Đứng dậy sau sóng thần: Biến thảm họa thành cơ hội

13/08/2018 10:00 GMT+7

Sau ngày sóng thần ập vào vùng Tohoku (11.3.2011), ngư trường này bị tê liệt hoàn toàn...

Những bè hàu, ốc đỏ, rong biển, sò điệp, cá hồi vây bạc... ven dải đường biển bị sóng cuốn sạch, ngư dân Miyagi khởi đầu lại nghề từ số không.
Nhớ lại cơn thịnh nộ của thiên nhiên, ông Yuji Ishimori, ngư dân nuôi hàu làng Fukkiura vùng Ishinomaki, mô tả: “Sóng thần đến, sức mạnh của nó đưa những con tàu vào rừng, lên tận núi cao, đấy là điều chúng tôi được học từ nhỏ ở trường. Nhưng không thể hình dung những gì xảy ra ở năm 2011, chỉ có thể nói rằng nó thật khủng khiếp”.
Thiên nhiên cướp đi cuộc sống, chốn mưu sinh, gia đình, của cải vật chất, gây nên những áp lực tinh thần, thể xác, nhưng vẫn để lại cho ngư trường lớn thứ ba thế giới Miyagi những ưu đãi không vùng nào có được. Ngư trường truyền thống bao đời qua từ Ishinomaki, Minamisanriku, Togura, Onagawa, Shizugawa, hay Shimotsukawa, đến Fukkiura... luôn được cung cấp nguồn dưỡng chất từ thảm thực vật ở núi cao quanh vùng, trải qua phân hủy, đọng lại trong các khuôn lá, rồi đóng băng, tan chảy, ngấm vào đất kết hợp cùng khoáng chất sắt biến thành a xít fulvic, đổ ra biển. Nguồn “sữa” này là dưỡng chất cực tốt cho các loài phù du và động vật có vỏ. Vì thế, ngư trường Miyagi nổi tiếng với những loài sò, ốc.
Đứng dậy sau sóng thần: Biến thảm họa thành cơ hội1
Nghề bóc hàu thủ công dần được máy móc thay thế
Cuộc dàn xếp của thiên nhiên
Trên con tàu câu rẽ sóng băng băng ở vùng biển Togura, theo lão ngư Kiyohiro Goto - thế hệ thứ 3 tiếp nối nghề nuôi hàu của gia đình - qua những bè nuôi hàu nằm rải rác, ngay ngắn trên mặt biển, Kiyohiro Goto giới thiệu: “Trước khi có sóng thần, tàu không chạy thoải mái được thế này đâu, vì khắp mặt biển hơn 1.000 bè nuôi hàu. Ngư dân đều biết số lượng ấy là quá nhiều, nuôi hàu trong diện tích hẹp làm chúng chậm lớn, chất lượng hiển nhiên giảm, nhưng ai cũng muốn nuôi nhiều bè hơn nữa, người này nuôi dày thêm, trại kế bên cũng làm tương tự, chẳng ai chú ý đến chất lượng. Tất cả như cái vòng luẩn quẩn không biết phải xử lý thế nào”.
Sóng thần giúp... cải thiện kinh tế
Các nhà phân tích kinh tế khẳng định, thảm họa sóng thần giúp cải thiện kinh tế của Nhật Bản, với cơ hội việc làm gia tăng dựa trên những nỗ lực phục hồi và tái thiết đất nước. JP Morgan Chase, một trong những tập đoàn dịch vụ tài chính lâu đời nhất thế giới, có trụ sở ở New York, khi phân tích kinh tế dựa trên số liệu trận động đất San Francisco 1989 và Northrigde 1994 từng đưa ra nhận định: “Sau thảm họa do tự nhiên gây nên, số lượng sản xuất sản phẩm thực sự tăng trưởng rất mạnh”.
Sóng thần ập đến, toàn bộ bè hàu ở Togura bị cuốn sạch. Thảm họa gây thiệt hại nặng, nhưng lại là cơ hội tốt để ngư nghiệp làng Togura và cả những vùng biển nuôi trồng hải sản tương tự ở Miyagi thay đổi.
Ở Hokkaido, con sò điệp 4 năm tuổi cồi to bằng gần cổ tay; còn ở Miyagi, con sò kích cỡ tương tự chưa đầy… 2 năm tuổi. Anh Toshio Sasaki, thành viên Hợp tác xã thủy sản Miyagi, lý giải: “Biển với chúng tôi là nhà, nhưng sau thảm họa thật khó trở lại biển, nhiều thành viên lớn tuổi chấp nhận bỏ nghề. Những người ở lại đã gặp gỡ và mở nhiều cuộc thảo luận về thực hành canh tác, thành lập vùng nuôi trồng bền vững để các thế hệ sau vẫn tiếp tục kế thừa. Và chúng tôi thống nhất giảm số lượng nuôi trồng chỉ bằng 1/3 so với trước khi có sóng thần. Thế là chất lượng của mọi loài cải thiện. Thí dụ hàu, trước kia mất 3 năm mới thu hoạch, giờ chỉ cần 1 năm”.
Không chỉ với ngành nuôi trồng, các nhà máy sản xuất, chế biến cũng chuyển đổi lớn. Kanta Suenaga, Giám đốc Công ty hải sản Suenaga Kaisan ở Ishinomaki, kể: “Hệ thống máy móc, thiết bị dây chuyển sản xuất hàu của chúng tôi đã lạc hậu, nhưng vẫn hoạt động tốt nên để thay mới cũng là bài toán phải cân nhắc. Khi thảm họa đến, nhà máy bị thiệt hại nặng, hệ thống dây chuyền sản xuất hỏng, công nhân bị ảnh hưởng sóng thần nên bỏ nghề, dẫn đến thiếu lao động. Cái rủi ấy lại mang đến cơ hội thay đổi, hiện toàn bộ hệ thống máy móc của chúng tôi đều được tự động hóa, năng suất cao hơn, chất lượng sản phẩm tốt, mẫu mã đẳng cấp hơn”.
Đứng dậy sau sóng thần: Biến thảm họa thành cơ hội2
Chiếc máy bóc sò điệp triệu đô của Shinji Takada, Công ty hải sản Yamanaka tại Ishinomaki Ảnh: Nguyễn Đình
Hướng đến tương lai
Không chỉ gặp khó khăn sau sóng thần, ngư trường Miyagi còn đối mặt với nghi vấn nhiễm xạ từ các nhà máy điện hạt nhân vùng biển kế cận. Do vậy để vực dậy ngành khai thác hải sản, không chỉ là câu chuyện nuôi trồng phân bố hợp lý, các công đoạn khảo sát, nghiên cứu, kiểm định nguồn nước cũng được tuân thủ nghiêm ngặt.
Dữ liệu khảo sát nguồn nước như nhiệt độ, độ đục, lượng thực vật phù du được lấy từ các trạm nghiên cứu khắp ngư trường Miyagi sau mỗi 30 phút, toàn bộ dữ liệu tích lũy liên tục trong 6 tháng để đưa ra những phân tích về tác động của việc nuôi trồng thủy sản, của môi trường sau thảm họa.
Kết quả chỉ 5 năm sau thảm họa sóng thần, thủy sản Miyagi phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Chi nhánh Shizugawa của Hợp tác xã thủy sản Miyagi trở thành tập thể nông nghiệp đầu tiên ở Nhật đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn ASC (Aquaculture Stewardship Council - Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản) vào tháng 3.2016. Đây là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư, đảm bảo tốt quy định về lao động.
Thay đổi đáng kể trong công nghệ sản xuất hải sản ở Miyagi chính là máy bóc sò điệp Autoshell có mức giá lên đến hơn 1 triệu USD. Shinji Takada, Giám đốc Công ty hải sản Yamanaka tại Ishinomaki, chủ nhân chiếc máy cho biết: “Máy được chính phủ trợ giá 70%, 8 tiếng bóc tách đến 7 tấn cồi sò điệp, bằng hơn 20 lao động làm việc cùng thời gian”.
Câu chuyện xóa bỏ, làm lại từ đầu của ngành nuôi trồng hải sản ở Miyagi là một bài học giá trị được ngành thủy sản Nhật tham chiếu và áp dụng. Đặc biệt là phương cách nuôi trồng hợp lý, ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến, sản xuất. Anh Abe Fujio, Hợp tác xã thủy sản Miyagi, chi nhánh Shimotsukawa, chia sẻ đầy tự hào: “Chúng tôi kiến tạo nền nuôi trồng đánh bắt thủy sản bền vững, không phải cho bây giờ, mà cho tương lai con em. Cạnh đó, chúng tôi thường xuyên tổ chức các lớp ngoại khóa đưa học sinh tiểu học trong vùng ra ngư trường, giúp các em nhận thức được sự phát triển của hải sản cũng như cách nuôi trồng bền vững, vì chính các em mới là thế hệ kế thừa của tương lai”. (còn tiếp)
Tách hàu bằng áp lực nước 8 tấn/cm2
Một chiếc máy độc đáo khác ứng dụng công nghệ cao là máy tách phần cơ hàu khỏi vỏ bằng áp lực nước, có khả năng diệt các chủng vi khuẩn phẩy (vibrio) có trong hàu. Hàu khi thu hoạch, được đưa vào lồng thép và điều áp nước đến 8 tấn/cm2 (đây là một thông số khủng khiếp nếu so với áp lực nước tại đáy của rãnh Mariana - điểm sâu nhất vỏ trái đất với gần 11 km - chỉ đạt 3,2 tấn/cm2). Sau 2 phút chịu áp lực nước, cơ hàu tự động rời khỏi vỏ, hai vỏ hàu vẫn khép và chỉ cần cầm tay nhấc nhẹ là có thể lấy trọn vẹn con hàu ra ngoài, bản thân hàu vẫn sống, không bị tổn thương như cách bóc tách bằng công cụ hỗ trợ, nên có thể chuyển đi khắp vùng miền nước Nhật mà chất lượng không hề thay đổi. Tất nhiên khi bóc tách hàu bằng công nghệ này, giá một con hàu từ Miyagi lên chợ cá Tsukiji ở Tokyo tăng gấp ba lần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.