PV Thanh Niên đã về tỉnh Miyagi, nơi chịu hậu quả nặng nề nhất của sóng thần, để chứng kiến sức mạnh ý chí và tinh thần của người Nhật đứng lên sau thảm họa.
Từng là ngôi làng cổ trù phú với những mái ngói xưa trăm năm, Minamisanriku giờ tan hoang, nhưng hàng nghìn lữ khách vẫn đến mảnh đất chết này mỗi ngày để nghe, để thấy những câu chuyện đầy tình người. Cách Tokyo khoảng 365 km về hướng bắc là Miyagi, ngư trường lớn thứ ba thế giới thuộc tây bắc Thái Bình Dương, với các loài hải sản đặc hữu như cá hồi vây bạc, sò điệp, hàu, ốc đỏ, rong biển...
Sóng thần năm 2011 làm hơn 12.000 người dân Miyagi thiệt mạng và mất tích, 83.000 cơ sở hạ tầng hoàn toàn bị xóa sổ, ngành ngư nghiệp trở về con số không.
Làng chài Minamisanriku ngay vịnh biển cũng bị xóa trắng. Tưởng với thảm họa như thế, người dân sẽ bỏ làng đi nhưng ngược lại, cả làng Minamisanriku quyết gạt thương đau, đương đầu khó khăn, dựng lại ngôi làng trên chính nền đất cũ.
Hướng dẫn viên bất đắc dĩ
|
Người hướng dẫn hôm ấy là bà Taeko Haga, gương mặt cương nghị, giọng mạnh mẽ duy có ánh mắt đượm buồn sâu thẳm. Bà mở đầu câu chuyện về chính mình: “Toàn bộ gia đình, nhà cửa, của cải đều bị cơn sóng cao hơn 16 m cuốn sạch. Vợ chồng anh trai tôi cũng bị sóng thần cuốn ngay trước mắt. Nỗi ám ảnh ấy đeo bám tôi cả ngày lẫn đêm suốt hai năm. Tôi rơi vào trầm cảm và mất thêm bốn năm sống đối diện với bản thân. Tôi nghĩ đến lúc phải nói ra, chia sẻ giúp mọi người biết cách đối phó với thảm họa nội tâm lẫn cuộc sống bên ngoài, biết sống chung với khó khăn, gian khổ khi thiên tai ập đến. Tôi nghĩ khi dám đối mặt với những khó khăn ấy, cuộc sống sẽ trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn”.
Bà Taeko Haga giờ ở khu tái định cư ngay mép rừng. Mỗi ngày, bà cùng những tình nguyện viên về làng làm hướng dẫn du lịch. Theo chân Taeko đi xen giữa đại công trường đang ngổn ngang, chi tiết gây chú ý là lúc nào cũng thấy Taeko nắm trong tay chai nước suối nhỏ, bà bảo: “Nếu thiên tai ập đến, chai nước này đủ giúp tôi cầm cự cuộc sống vài ngày trước khi nhận được sự giúp đỡ từ người khác”. Nói về ngôi làng của mình, bà kể thêm: “Chúng tôi đang xây lại làng mới, công việc không ngày nghỉ, với thứ tự ưu tiên là cứu đói, xây lại bệnh viện, xây khu tái định cư, mở cửa trường học, sân chơi, tiếp đến là chợ, sau cùng là nhà ở. Dự kiến đến 2025 làng mới sẽ hoàn thành”.
Tình nguyện kiểu Nhật
Trong tuyến du lịch quanh phế tích của Minamisanriku, chỉ còn lại bệnh viện và tòa nhà cảnh báo thiên tai sót lại bộ khung sắt cao ba tầng. Đứng bên bàn thờ thiên dưới chân tòa nhà, Taeko kể: “Khi sóng thần ập vào, tòa nhà cao 12 m này có 43 người đang làm việc, mọi người được huy động lên tầng thượng để tránh sóng. Riêng nữ phát thanh viên Miki Endo, 25 tuổi, không rời phòng làm việc, cô vẫn tiếp tục việc phát loa, kêu gọi cộng đồng tránh lên vùng cao vì sóng thần đang đến. Con sóng cao đến 16 m tràn vào, 43 nhân viên của Trung tâm cảnh báo thiên tai, trong đó có Miki Endo đều tử nạn”.
|
Từ phần đất nền của làng Minamisanriku, Taeko chỉ về phía vách núi - nơi có lữ quán Kanyo doi ra mặt biển, bà bảo đấy là vị ân nhân của cả làng Minamisanriku. Lữ quán này có lịch sử phát triển gần trăm năm, khi Minamisanriku gặp thảm họa, chủ nhân đã dành toàn bộ 244 phòng ốc cho hơn 1.000 dân làng đến cư ngụ, ăn ở miễn phí trong hai tháng. Chủ quán cùng nhân viên trở thành người phục vụ, giúp đỡ cộng đồng, tạo lập nhà ăn tập thể, nhà giữ trẻ, thư viện đọc sách...
Khi tìm đến lữ quán Kanyo và được hỏi về câu chuyện chung tay khắc phục hậu quả sóng thần, nữ chủ nhân chia sẻ: “Cho đến nay, chúng tôi vẫn giữ lại thư viện để phục vụ mọi người, không gian sảnh tiếp đón dành bày tranh học sinh Minamisanriku vẽ cùng những ảnh chụp để bán làm từ thiện. Thời còn nhỏ, khoảng năm 1960, chúng tôi đã trải qua thiên tai tương tự, cha tôi dạy phải biết chia sẻ với người hoạn nạn. Những gì tôi làm hôm nay, chỉ là thực hiện theo cách cha đã dạy ngày trước”.
Chuyến thực địa ở vùng sóng thần cũng dẫn lối đến quán hàu của Teraoka Mashimi - một tình nguyện viên đến từ tỉnh Aichi. Khi thấy những khổ cực của nạn nhân sóng thần Miyagi, chỉ sau một tháng khi sóng thần xảy ra, anh đã bán hết tài sản, nhà cửa đem giúp người hoạn nạn.
Teraoka sống tạm bên túp lều ven biển Ishinomaki, mỗi ngày tham gia công việc cứu trợ. Khi cạn tiền, anh quyết định mở quán hàu nướng, đến gặp các nhà nuôi hàu trong vùng mua nguyên liệu, mượn tạm mảnh đất hoang dựng cái lều bạt bán hàu, phần tiền lời lại tiếp tục dùng hỗ trợ nạn nhân sóng thần. Vịnh biển Sanriku nơi quán hàu Teraoka tọa lạc, hiện vẫn ngổn ngang công trình tái thiết, quán có tên Ishinomaki Wata no Ha khá đắt khách, Teraoka kể: “Tôi đâu nghĩ mình sẽ ở đây lâu nhưng đến giờ cũng hơn 7 năm rồi. Cả quán chỉ một mình tôi lo hết. Nghề bán hàu tôi cũng đâu biết, nhưng vì thấy đặc sản của vùng là hàu, nên tôi phải sang tỉnh khác học cách thức tổ chức quán hàu, rồi về làm, vừa để có thu nhập vừa để giới thiệu đặc sản của vùng đến mọi người”.
Làm du lịch để tuyên truyền về sóng thần
Cư dân Minamisanriku hiện sống trong những dãy nhà làm từ container sơn trắng đặt ngay rìa làng. Cạnh đó là nơi mua sắm có tên Minamisanriku Sun Sun, với khoảng 30 tiệm do người làng tự quản. Du khách trong và ngoài nước khi đi ngang vùng thường ghé mua vài sản phẩm để giúp dân làng cải thiện cuộc sống.
Tuyến du lịch sóng thần do người dân Minamisanriku khởi xướng, họ tình nguyện làm hướng dẫn viên cho những ai đến Miyagi muốn tìm hiểu về câu chuyện tàn phá của sóng thần. Mục đích tuyến du lịch nhằm tuyên truyền cho mọi người hiểu thêm về thảm họa, về câu chuyện người trong cuộc và kinh nghiệm vượt qua thảm họa để tiếp tục cuộc sống.
|
(còn tiếp)
Bình luận (0)