã phiên hiệu đơn vị trong chiến tranh, phương pháp xác định và phân loại giấy báo tử; quy trình chỉ dẫn tiếp cận cơ quan chức năng giúp thân nhân tìm hài cốt bằng các dữ liệu khoa học. Bằng phương pháp này, Hằng báo tin chính xác cho nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ. Gần đây nhất, dự án khớp nối thông tin trên bia mộ thí điểm tại Bình Dương đã cho thành công ban đầu khi trả lại chính xác tên tuổi, quê quán cho gần 200 liệt sĩ.

Chèo lái hoạt động ở Marin, Hằng hi sinh nhiều lợi ích của riêng mình. Chưa vội nghĩ chuyện yên bề gia thất, cô gái người Hải Phòng với dáng người nhỏ nhắn vẫn miệt mài xách ba lô lên đường ngang dọc Bắc - Nam tư vấn lưu động miễn phí cho thân nhân liệt sĩ ngay tại quê nhà. Ở mỗi chương trình, Hằng đều thuyết phục họ bằng những phân tích khoa học, hướng dẫn tiếp cận các cơ quan chức năng có thông tin.

Thời gian đầu ra mắt, Marin gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài 3 buổi tư vấn tại văn phòng, Hằng phải chạy việc làm thêm bên ngoài để có tiền trang trải thuê nhà, bù đắp một phần cho hoạt động tại Marin. Ngoài niềm vui lớn, công việc tại Marin còn là trách nhiệm không thể chối bỏ. Bên cạnh Hằng giờ đây có nhiều sinh viên tình nguyện, cựu chiến binh đứng bên san sẻ, hỗ trợ tư vấn qua điện thoại, phân loại và xử lý tài liệu bổ sung vào kho thông tin tại Marin.

“Chiến tranh qua rồi nhưng sự khốc liệt vẫn hằn sâu trong cuộc sống những người vợ, người mẹ liệt sĩ, nhất là với con cái họ. Cũng vì quá mong ngóng sốt ruột nên dễ cả tin, có người bán nhà cửa theo nhà ngoại cảm đi tìm mộ, nghe mà thấy đau lòng. Chọn công việc này, tôi chỉ muốn đứng bên cạnh để thân nhân không còn cô độc trên hành trình tìm liệt sĩ”, Hằng chia sẻ.

Kể chuyện chiến tranh bằng cuộc đời liệt sĩ

Sau diễn đàn nhantimdongdoi.org, Ngô Thị Thúy Hằng dồn tâm sức củng cố và phát triển dự án Đài tưởng niệm trực tuyến liệt sĩ Việt Nam (www.lietsivietnam.org). Trên trang web này, Hằng cho đặt bia mộ ảo, hệ thống theo từng tỉnh, thành phố. Người thân, đồng đội liệt sĩ thậm chí độc giả truy cập có thể thắp hương, gửi vòng hoa tưởng niệm hay chia sẻ cảm xúc tri ân.

Ngô Thị Thúy Hằng chia sẻ, làm thế nào đưa thông tin liệt sĩ Việt Nam đến với rộng rãi thanh niên là vấn đề trăn trở nhất hiện nay. Bởi bên cạnh chị Đặng Thùy Trâm, anh Nguyễn Văn Thạc còn có hàng triệu liệt sĩ Việt Nam đã ngã xuống vì hòa bình của dân tộc. Sự hi sinh của họ cần được thế hệ trẻ nhớ đến và tôn vinh. Chọn hướng đi khác biệt với diễn đàn liệt sĩ online đài tưởng niệm trực tuyến sẽ lần lượt đăng tải đầy đủ thông tin của trên 800 liệt sĩ Việt Nam Marin đang lưu giữ. Thông tin về từng liệt sĩ được xây dựng sinh động dưới dạng hồ sơ nhật ký cá nhân cập nhật từ nơi sinh, đơn vị nhập ngũ, chiến công trong mỗi trận đánh, hoàn cảnh hi sinh và địa chỉ, mối liên hệ với thân nhân hiện thời.


Ngoài tư vấn tại trung tâm, Hằng thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn lưu động, gặp gỡ cựu chiến binh sưu tầm thông tin về liệt sĩ và các trận đánh lớn - Ảnh: Nhân vật cung cấp


Không chỉ mang ý nghĩa tri ân, dự án đài tưởng niệm trực tuyến có tính kết nối giữa các thế hệ. Thông qua nhật ký cá nhân phác họa cuộc đời liệt sĩ do Marin xây dựng dựa trên các tài liệu sưu tầm, đồng đội và thân nhân liệt sĩ có thể chia sẻ thêm tư liệu, chỉnh sửa và góp ý về thông tin chưa thật chính xác. Đài tưởng niệm trực tuyến được kỳ vọng sẽ là kho tàng tư liệu thông tin đầy đủ, phong phú và sinh động về anh hùng liệt sĩ và chiến tranh Việt Nam.

Đài tưởng niệm trực tuyến liệt sĩ Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của độc giả. Cũng từ dự án này, Hằng ấp ủ ý tưởng thực hiện chuỗi chương trình giao lưu nhân chứng lịch sử với sinh viên các trường đại học. Trong chiến tranh, trường đại học nào cũng có sinh viên nhập ngũ và hi sinh, Hằng chọn những người may mắn trở về từ cuộc chiến kể lại câu chuyện về khí thế một thời hào hùng, giúp sinh viên hôm nay hiểu thế hệ trước họ ra trận, hi sinh như thế nào đóng góp cho hòa bình dân tộc, cho truyền thống mái trường theo học.

“Nuôi ý tưởng về dự án này, tôi cứ ám ảnh bởi câu thơ “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Người lính khi ngã xuống chắc họ chỉ mong đất nước hòa bình và thống nhất. Mỗi câu chuyện được chia sẻ trên đài tưởng niệm trực tuyến hay các chương trình giao lưu với cựu binh sẽ là bài học sinh động giáo dục tình yêu nước, lý tưởng sống cho bạn trẻ, khơi dậy ở họ ý chí phấn đấu, sống có trách nhiệm với xã hội”, Hằng bày tỏ niềm tin.

Marin từng tổ chức thành công 9 buổi gặp mặt thân nhân liệt sĩ tư vấn miễn phí quy trình tìm kiếm hài cốt, hướng dẫn làm các thủ tục liên quan đến chế độ chính sách với gần 8.000 người tham dự. Hiện tại, trung tâm này đang lưu giữ thông tin nơi, chiến trường và trường hợp hi sinh của trên 800.000 liệt sĩ; cung cấp danh sách hơn 300.000 thông tin có liên quan đến phần mộ liệt sĩ được quy tập tại 3.000 nghĩa trang liệt sĩ cả nước.

Ngô Thị Thúy Hằng là cá nhân duy nhất được T.Ư Hội LHTN Việt Nam tặng giải thưởng Khi Tổ quốc cần năm 2011 ghi nhận đóng góp tiêu biểu cho xã hội. Năm 2012, Hằng nhận giải thưởng Chim én tôn vinh cá nhân có ý tưởng, dự án tình nguyện xuất sắc vì cộng đồng.

Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.