Đừng đẩy phần khó cho dân

25/10/2020 05:29 GMT+7

Nhà nước không thể giành phần việc dễ làm là cấm hay đặt ra các điều kiện để dễ quản lý mà đẩy phần khó cho người dân.

Dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 10 của Quốc hội quy định đặt ra các điều kiện với cá nhân, tổ chức muốn quan trắc và công bố thông tin cho cộng đồng về chất lượng môi trường.
Theo đó, tại điều 111 của dự thảo về điều kiện tham gia hoạt động quan trắc môi trường yêu cầu các tổ chức, cá nhân muốn quan trắc nhằm cung cấp và công bố thông tin chất lượng môi trường cho cộng đồng, thì phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về quan trắc chất lượng môi trường và đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước.
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội hôm qua (24.10) - khi Quốc hội thảo luận về dự thảo luật này, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết Bộ TN-MT khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp thông tin chất lượng môi trường, song việc quản lý thông tin về chất lượng môi trường tới cộng đồng là cần thiết vì nếu thông tin không chính xác sẽ làm nhiễu loạn, gây hoang mang, lo lắng cho người dân.
Mục đích tốt đẹp của Bộ TN-MT trong việc quản lý thông tin về chất lượng môi trường là đáng trân trọng, có thể hiểu được. Song việc đặt ra các yêu cầu về kỹ thuật và thủ tục đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước thực tế sẽ tạo ra rào cản đối với các cá nhân, tổ chức muốn cung cấp thông tin môi trường đến người dân. Điều này hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân. Khi đó, hệ lụy từ loại “giấy phép con” này có thể khiến mục đích tốt đẹp ban đầu của Bộ TN-MT khi xây dựng quy định này bị lu mờ.
Cách quản trị thông minh để có thể ngăn chặn những thông tin sai lệch, có thể gây hoang mang dư luận chính là các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác, tin cậy hơn cho người dân, đồng thời xử lý thật nghiêm những tổ chức, cá nhân cung cấp những thông tin sai lệch.
Thực tiễn công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam trong thời gian qua đã chứng minh điều này. Khi các cơ quan chức năng cung cấp thông tin về dịch bệnh một cách minh bạch, đầy đủ, kịp thời và xử lý những trường hợp đưa tin sai lệch, những tin đồn, tin giả gây hoang mang dư luận gần như không có đất để tồn tại. Chính việc các cơ quan có trách nhiệm “độc quyền” và giấu giếm thông tin mới tạo ra những mảnh đất màu mỡ để tin giả lan truyền và “gây hoang mang dư luận”.
Chính vì vậy, thay vì đặt ra các điều kiện tạo ra rào cản với tổ chức, cá nhân tham gia công bố thông tin chất lượng môi trường, để ngăn chặn những thông tin thiếu chính xác về chất lượng môi trường, gây hoang mang dư luận, Bộ TN-MT chỉ cần cung cấp thông tin thật đầy đủ, chính xác, kịp thời. Khi phát hiện các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin sai lệch, Bộ TN-MT hoàn toàn có thể xử lý theo quy định pháp luật.
Tất nhiên, để làm tốt cả 2 việc trên là không dễ. Nó đòi hỏi các cơ quan hữu trách phải nỗ lực nhiều hơn. Tuy nhiên, đó cũng là trách nhiệm của nhà nước. Nhà nước không thể giành phần việc dễ làm là cấm hay đặt ra các điều kiện để dễ quản lý mà đẩy phần khó cho người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.